Mường Nhé tăng cường phòng chống dịch tả lợn châu Phi

08:42 - Thứ Tư, 03/04/2019 Lượt xem: 10880 In bài viết

ĐBP - Trước tình hình phức tạp và cấp bách của dịch dịch tả lợn châu Phi, để phòng chống dịch thâm nhập và lây lan trên địa bàn, UBND huyện Mường Nhé đã ban hành Quyết định số 189/QÐ-UBND về việc thành lập “Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm và thủy sản trên địa bàn huyện Mường Nhé”; đồng thời thành lập “Chốt kiểm dịch động vật tạm thời phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi” trên tuyên quốc lộ 4H. Mặc dù, trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh nhưng với phương châm phòng là chính, UBND huyện đã chỉ đạo các ban, ngành và nhân dân tập trung thực hiện các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Trọng tâm là đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng (loa phát thanh, họp bản...) để người chăn nuôi và nhân dân nhận thức đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi. Nhất là khi phát hiện lợn có các triệu chứng bị bệnh, phải báo cáo ngay với chính quyền địa phương để xử lý kịp thời, thực hiện tốt “5 không”: Không giấu dịch; không mua bán, vận chuyển lợn bệnh, lợn chết; không giết mổ, tiêu thụ lợn bệnh, lợn chết; không vứt lợn ốm, chết ra ngoài môi trường...

 

Cán bộ chốt kiểm dịch động vật tạm thời (thuộc xã Quảng Lâm) phòng chống dịch tả lợn châu Phi kiểm tra, nhắc nhở các phương tiện lưu thông trên địa bàn.

Ðặc biệt, huyện cũng đẩy mạnh việc tuần tra, thành lập chốt kiểm dịch liên ngành (Công an, Thú Y, Quản lý thị trường...) tại đầu mối giao thông chính thuộc địa phận xã Quảng Lâm; duy trì đội kiểm tra lưu động, tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát 24/24/giờ; phát hiện, xử lý nghiêm theo pháp luật các trường hợp buôn bán, vận chuyển, giết mổ lợn không có giấy chứng nhận kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, tiêu thụ lợn ốm, chết làm lây lan dịch bệnh. Theo thống kê, từ ngày 12 - 31/3, chốt kiểm dịch động vật tạm thời phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi đã kiểm tra 3 xe vận chuyển, với 126 con lợn; phun khử trùng bằng hóa chất hanlodine 10%.

Ðến hết năm 2018, toàn huyện Mường Nhé có 16.254 con lợn, chủ yếu được nuôi tại các trang trại, gia trại và quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình. Theo ông Lèng Văn Thủy, Trưởng trạm Thú Y huyện Mường Nhé: Nhìn chung các hộ chăn nuôi trên địa bàn 11 xã cơ bản thực hiện đầy đủ công tác phòng dịch, phun thuốc khử trùng tiêu độc định kỳ theo quy định; đồng thời, tích cực chăm sóc đàn lợn chu đáo, tăng cường sức đề kháng cho lợn... theo dõi tình trạng sức khỏe, giám sát tình hình sức khỏe đàn lợn hàng ngày, để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời nếu có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Anh Lò Văn Nhất, bản Quảng Lâm (xã Quảng Lâm), chủ hộ chăn nuôi lợn, chia sẻ: “Ðược sự tuyên truyền, hướng dẫn của cán bộ thú y, để phòng chống dịch tả lợn châu phi, gia đình tôi đã thực hiện nghiêm túc khâu vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc. Nếu phát hiện đàn lợn có biểu hiện bỏ ăn, dịch bệnh kịp thời báo cáo chính quyền để có hướng xử lý, tránh dịch bệnh lây lan rộng”.

Hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa, do vậy biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tăng cường khử trùng tiêu độc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn... Ông Lèng Văn Thủy, Trạm trưởng Trạm Thú y huyện Mường Nhé, khuyến cáo: Ðể làm tốt công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi, trước hết các xã phải làm tốt khâu rà soát, thống kê đầy đủ số lợn trong diện tiêm phòng và tiến hành tiêm phòng đầy đủ; đẩy mạnh việc tuyên truyền đến các hộ chăn nuôi về tác hại và sự nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Ðối với người chăn nuôi cần nâng cao ý thức trong việc vệ sinh tiêu độc khử trùng khu nuôi nhốt, đặc biệt khi nghi có lợn ốm, chết không bán chạy và giết mổ, vận chuyển lợn đi nơi khác mà phải báo cho chính quyền địa phương và cơ quan thú y để kịp thời giám sát, phòng chống dịch. Có như vậy, mới ngăn chặn, không để bệnh dịch tả lợn châu Phi xâm nhập và lây lan trên đàn vật nuôi của toàn huyện.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top