Ðể công tác chuyển hóa địa bàn phức tạp hiệu quả

14:47 - Thứ Sáu, 05/04/2019 Lượt xem: 12326 In bài viết

ĐBP - Chuyển hóa địa bàn (CHÐB) phức tạp là nhiệm vụ thường xuyên của lực lượng Công an tỉnh. Thời gian qua, tỉnh ta xây dựng 2 Kế hoạch CHÐB lớn, nâng tầm thành cuộc vận động, với sự tham gia của nhiều lực lượng, đó là: Kế hoạch số 420 về giải quyết tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé năm 2017; Kế hoạch 750 về mở cuộc vận động củng cố địa bàn trọng điểm, phức tạp về tội phạm, tệ nạn ma túy tại huyện Ðiện Biên Ðông năm 2018.

 

Xác định nhiệm vụ tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia vào công tác phòng, chống và đấu tranh tố giác tội phạm, đảm bảo an ninh trật tự là một trong những nội dung quan trọng trong thực hiện chuyển hóa địa bàn, cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Mường Nhé đến từng hộ gia đình tuyên truyền, vận động người dân không tin, không nghe theo lời kẻ xấu. Ảnh: Lê Hoàng (Công an tỉnh)

Trong thời gian thực hiện Kế hoạch 420, Công an tỉnh đã tăng cường hơn 450 cán bộ, chiến sĩ đến cơ sở tuyên truyền, vận động kết hợp điều tra, rà soát, kiểm đếm toàn bộ diện tích rừng, số nhân khẩu trên địa bàn; tập trung phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng phá rừng và di cư tự do; vận động, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư theo Ðề án 79. Theo đánh giá của UBND tỉnh, thực hiện Kế hoạch 420 đã kịp thời ngăn chặn, giải quyết dứt điểm tình trạng phá rừng và di cư tự do tại huyện Mường Nhé; từ tháng 4/2017 - 3/2018, không phát hiện trường hợp phá rừng mới, không có dân di cư tự do vào huyện Mường Nhé.

Ðối với quá trình thực hiện Kế hoạch số 750, tỉnh đã huy động 95 cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ lực lượng vũ trang tỉnh và huyện Ðiện Biên Ðông chia thành 12 tổ công tác tăng cường, trực tiếp xuống các điểm bản thuộc 3 xã: Pú Nhi, Xa Dung và Pú Hồng triển khai thực hiện các nội dung. Sau 9 tháng thực hiện, với sự ủng hộ, giúp đỡ của đa số người dân trên địa bàn, Kế hoạch đã đạt được những kết quả tích cực. Tình hình an ninh chính trị ổn định, giải quyết kịp thời, dứt điểm số người xuất cảnh trái phép (giảm 41% so với năm 2017). Tình hình tội phạm được kiềm chế, các vụ phạm pháp hình sự giảm rõ rệt (giảm 37,5% so với năm 2017). Các tổ công tác phối hợp cấp ủy, chính quyền cơ sở giải quyết dứt điểm nhiều vụ việc đã tồn đọng, gây bức xúc trong nhân dân nhiều năm chưa giải quyết được, không để thành điểm nóng, phức tạp. Qua công tác tuyên truyền và kết quả trên các mặt công tác khác đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền cơ sở và lực lượng tham gia thực hiện Kế hoạch.

Ðại tá Nguyễn Quý Khiêm, Trưởng phòng Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc (Công an tỉnh) chia sẻ: Ðể thực hiện thành công một kế hoạch CHÐB, trước hết, UBND tỉnh, Ban Giám đốc Công an tỉnh xác định cần có một đội ngũ tham mưu “chuẩn” ngay từ khi xây dựng kế hoạch. “Chuẩn” là phải nắm vững thực tế tình hình trong mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh trật tự tại cơ sở, đồng thời bám chắc vào chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, địa phương để tham mưu chính xác, kịp thời. Việc thực hiện chuyển hóa một địa bàn cũng rất cần sự vào cuộc, phát huy vai trò một cách thiết thực của chính quyền và đội ngũ cán bộ cơ sở. Tiếp đó, trong quá trình thực hiện, cán bộ tăng cường cơ sở nói chung, lực lượng công an nói riêng, khi đến với dân cần nắm rõ bản chất vấn đề, từ đó đưa ra giải pháp tối ưu. Tiếp xúc, làm việc với người dân, nhất là dân tộc thiểu số, thì yếu tố thấu hiểu là quan trọng nhất, tiếp đó là thái độ phải khéo léo, có lý, có tình nhưng cũng dứt khoát, không có “vùng cấm” trong xử lý vi phạm. Ðơn cử như trong quá trình thực hiện Kế hoạch 420, chúng tôi đã lập hồ sơ, khởi tố về tội phá rừng một đối tượng là em ruột lãnh đạo xã để làm gương cho người dân cảnh giác, tránh vi phạm. Trong quá trình giải quyết tranh chấp 310ha rừng của người dân bản Huổi Thủng 1, 2 (xã Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ) với bản Dền Thàng (xã Quảng Lâm, huyện Mường Nhé), một người ở bản Huổi Thủng 2 đã “lý sự cùn”, cho rằng: Tập quán của người địa phương là làm nương, nương bạc màu thì phải chuyển sang nương khác (ý nói phải đốt rừng), nếu không thì chết đói! Ðại tá Nguyễn Quý Khiêm đã trực tiếp trả lời từng vấn đề, từng khoản hạch toán ra giá trị kinh tế, trong đó trọng tâm là những lợi ích mà rừng mang lại, cụ thể tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng và những lâm sản phụ của rừng là những nguồn lợi cụ thể. Kê một lúc thì thấy không thể “chết đói” được. Người dân kia đuối lý và chấp thuận giải pháp hòa giải mà lực lượng công tác địa bàn đưa ra.

“Tóm lại, điều quan trọng nhất là nói được, làm được để người dân hiểu và làm theo” - Ðại tá Khiêm nhấn mạnh. 

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top