Phát huy hiệu quả các chốt kiểm dịch động vật

09:03 - Thứ Tư, 03/04/2019 Lượt xem: 11876 In bài viết

ĐBP - Hiện nay, 5/10 huyện, thị xã, thành phố đã xuất hiện và công bố dịch tả lợn châu Phi. UBND tỉnh chỉ đạo của chính quyền các địa phương và nhân dân quyết liệt khoanh vùng, khống chế không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; phát hiện, ngăn chặn việc buôn bán, vận chuyển lợn trái phép từ ngoài tỉnh vào và từ vùng dịch đi các địa bàn khác trong tỉnh… Trong đó, tăng cường hoạt động và hiệu quả của các chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các tuyến giao thông chính trên địa bàn.

 

Chốt kiểm dịch trên quốc lộ 12 tại xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên).

Tại các chốt kiểm dịch động vật tạm thời có lực lượng liên ngành, gồm: Thú y; công an; quản lý thị trường; giao thông vận tải và chính quyền địa phương. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ phải mặc đúng trang phục, mang phù hiệu của ngành và có sự phối hợp chặt chẽ để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Danh sách người trực chốt được thông báo công khai tại chốt; cán bộ tự ý bỏ trực chốt khi đã được phân công phải hoàn toàn chịu trách nhiệm. Nhiệm vụ của chốt kiểm dịch là kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật nhiễm bệnh, nghi nhiễm bệnh, chưa qua kiểm dịch. Thực hiện khử trùng, tiêu độc phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch. Hướng dẫn, giám sát việc xử lý tiêu hủy khi phát hiện lợn bệnh và các sản phẩm từ lợn mắc dịch tả lợn châu Phi và các bệnh dịch nguy hiểm khác trên gia súc, gia cầm theo quy định. Các chốt kiểm dịch trực 24/24 giờ trong ngày (kể cả ngày lễ, ngày nghỉ).

Ông Ðỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú  tỉnh cho biết: Toàn tỉnh đã thành lập 7 chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại các đầu mối giao thông chính trên địa bàn. Trong đó: huyện Ðiện Biên và Nậm Pồ thành lập 2 chốt; Tuần Giáo, Mường Nhé và Tủa Chùa mỗi huyện 1 chốt. Ngoài ra, các xã nằm trong vùng dịch, lân cận vùng dịch cũng có thể thành lập các chốt kiểm dịch cấp xã tùy vào tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế địa phương. Nhìn chung, sau 20 ngày UBND tỉnh công bố dịch, hoạt động của các chốt kiểm dịch được duy trì liên tục. Ðây là một trong những biện pháp rất cần thiết trong phòng, chống và khống chế dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp trên địa bàn.

Chốt kiểm dịch động vật tại chân đèo Pha Ðin (xã Quài Tở, huyện Tuần Giáo) là một trong những chốt chặn đầu tiên được thành lập. Tuần Giáo là nơi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên, là huyện đầu tiên công bố dịch, đồng thời cũng là cửa ngõ giao thông của tỉnh. Ông Lò Văn Hóa, Trưởng chốt kiểm dịch động vật tại chân đèo Pha Ðin cho biết: Chốt đã kiểm tra, phun tiêu độc khử trùng cho các phương tiện vận chuyển động vật và sản phẩm động vật đi qua chốt kiểm dịch. Kiểm tra thủ tục, kiểm dịch thú y đối với trên 1.000 con lợn được vận chuyển từ ngoài tỉnh vào địa bàn; kiên quyết xử lý theo quy định đối với những trường hợp vi phạm.

Ngay sau khi ghi nhận ca nhiễm bệnh đầu tiên trên địa bàn, UBND huyện Ðiện Biên đã ra quyết định thành lập 2 chốt kiểm dịch tại 2 tuyến giao thông trọng điểm để kiểm tra, kiểm soát và xử lý những vi phạm về kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật ra, vào huyện. Cụ thể, 1 chốt đặt tại xã Núa Ngam kiểm soát trên quốc lộ 12B, tuyến Ðiện Biên - Ðiện Biên Ðông và 1 chốt đặt tại xã Hua Thanh kiểm soát tuyến quốc lộ 12 đi các huyện: Nậm Pồ, Mường Nhé, thị xã Mường Lay và tỉnh Lai Châu.

Thượng úy Nguyễn Văn Chiến, Ðội Kinh tế - Ma túy Công an huyện Ðiện Biên, Trưởng chốt kiểm dịch tại xã Hua Thanh cho biết: Chốt được thành lập ngày 27/3, luôn duy trì 5 thành viên, đủ thành phần theo quyết định của UBND huyện, trực 24/24 tất cả các ngày trong tuần thực hiện kiểm tra, kiểm soát và phun hóa chất tiêu độc, khử trùng đối với các phương tiện vận chuyển động vật qua chốt. Các hoạt động của chốt đều được ghi nhật ký và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện. Trước khi có dịch tả lợn châu Phi, hoạt động vận chuyển động vật, nhất là lợn qua huyện Ðiện Biên đi các huyện Nậm Pồ và Mường Nhé khá sôi động. Song từ khi có dịch, hoạt động này khá im ắng. Ðến nay, chưa có phương tiện vận chuyển lợn qua chốt.


Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top