Nậm Pồ chờ đợi nguồn nước sạch

08:47 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 11560 In bài viết

ĐBP - Thiếu nước sinh hoạt hoặc nguồn nước không đảm bảo chất lượng là thực trạng đã diễn ra nhiều năm qua tại huyện Nậm Pồ. Không chỉ ở các địa bàn vùng cao, mà ngay tại trung tâm huyện, hàng ngày người dân cùng cán bộ, công nhân viên chức huyện vẫn phải sống chung với nguồn nước sinh hoạt “tanh tanh, lợ lợ”.

 

Trong khi chờ đợi dự án nước sạch được đầu tư, hiện nay cán bộ, công chức huyện Nậm Pồ vẫn phải tạm thời sử dụng nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo.

Trung tâm huyện Nậm Pồ một chiều tháng 3, không khí oi bức ngột ngạt của những ngày gió “Lào” cộng với quãng đường đầy bụi của vùng đất biên giới này khiến chúng tôi cảm thấy khô rát nơi cổ họng. Tại Ban Quản lý dự án huyện, cán bộ nhân viên đơn vị đang bận rộn với những chiếc xe rùa và cát, sỏi… bên bể nước sinh hoạt chung. Anh Cao Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án chia sẻ: Anh em đang cải tạo hệ thống nước sinh hoạt của khu tập thể, dạo này nước giếng khoan có dấu hiệu ô nhiễm nặng! Bình thường thì toàn bộ nước dùng để ăn uống chúng tôi đều phải mua nước lọc đóng chai về sử dụng. Như chè xanh anh em mình đang uống đây, nếu sử dụng nước bể để ủ thì không khác gì chè để thiu lâu ngày, không thể uống được. Vì vậy, nước giếng khoan chúng tôi chỉ dùng tạm để tắm giặt, rửa rau… Tuy nhiên, thời gian gần đây, không hiểu sao nước ngày càng nhớt và tanh hơn, quần áo sáng màu giặt bằng nước bể đều bị ngả vàng, dùng để tắm gội thấy rất khó chịu, tóc sau khi gội bằng nước bể bị xít, xơ và bết lại, đến rửa tay cũng thấy nhớp nhớp, dính dính, mùi nước cũng ngày một tanh hơn. Thậm chí cán bộ đơn vị có dấu hiệu bị nhiễm khuẩn như mắt cay đỏ, người mẩn ngứa. Vì vậy, chúng tôi đã huy động anh em đóng góp tài chính, công sức để cải tạo nguồn nước bằng cách tạo bể lọc gồm: cát, sỏi, than hoạt tính. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời, còn về lâu dài, chúng tôi cần một hệ thống nước sạch được đầu tư quy mô.

Không chỉ nước sinh hoạt lấy từ giếng khoan của Ban Quản lý dự án huyện có dấu hiệu nhiễm kim loại nặng mà hầu hết nguồn nước trong khu vực trung tâm huyện Nậm Pồ đều không đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng. Ðiển hình như nước dùng cho Nhà khách UBND huyện, nước cũng ngả vàng và nhớt quánh như có dầu. Khi có thông tin nước sinh hoạt nhiễm sắt (vị tanh, lợ, ngả vàng…), cơ quan Y tế huyện đã lấy mẫu nước đi xét nghiệm hàm lượng sắt hòa tan trong nước. Tuy nhiên, kết quả xét nghiệm cho thấy nước không nhiễm sắt! Vậy, yếu tố nào đã khiến nước sinh hoạt khu vực này có những dấu hiệu như vậy? Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, nước sinh hoạt thông thường không chỉ nhiễm sắt mà còn có nhiều kim loại nặng khác, nếu sử dụng lâu dài sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, gây hại đến sức khỏe, trong đó phải kể đến các kim loại như: chì, thủy ngân và mangan. Cụ thể, nguyên tố chì có độc tính cao đối với con người, gây độc cho hệ thần kinh trung ương, hệ thần kinh ngoại biên. Người bị nhiễm chì sẽ bị rối loạn bộ phận tạo huyết (tủy xương). Tuỳ theo mức độ nhiễm chì, người nhiễm có thể bị đau bụng, đau khớp, viêm thận, cao huyết áp, tai biến não, nhiễm chì nặng có thể gây tử vong. Ðặc tính nổi bật của chì là sau khi xâm nhập vào cơ thể, nguyên tố này ít bị đào thải ra ngoài mà tích tụ theo thời gian trong cơ thể rồi mới gây độc. Hay thủy ngân, tính độc của nguyên tố này phụ thuộc vào cấu tạo hóa học của nó. Trẻ em nếu nhiễm độc thủy ngân sẽ bị phân liệt, co giật không chủ động. Trong nước sinh hoạt, thủy ngân là loại độc nhất, nó làm phân liệt nhiễm sắc thể, ngăn cản quá trình phân chia của tế bào. Ngoài ra, mangan mặc dù là nguyên tố vi lượng, nhu cầu của con người mỗi ngày cần khoảng 30 - 50 mg/kg trọng lượng cơ thể nhưng nếu dùng với hàm lượng lớn, mangan dư thừa sẽ gây độc cho cơ thể. Ðặc biệt là tác động lên hệ thần kinh trung ương, gây tổn thương thận, bộ máy tuần hoàn, phổi; ngộ độc nặng mangan có thể gây tử vong.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề nước sinh hoạt trên địa bàn huyện, ông Nguyễn Văn Thái, Chủ tịch UBND huyện Nậm Pồ cho biết: Nước sinh hoạt trên toàn huyện nói chung, khu vực trung tâm huyện nói riêng là vấn đề huyện quan tâm ngay từ những ngày mới thành lập. Huyện xác định sẽ chỉ sử dụng nguồn nước ngầm (giếng khoan) chứ không dùng nước mặt (suối) nhằm hạn chế tác hại ô nhiễm do sinh hoạt, sản xuất. Tuy nhiên, nước ngầm lại gặp phải vấn đề chất lượng kém như hiện nay. Vừa qua, tỉnh đã có chủ trương đầu tư hệ thống nước sạch sinh hoạt cho Nậm Pồ, kinh phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Hy vọng rằng, đơn vị đầu tư sẽ khẩn trương triển khai dự án, nắm chắc tình hình hiện trạng chất lượng nước để có giải pháp khắc phục tối ưu, mang đến nguồn nước đảm bảo để người dân và cán bộ huyện yên tâm sinh sống, làm việc.

Bài, ảnh: Phạm Dương
Bình luận
Back To Top