Chung tay cùng gỡ khó

09:05 - Thứ Hai, 01/04/2019 Lượt xem: 12958 In bài viết

ĐBP - Trong công tác tổ chức Lễ hội Hoa Ban, kêu gọi tài trợ từ các đơn vị, doanh nghiệp là việc không thể thiếu bởi ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được tất cả các hoạt động. Thế nhưng, qua nhiều năm tổ chức, điểm qua một số doanh nghiệp mặn mà với hoạt động tài trợ Lễ hội vẫn chỉ là những gương mặt quen thuộc khiến cho Ban Tổ chức luôn canh cánh nỗi lo kinh phí. Ðiều đó đặt ra câu hỏi giải pháp nào gỡ thế khó để duy trì Lễ hội Hoa Ban tiếp tục là thương hiệu riêng của du lịch Ðiện Biên… 

 

Chương trình nghệ thuật “Hoa ban rạng rỡ đất Mường Thanh” tại Lễ khai mạc Lễ hội Hoa Ban 2019. Ảnh: Hải Yến

Ðể tổ chức thành công Lễ hội Hoa Ban năm 2019 và Ngày hội Văn hóa, Thể thao, Du lịch tỉnh Ðiện Biên lần thứ VI, Ban Tổ chức đã có thư kêu gọi tài trợ, gửi đến trên 200 doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó trực tiếp đến vận động trên 80 đơn vị, doanh nghiệp; đồng thời, ủy quyền cho Công ty Cổ phần tập đoàn Anh Sơn (Công ty tổ chức sự kiện) vận động các tổ chức cá nhân ngoài tỉnh Ðiện Biên. Cơ quan thường trực - Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) thành lập tổ vận động tài trợ lễ hội phân công nhiệm vụ vận động các tổ chức và cá nhân theo danh sách đã gửi thư kêu gọi. Thông qua hoạt động đó, Ban Tổ chức nhận được trên 400 triệu đồng tiền mặt và sự hỗ trợ bằng hiện vật, vé máy bay, tuyên truyền băng rôn, tin nhắn, hỗ trợ địa điểm tổ chức Cuộc thi Người đẹp Hoa Ban… với giá trị quy đổi trên 2,8 tỷ đồng. Nếu đem so với các năm trước đây, số tài trợ cho năm 2019 cũng chẳng chênh lệch bao nhiêu. Cụ thể, năm 2017, Ban Tổ chức nhận được trên 1,2 tỷ đồng, gồm tiền mặt, ngày công…; năm 2018, nhận được trên 800 triệu đồng tiền mặt và bằng hiện vật, vé máy bay, tuyên truyền bằng băng rôn, tin nhắn, khẩu hiệu... với giá trị quy đổi trên 900 triệu đồng… Với nguồn kinh phí đó đã góp phần vào sự thành công của lễ hội trong điều kiện ngân sách còn khó khăn. Tuy nhiên, từ kết quả trên có thể thấy nhiều đơn vị, doanh nghiệp chưa mấy mặn mà với việc tài trợ cho các hoạt động của lễ hội. Hầu như chỉ có một vài gương mặt quen thuộc, như: Viettel Ðiện Biên, VNPT Ðiện Biên, Mobifone Ðiện Biên, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6, Khách sạn Mường Thanh… còn số đông những đơn vị, doanh nghiệp khác vẫn chỉ đứng ngoài làm… khán giả.

