Người dân Tìa Dình thấp thỏm lo âu trước nguy cơ sạt lở

08:42 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 12536 In bài viết

ĐBP - Tháng 9/2018, khe nứt gãy tại trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) chỉ rộng khoảng 20cm. Tuy nhiên, qua kiểm tra, khảo sát của cán bộ xã, đến nay vết nứt này đã rộng thêm 16cm, khiến chính quyền, gần 50 hộ dân trong xã cùng hàng trăm thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình lo lắng, bất an. Trong khi mùa mưa đang đến gần, nếu không có giải pháp di chuyển đến vị trí an toàn kịp thời, nguy cơ sạt lở tại cung trượt này sẽ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống, đe dọa sự an toàn của cán bộ, thầy cô, học sinh và nhân dân trên địa bàn.

 

Cán bộ xã Tìa Dình kiểm tra vết nứt tại gia đình anh Giàng A Sinh, bản Tìa Dình C. Ảnh: Quang Hưng

Những ngày qua, thầy giáo Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình luôn cảm thấy bất an, nhất là khi trời mưa to, bởi đó là một trong những yếu tố khiến vết nứt ngày càng mở rộng, cung trượt sạt lở đất xảy ra gây nguy hiểm cho học sinh và giáo viên nhà trường. Thầy Vinh than thở: Nơi sinh sống của gần 50 hộ dân, trụ sở UBND xã, điểm trường trung tâm Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình đều nằm trong cung trượt sụt lún, mà vết nứt chỉ cách đây vài chục mét, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác giảng dạy của nhà trường. Do tác động của cung trượt sụt lún này, một số phòng, lớp học đã bị biến dạng, đe dọa đến sự an toàn của học sinh và cán bộ, giáo viên trong trường. Hiện nay, ban ngày có trên 350 học sinh và nhiều cán bộ, giáo viên; còn ăn, ở bán trú có 250 học sinh. Vì vậy, nhiều phụ huynh học sinh không yên tâm khi cho con em mình học tại đây. Sau mỗi trận mưa to, nhiều phụ huynh lo lắng và bày tỏ nguyện vọng với nhà trường đón con em về nhà để đảm bảo an toàn hơn. Vì vậy, để không xảy ra những sự cố đáng tiếc cho thầy và trò, ổn định việc học hành cho các cháu, nhà trường mong muốn các cấp, ngành và địa phương nhanh chóng có phương án xử lý, di chuyển điểm trường ra vị trí khác, an toàn hơn, nhất là khi mùa mưa đang đến gần.

Gặp chúng tôi trong khuôn viên Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình, ông Vàng A Giống, bản Háng Chua (xã Tìa Dình) chia sẻ: “Gia đình tôi có 1 cháu đang học lớp 3, nhưng gia đình không ngày nào là không lo lắng, bởi nếu trời mưa to sẽ ảnh hưởng đến điểm trường trung tâm, gây mất an toàn cho các cháu, trong đó có cả con mình. Các cháu đang ăn, ở bán trú lại càng nguy hiểm hơn, vì lỡ đêm đang ngủ mà đất lở thì không biết chạy có kịp không?”.

Dù căn nhà gỗ của gia đình nằm cuối vị trí sụt lún, song anh Vàng A Cáo, bản Tìa Dình B vẫn đứng ngồi không yên vì chứng kiến vết nứt ngày càng rộng thêm. Anh Cáo cho biết: “Không chỉ các hộ dân sống gần trung tâm xã đâu, gia đình tôi và nhiều hộ khác sinh sống ở đây cũng bất an, lo sợ sạt lở đất sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Dù sợ nhưng không biết làm thế nào, vì di chuyển đến nơi ở khác thì không có tiền. Vì vậy rất mong chính quyền các cấp nhanh chóng xây dựng phương án di chuyển người dân đến nơi ở an toàn hơn”.

