Cùng suy ngẫm

Chung tay khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh

14:53 - Thứ Năm, 04/04/2019 Lượt xem: 10949 In bài viết

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia bị ô nhiễm bom, mìn và chịu hậu quả của bom, mìn còn sót lại nặng nề nhất trên thế giới. Ước tính, số bom, đạn còn sót lại sau chiến tranh khoảng 800 nghìn tấn, tổng diện tích đất ô nhiễm và nghi ngờ ô nhiễm bom, đạn lên tới 6,13 triệu ha, chiếm 18,71% tổng diện tích đất của cả nước.

Số bom, mìn, vật liệu chưa nổ hiện còn nằm rải rác tại tất cả tỉnh, thành phố, trong đó tập trung nhiều nhất ở các tỉnh miền trung. Hơn 40 năm sau chiến tranh, bom, mìn, vật nổ còn sót lại vẫn đang là hiểm họa hằng ngày đối với nhiều người dân. Từ năm 1975 đến nay, số bom, mìn tồn sót đã cướp đi mạng sống của hơn 40 nghìn người dân, làm hơn 60 nghìn người mà phần lớn đều là lao động chính trong gia đình hoặc trẻ em bị thương dẫn tới tàn phế.

Những năm qua, Ðảng và Nhà nước ta đã xác định việc khắc phục hậu quả bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh là nhiệm vụ cấp bách và cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Quốc phòng đẩy nhanh tiến độ khắc phục hậu quả bom, mìn tại những vùng đất bị ô nhiễm, tập trung ở địa bàn các tỉnh, thành phố có diện tích ô nhiễm cao, như: Quảng Trị, Quảng Nam, Bình Ðịnh, Hà Giang, đồng bằng sông Cửu Long... Tuy đạt được những kết quả khả quan, nhưng để làm sạch hết bom, mìn sau chiến tranh, ước tính Việt Nam cần kinh phí hàng chục tỷ USD, với thời gian kéo dài hơn 100 năm. Chưa kể, hàng tỷ USD cần thiết cho việc tái định cư, bảo đảm an sinh xã hội ở vùng ô nhiễm bom, mìn.

Ðể tạo cơ sở pháp lý về tổ chức, quản lý hoạt động khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Chương trình 504) và thành lập Ban Chỉ đạo nhà nước về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh (Ban Chỉ đạo 504, nay là Ban Chỉ đạo 701 - Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam), với mục tiêu huy động nguồn lực trong nước và quốc tế nhằm giảm đến mức thấp nhất và tiến tới khắc phục hoàn toàn ảnh hưởng của bom, mìn, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an toàn cho nhân dân, giúp đỡ nạn nhân bom, mìn hòa nhập đời sống, an sinh xã hội.

Nhờ vậy, bên cạnh tập trung công tác rà phá bom, mìn, làm sạch vùng đất ô nhiễm, hầu hết nạn nhân bom, mìn đã nhận được nhiều trợ giúp xã hội từ Nhà nước và cộng đồng để có thể tham gia vào các hoạt động học tập, lao động, kinh tế - xã hội. Ðến nay, cả nước có 1.012.923 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng (trong đó có các nạn nhân bom, mìn) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế. Mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội đã được hình thành và phát triển trên phạm vi cả nước, với 418 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc người khuyết tật (bao gồm nạn nhân bom, mìn) và 45 trung tâm công tác xã hội chuyên biệt. Mạng lưới này cung cấp các dịch vụ phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với người khuyết tật...

Nâng cao năng lực, tiếp tục huy động thêm nhiều nguồn lực, đẩy mạnh tốc độ rà phá bom, mìn để có thể giải quyết cơ bản hậu quả bom, mìn sau chiến tranh tại Việt Nam sau mấy chục năm nữa, là nhiệm vụ của Chính phủ, cũng như mong muốn và trăn trở của người dân Việt Nam và cộng đồng quốc tế. Ðể làm được điều này, thời gian tới, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền về Chương trình hành động quốc gia khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh, thống nhất nhận thức, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và mọi tầng lớp nhân dân. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền trong nước và quốc tế tạo sự ủng hộ đóng góp vào công tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh ở Việt Nam; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài trợ quốc tế bảo đảm thực hiện các mục tiêu đã đề ra.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng tránh tai nạn bom, mìn, bảo đảm an toàn cho nhân dân. Việc đẩy mạnh giáo dục về nguy cơ từ bom, mìn cho người dân ở các vùng ô nhiễm bom, mìn là rất cần thiết, đặc biệt là trẻ em. Khả năng tự nhận biết bom, mìn, vật nổ, sẽ góp phần quan trọng nâng cao ý thức phòng tránh tự bảo vệ trong người dân và cộng đồng. Ðồng thời, xây dựng, triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ nạn nhân bom, mìn: hoàn thiện hệ thống quản lý thông tin, dữ liệu nạn nhân bom, mìn toàn quốc; hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình và phục hồi chức năng cho các nạn nhân bom, mìn; tăng cường các hoạt động trợ giúp nạn nhân bom, mìn tái hòa nhập cộng đồng, như: hỗ trợ đào tạo nghề, tìm việc làm cho nạn nhân bom, mìn phù hợp năng lực, đặc điểm thể chất và nhu cầu của thị trường lao động... hướng tới mục tiêu "Vì một Việt Nam không còn bom, mìn, vật liệu nổ sau chiến tranh".

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top