Nan giải vấn đề thành lập thị trấn

09:10 - Thứ Tư, 27/03/2019 Lượt xem: 13224 In bài viết

ĐBP - Ở nhiều địa phương, tốc độ đô thị hóa diễn ra khá nhanh với việc “chạy đua” từ thị tứ lên thị trấn, thị trấn muốn thành thị xã… Thế nhưng với Ðiện Biên đến nay vẫn còn 3 huyện chưa thành lập thị trấn. Ðó có phải do điều kiện vật chất, hạ tầng chưa đảm bảo hay còn những nguyên nhân khác?

 

Dù trung tâm huyện Mường Nhé đã có sự phát triển về hạ tầng nhưng vẫn thiếu nhiều điều kiện để trở thành thị trấn huyện lỵ. Trong ảnh: Toàn cảnh trung tâm xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé). Ảnh: Phạm Dương

Trong số 8 huyện của tỉnh hiện còn 3 huyện chưa thành lập thị trấn, gồm: Mường Nhé, Ðiện Biên và Nậm Pồ. Tìm hiểu thực tế cho thấy, có nhiều nguyên nhân khiến vấn đề này kéo dài, trong đó chủ yếu vẫn là điều kiện kinh tế - xã hội, dân cư chưa đảm bảo.

Phân tích toàn diện những vấn đề khiến các địa bàn này chưa thể thành lập thị trấn huyện lỵ, trước hết cả 3 huyện: Mường Nhé, Nậm Pồ, Ðiện Biên đều là địa bàn biên giới (là 3/4 huyện biên giới của tỉnh), điều kiện kinh tế - xã hội nói chung còn nhiều khó khăn, chưa đủ các điều kiện theo quy định tại khoản 2, Ðiều 128, Luật Tổ chức chính quyền địa phương về “nguyên tắc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính”. Cụ thể, đối với huyện Ðiện Biên đã thành lập, cơ bản ổn định đơn vị hành chính từ năm 2004 (thời điểm tách tỉnh Ðiện Biên - Lai Châu). Lý giải việc đến nay huyện chưa thành lập thị trấn, ông Nguyễn Hữu Khởi, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên cho biết: Trong lịch sử, huyện Ðiện Biên đã từng 2 lần có thị trấn huyện lỵ, đó là thị trấn Nông trường Ðiện Biên (thành lập năm 1991, giải thể năm 1997) và thị trấn Mường Thanh (thành lập năm 1997 đến năm 2003 sáp nhập, thành lập phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ). Từ khi xây dựng, đưa vào sử dụng trung tâm hành chính huyện Ðiện Biên đến nay, việc thành lập thị trấn gặp nhiều vướng mắc. Ðiển hình là vấn đề dân cư, cả khu vực trung tâm hành chính huyện hiện nay chỉ có 4 hộ dân; các điều kiện về tiêu chí đô thị loại 5 như: cơ sở hạ tầng, tỷ lệ dân cư phi nông nghiệp… đều không đủ theo quy định. Vì vậy, trong Nghị quyết của HÐND tỉnh về quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, cũng như quy hoạch mà UBND tỉnh đã phê duyệt, trước mắt đến hết năm 2020, huyện Ðiện Biên sẽ chưa thành lập thị trấn.

Ðó là huyện Ðiện Biên, đơn vị tưởng chừng có “nhiều điều kiện” để thành lập đô thị trung tâm nhất, còn đối với Mường Nhé - huyện biên giới đã có lịch sử hình thành 17 năm (được thành lập tháng 1/2002 trên cơ sở một phần diện tích và dân số của các huyện: Mường Tè, Mường Lay của tỉnh Lai Châu cũ) việc thành lập thị trấn càng khó khăn hơn. Theo ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé: Ngoài vấn đề chưa có nguồn lực đầu tư để hình thành đô thị, xã trung tâm Mường Nhé cũng chưa thể “nâng cấp” thành thị trấn do yếu tố dân số không đảm bảo. Hơn nữa, dù huyện có định hướng tốt thế nào thì tư tưởng một bộ phận cán bộ công chức, không chỉ ở chính quyền cấp xã (thị trấn) mà cả lực lượng công chức huyện và viên chức sự nghiệp trên địa bàn vẫn còn băn khoăn trong vấn đề quyền lợi, chính sách. Bởi, đối với địa bàn xa xôi, khó khăn như Mường Nhé, nếu “cào bằng” các chế độ về lương, hỗ trợ khu vực, chính sách thu hút nguồn nhân lực… giống như thị trấn của các huyện: Tuần Giáo, Mường Ảng là một điều rất khó. Thế nên, thực hiện quan điểm “xây dựng cơ sở, thu hút nguồn nhân lực, phát triển một đô thị vùng biên”, huyện Mường Nhé cần những chủ trương hài hòa, phù hợp để vừa phát triển đô thị vừa ổn định chính sách cán bộ.

Tương tự như Mường Nhé, huyện Nậm Pồ dù đã chia tách, thành lập được 6 năm nhưng khái niệm đô thị trung tâm huyện lỵ vẫn còn khá mơ hồ. Hiện nay trung tâm xã Nà Hỳ dù đã có sự phát triển về dân cư, hạ tầng nhưng còn rất nhiều những vấn đề chưa thể đáp ứng điều kiện để chia tách, thành lập một thị trấn. Không chỉ có vậy, chính khu vực quy hoạch, xây dựng trung tâm hành chính huyện hiện nay còn chưa được xác định một cách rõ ràng thuộc về địa phận của xã Nà Hỳ (xã biên giới) hoặc xã Nà Khoa hay xã Nậm Chua. Qua tìm hiểu, được biết khi có thông tin trung tâm thuộc địa phận xã Nậm Chua (không phải là xã biên giới), cán bộ không còn nhận các chế độ, chính sách thu hút… cũng đã xuất hiện những vấn đề về tư tưởng. Vì vậy, đối với huyện mới thành lập như Nậm Pồ, những vấn đề ổn định về hạ tầng, định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo sẽ được quan tâm hơn, thay vì việc nhất thiết phải thành lập một thị trấn huyện lỵ.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top