Về phía chính quyền địa phương, anh Giàng A Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Vết nứt gãy có chiều dài khoảng 1.000m như một vành đai ôm trọn khu vực trung tâm xã nên sắp đến mùa mưa, chính quyền xã và nhân dân rất lo lắng. Sau mỗi trận mưa to, xã đều cử cán bộ kiểm tra vết nứt để có phương án tuyên truyền, vận động nhân dân ra khỏi vùng nguy hiểm. Mới đây, cán bộ xã đã kiểm tra và báo cáo vết nứt gãy đã rộng tới 36cm. Như vậy là trong vòng gần 6 tháng đã nứt rộng thêm 16cm (thời điểm tháng 9/2018, vết nứt rộng khoảng 20cm). Mặc dù biết nguy hiểm luôn thường trực, song để đảm bảo an toàn cho người dân và thầy trò tại đây, hiện nay chính quyền xã chỉ biết tăng cường kiểm tra vết nứt, cung sụt sạt để tuyền truyền, cảnh báo, vận động người dân chủ động sơ tán, phòng tránh. Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời, về lâu dài, việc bố trí đất tái định cư cho bà con còn phụ thuộc vào kinh phí từ cấp trên. Vì vậy, chính quyền địa phương đề nghị UBND tỉnh, Trung ương, quan tâm, sớm có phương án di chuyển nhân dân đến vị trí, an toàn hơn.

 

Vết nứt kéo dài qua nhà dân tại bản Tìa Dình C, xã Tìa Dình. Ảnh: Quang Hưng

Vừa qua, UBND xã Tìa Dình đã nhận được công văn của UBND tỉnh giao cho Sở Xây dựng trả lời công văn của UBND huyện Ðiện Biên Ðông. Công văn cũng đề nghị UBND huyện, xã chủ động tuyên truyền để bà con đề cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ sụt lún, yêu cầu di chuyển người đến nơi an toàn khi có mưa lớn; phối hợp với nhà trường tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhằm đảm bảo an toàn cho học sinh và thầy, cô giáo. Ngoài ra, UBND tỉnh sẽ sớm nghiên cứu phương án để di chuyển dân cư đến nơi an toàn.

Theo ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình thì xã đã kiến nghị lên cấp trên để xin kinh phí khẩn trương di chuyển đến vị trí mới, an toàn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Người dân ở khu trung tâm xã vẫn đang sống thấp thỏm bên cung trượt, sụt lún. Xã cũng nghiên cứu, khảo sát 2 phương án dự kiến di chuyển dân, trụ sở hành chính đến 2 vị trí là khu vực gần trạm y tế xã và di chuyển vào bản Chua Ta để tham mưu với cấp trên. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là do không có kinh phí để di dân nên mỗi khi trời mưa to, địa phương chủ động chỉ đạo Ban phòng, chống lụt bão của xã tuyên truyền vận động nhân dân tạm thời di chuyển ra khỏi điểm nguy cơ sụt lở, không ở qua đêm tại nhà.

Ðược biết, để có phương án di chuyển các hộ dân và trụ sở xã, Trường PTDTBT Tiểu học Tìa Dình đến vị trí an toàn, ngày 29/2, Sở Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Quyết định số 65/QÐ-STNMT về việc phê duyệt hồ sơ mời thầu gói thầu điều tra hiện trạng, nguyên nhân, dự báo nguy cơ sụt lún, trượt lở khu vực trung tâm xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông) và đề xuất biện pháp phòng, tránh giảm thiểu thiệt hại.

Trước thực trạng vết nứt tại khu vực trung tâm xã Tìa Dình ngày càng rộng thêm như hiện nay, trong khi đó diễn biến địa chất tại cung trượt này không thể dự báo trước, khiến cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân nơi đây lo lắng sạt lở sẽ gây thiệt hại về tài sản và nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, bên cạnh giải pháp trước mắt là tuyên truyền, vận động người dân chủ động phòng tránh, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng cũng cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án cụ thể để người dân không còn phải thấp thỏm, lo âu khi mùa mưa sắp đến.

Quang Hưng
Bình luận
Back To Top