Không hẳn vì ưu đãi của Ban Tổ chức dành cho các đơn vị, doanh nghiệp đã, đang và sẽ tài trợ cho Lễ hội Hoa Ban chưa tốt. Theo ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL, Ban Tổ chức đã dành khá nhiều những quyền lợi trong công tác tuyên truyền, quảng bá, vinh danh tại các hoạt động của lễ hội và các quyền lợi đó đều được thay đổi qua từng năm. Như với năm 2019, Ban Tổ chức cho bật góc logo nhà tài trợ trên sóng truyền hình trực tiếp; tặng bằng khen vinh danh nhà tài trợ; in logo các nhà tài trợ trên băng rôn, cờ phướn tuyên truyền cho Lễ hội; tổ chức cho các thí sinh cuộc thi Người đẹp Hoa Ban đến thăm và chụp hình lưu niệm tại đơn vị… Ðối với các đơn vị đồng hành nhiều năm liên tục với Lễ hội Hoa Ban, như: Viettel, VNPT, Mobifone, Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 - Khu du lịch sinh thái Him Lam, Khách sạn Mường Thanh… Ban Tổ chức lồng ghép tuyên truyền, quảng bá trong các sự kiện hội chợ du lịch quốc tế VITM tại Hà Nội, ITE tại TP. Hồ Chí Minh; trong công tác tư vấn cho khách du lịch; lồng ghép hình ảnh trong các clip quảng bá về du lịch của tỉnh; ưu tiên sử dụng dịch vụ của đơn vị, doanh nghiệp khi có các sự kiện thể thao, các hoạt động thường niên của ngành… Có thể thấy, với những ưu đãi đó là điều kiện khá tốt để cho các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các doanh nghiệp mới thành lập quảng bá, giới thiệu thương hiệu của mình tới công chúng.

Dù dành không ít những ưu đãi, nhưng thực tế ghi nhận công tác kêu gọi tài trợ vẫn loay hoay trong thế khó. Ông Ðoàn Văn Chì cho biết: Công tác vận động tài trợ cho Lễ hội Hoa Ban là hoạt động thường niên được thực hiện từ năm 2015, tính đến nay đã 5 năm liên tục tiến hành vận động, kêu gọi tài trợ nên nhiều doanh nghiệp, đơn vị cũng… “ngại” tài trợ. Quy mô doanh nghiệp trong tỉnh cũng khá khiêm tốn, ngoài một số đơn vị, doanh nghiệp lớn còn lại chủ yếu hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, thương mại, chưa quan tâm nhiều đến việc quảng bá thông qua hoạt động tài trợ. Hơn nữa, trong năm nhiều đơn vị, doanh nghiệp cũng đã có những đóng góp, hỗ trợ cho các hoạt động xã hội hóa khác của tỉnh… Vậy nên, hiệu quả vận động tài trợ rất hạn chế. Không chỉ vậy, việc vận động tài trợ chủ yếu do cơ quan thường trực - Sở VHTT&DL đảm nhiệm nên chưa phát huy được vai trò, năng lực huy động của các sở, ban, ngành thành viên khác cũng nằm trong Ban Tổ chức. Ðứng trước những khó khăn đó, cơ quan thường trực lễ hội đề xuất tiếp tục nghiên cứu, tham mưu thay đổi các quyền lợi đáp ứng nhu cầu, mong muốn từ các đơn vị tham gia tài trợ; tiếp tục ủy quyền cho các đơn vị có đủ uy tín vận động ngoài tỉnh. Ngoài ra, đề nghị UBND tỉnh xem xét, thành lập Ban vận động tài trợ cấp tỉnh, trong đó giao nhiệm vụ cho các thành viên Ban vận động có trách nhiệm vận động tài trợ chung cho Lễ hội Hoa Ban hàng năm để phát huy lợi thế của một số sở, ngành và các địa phương.

Quả thực, việc kêu gọi vận động tài trợ cho các hoạt động trong Lễ hội Hoa Ban còn gặp không ít khó khăn. Bởi nhiều đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa nhận thấy những lợi ích mang lại từ việc tham gia tài trợ cho lễ hội hoặc những ưu đãi đó chưa trúng và đúng với nhu cầu của doanh nghiệp. Vậy nên, đúng như những đề xuất của cơ quan thường trực, cần suy tính làm sao hài hòa mong muốn các nhà tài trợ trong khả năng, phạm vi cho phép. Ngoài ra, cũng cần có sự chung tay vào cuộc, gỡ khó cho cơ quan thường trực trong việc kêu gọi, vận động tài trợ từ các thành viên khác nằm trong Ban Tổ chức. Mỗi thành viên nêu cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, phát huy lợi thế của mình thì có thể tăng số lượng, chất lượng các nhà tài trợ cho Lễ hội Hoa Ban trong những năm tiếp theo.


Hải Phong
Bình luận
Back To Top