Thêm điểm tựa tinh thần vững chắc

15:28 - Thứ Sáu, 05/04/2019 Lượt xem: 10657 In bài viết

ĐBP - Ở Việt Nam, có tới 99,96% số người thuộc nhóm máu Rh+ (hoặc O+ hoặc B+ hoặc A+ hoặc AB+, xếp theo tỷ lệ giảm dần) nhưng chỉ có 0,04% - 0,07% số người thuộc nhóm máu Rh- (hoặc O- hoặc B- hoặc A- hoặc AB-). Những người có nhóm máu Rh- đó thuộc cộng đồng người có nhóm máu hiếm. Với những người có nhóm máu hiếm, khi họ cần phải truyền máu (do tai nạn gây mất máu; phẫu thuật cấp cứu,…) thì không phải lúc nào cũng có sẵn, nếu cơ sở tiếp nhận máu hoặc bệnh viện không dự trữ đầy đủ tất cả các nhóm máu.

Trong trường hợp truyền nhầm nhóm máu Rh+ cho Rh- thì người nhận máu sẽ bị nhiều tai biến về miễn dịch, thậm chí dẫn đến tử vong. Hoặc với người phụ nữ không may mang nhóm máu Rh- khi mang thai rất dễ xảy ra tai biến, sẩy thai, thai chết lưu, đẻ non, hoặc đứa trẻ sinh ra nhưng bị thiểu năng trí tuệ. Nói như vậy để hiểu rằng, những người mang trong mình nhóm máu hiếm có khả năng gặp rủi ro cao hơn những người có nhóm máu khác và rất cần sự tương trợ lẫn nhau. Ở tỉnh ta, qua nhiều năm, phong trào hiến máu tình nguyện được triển khai, cũng có một số người có nhóm máu hiếm được phát hiện. Họ đều là những người tham gia tích cực vào phong trào hiến máu tình nguyện, có người đã hiến không dưới 7 lần trong 5 năm trở lại đây. Dưới sự vận động của Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm hệ Rh- ra đời cuối năm 2018 vừa qua với 14 thành viên có chung cảnh ngộ trên địa bàn các huyện Ðiện Biên Ðông, Mường Chà và TP. Ðiện Biên Phủ với chung mục đích.

Tham gia tích cực trong công tác hiến máu tình nguyện nhiều năm liền, nhờ đó mà ông Lù Văn Chung, bản Pom Loi (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ) phát hiện ra mình nằm trong số những người mang nhóm máu hiếm. Thời gian đầu ông cũng rất băn khoăn nhưng được sự tuyên truyền của cán bộ Hội Chữ thập đỏ, lo lắng trong ông cũng vơi đi nhiều phần. Mới đây, ông còn là thành viên tích cực tham gia sáng lập Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm hệ Rh- và đảm đương vai trò Chủ nhiệm. Ông Lù Văn Chung, cho biết: Mục đích ra đời của CLB nhằm tuyên truyền ý nghĩa về phong trào hiến máu tình nguyện, kiến thức cơ bản về nhóm máu hiếm Rh- và trực tiếp, sẵn sàng hiến máu tình nguyện cho các bệnh nhân có cùng nhóm máu khi họ cần truyền máu. Xuất phát từ ý nghĩa đó, các thành viên tập trung lại, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau đề phòng trường hợp không may xảy ra. Tuy vậy, CLB mới đi vào hoạt động được hơn 3 tháng, các hoạt động chính vẫn nằm ở tuyên truyền, phổ biến kiến thức về nhóm máu hiếm cho các thành viên, người thân thành viên và cộng đồng. Do đặc thù mỗi cá nhân lại có công việc riêng, ở địa phương riêng nên ông cũng chưa thể tập hợp được kết quả của từng cá nhân. Riêng bản thân ông vừa qua đã trực tiếp hiến 1 đơn vị máu cứu người em họ cũng mang trong mình nhóm máu hiếm. Ðây là trường hợp ông phát hiện qua kênh thông tin gia đình còn nếu như có trường hợp nào cần truyền máu hiếm, các cơ sở y tế có thể liên hệ, kết nối với Hội Chữ thập đỏ tỉnh thì các thành viên CLB sẽ sẵn sàng giúp sức. Trong thời gian tới, ông Chung cho rằng cần tăng cường công tác tuyên truyền về nhóm máu hiếm và phong trào hiến máu tình nguyện để mọi người, nhất là các bạn trẻ có thêm ý thức, trách nhiệm với cộng đồng. Thêm nữa, nhờ tham gia hiến máu tình nguyện mà có thể xét nghiệm ra được nhóm máu của mình, xem có phải nằm trong số 0,04 - 0,07% dân số hay không. Ngoài ra, ông Chung cũng đang trăn trở với vấn đề kinh phí để câu lạc bộ hoạt động và duy trì thường xuyên. Bởi lẽ 14 thành viên câu lạc bộ sinh sống không tập trung mà ở TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Mường Chà, huyện Ðiện Biên Ðông và không phải ai cũng có điều kiện về kinh tế. Không may có trường hợp cần truyền máu gấp ở địa phương nào đó hoặc các thành viên ở huyện xa về trung tâm thành phố thì việc đi lại, nghỉ ngơi sau khi truyền máu cũng là vấn đề không nhỏ với họ.

Tuy chỉ mới đi vào hoạt động hơn 3 tháng nhưng Câu lạc bộ Nhóm máu hiếm hệ Rh- đã là chỗ dựa tinh thần vững chắc không chỉ cho những người có nhóm máu hiếm mà còn cho cả những bệnh nhân khác. Các thành viên CLB cảm thấy an toàn hơn, yên tâm hơn khi có những người bạn, những người đồng cảnh ngộ với mình sẵn sàng chia sẻ lúc hoạn nạn, khó khăn. Nhất trí với quan điểm của ông Chung về vấn đề đẩy mạnh tuyên truyền về nhóm máu hiếm và phong trào hiến máu tình nguyện trong cộng đồng. Bởi lẽ, ngoài 14 thành viên CLB còn một số người cũng mang nhóm máu hiếm nhưng vì nhiều lý do chưa tham gia cùng mọi người hoặc có thể còn nhiều người nhóm máu hiếm nhưng chưa phát hiện ra. Mong rằng, những người mang nhóm máu hiếm chưa tham gia CLB sẽ cùng tập hợp nhau lại, thêm một người là các thành viên thêm an toàn, thêm một nghĩa cử cao đẹp là thêm một mạng người có cơ hội được cứu sống.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top