Huyện Mường Nhé

Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm

09:09 - Thứ Sáu, 29/03/2019 Lượt xem: 11730 In bài viết

ĐBP - Chưa đến 8 giờ, chợ Trung tâm huyện Mường Nhé và các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm (thịt, cá tươi sống…) đã đông đúc. Khách hàng chủ yếu là người dân địa phương và các vùng lân cận đến mua bán. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần các hộ đều kinh doanh nhỏ lẻ, việc đầu tư trang thiết bị còn thiếu nên khó có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP). Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Minh Phương, Chủ nhà hàng Minh Phương, cho biết: “Hiểu rõ tầm quan trọng của công tác VSATTP, sau khi được tuyên truyền nhà hàng đã lựa chọn những thực phẩm, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng để chế biến món ăn; che chắn thức ăn cẩn thận... Ðặc biệt, các đồ dùng nấu ăn, bát đũa mỗi khi sử dụng xong đều được rửa sạch sẽ, đem phơi nắng cho khô ráo; lau dọn nhà hàng, khu vực nấu ăn đảm bảo các điều kiện, tiêu chuẩn về an toàn theo đúng quy định.

 

Cán bộ Ðội Quản lý thị trường số 6 kiểm tra hàng hóa của tiểu thương tại Chợ trung tâm Mường Nhé.

Ông Nguyễn Văn Lập, Trưởng phòng Y tế huyện Mường Nhé cho biết: Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế, nhiều cơ sở kinh doanh, chế biến thực phẩm, nhà hàng trên địa bàn được mở ra. Hiện toàn huyện có gần 400 cơ cở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể. Mặc dù những tháng đầu năm trên địa bàn không xảy ra ngộ độc thực phẩm, nhưng trên thực tế huyện vẫn tồn tại nhiều nguy cơ tiềm ẩn dẫn tới ngộ độc thực phẩm. Như: một số cơ sở sản xuất, kinh doanh chấp hành chưa nghiêm các quy định của nhà nước về VSATTP, kinh doanh thực phẩm kém chất lượng, quá hạn sử dụng. Ðặc biệt, nhận thức tự bảo vệ của người tiêu dùng và ý thức chấp hành pháp luật về VSATTP của người sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm chưa đầy đủ... Ngoài ra, trên địa bàn vẫn còn nhiều hộ kinh doanh tạm bợ, thuê mướn, kinh doanh theo thời vụ nên khó khăn trong việc quản lý và kiểm soát ATTP.

Do vậy, để nâng cao vai trò trách nhiệm của các chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và ý thức của người dân trong vấn đề đảm bảo VSATTP, huyện Mường Nhé đã tổ chức nhiều đợt cao điểm tuyên truyền, phổ biến kiến thức về VSATTP tại các chợ, trường học trên địa bàn với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Lực lượng chức năng tập trung hướng dẫn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng biết cách chọn mua, chế biến, bảo quản thực phẩm an toàn; điều kiện về cơ sở vật chất, kiến thức thực hành. Hàng năm, huyện cũng phối hợp với các ban, ngành tổ chức các lớp tập huấn cho các đối tượng trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; giúp người tiêu dùng nâng cao kiến thức, thực thi pháp luật về ATTP.

Cùng với đó, huyện cũng chỉ đạo các xã thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, nhắc nhở các hộ kinh doanh thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo VSATTP; mở các đợt kiểm tra liên ngành về VSATTP; tập trung kiểm tra các vấn đề: Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATVSTP; cập nhật kiến thức ATVSTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm… kiên quyết xử lý những trường hợp vi phạm. Năm 2018, huyện đã tổ chức kiểm tra 60 cơ sở sản xuất, lấy mẫu rượu thử bằng test nhanh metanol 09; mẫu bún tươi thử test nhanh Formon 10… Kết quả, đã xử phạt 14 vụ, nộp ngân sách Nhà nước gần 5 triệu đồng; lỗi chủ yếu là hàng hóa quá hạn sử dụng ghi trên bao bì, sử dụng giấy khám sức khỏe quá hạn; tiêu hủy một số sản phẩm như: bánh nướng, sữa ông thọ.

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền huyện Mường Nhé đã góp phần giảm thiểu tối đa các ca ngộ độc thực phẩm, đặc biệt là ở địa bàn vùng cao, vùng sâu góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. 

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top