Sớm triển khai chương trình hành động truyền thông về dân số và phát triển

09:07 - Thứ Ba, 09/04/2019 Lượt xem: 10069 In bài viết

Nghị quyết số 21-NQ/TW về công tác dân số trong tình hình mới đã chỉ rõ: "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hóa gia đình sang dân số và phát triển". Việc chuyển đổi trọng tâm này là một vấn đề lớn và mới, hoàn toàn khác với nội dung dân số - kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGÐ) đã thực hiện hàng chục năm trước. Do đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động về dân số và phát triển.

Tiến sĩ Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, thông tin và dữ liệu thuộc Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) cho rằng: Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi, các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Ngay từ Hội nghị Dân số thế giới năm 1994, Liên hợp quốc đã lựa chọn chủ đề "Dân số và phát triển bền vững" làm chương trình chung khuyến nghị cho mọi quốc gia. Hiện nay trong quá trình toàn cầu hóa, đô thị hóa, công nghiệp hóa dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và biến đổi khí hậu, sự thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư...

Hội nghị T.Ư 6, khóa XII (tháng 10-2017) đã xem xét, đánh giá về những cố gắng và nỗ lực của toàn Ðảng, toàn dân ta trong việc thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII về chính sách DS-KHHGÐ đến năm 2015 và đề ra định hướng trong tình hình mới. Theo đó, qua hơn 25 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng, nổi bật là: Ðã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt được trước 10 năm và duy trì, ổn định được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020 - 2030 với số dân trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng từ 65,3 tuổi lên 73,4 tuổi (cao hơn các nước có cùng mức thu nhập bình quân đầu người). Việt Nam được thế giới đánh giá là điểm sáng về công tác dân số...

Tuy nhiên, chính sách hạn chế mức sinh kéo dài, rộng khắp cả nước cùng với quá trình chuyển đổi cơ cấu nhân khẩu học cũng đã phát sinh những hệ lụy cần sớm được khắc phục, đòi hỏi phải có những đổi mới công tác dân số để giải quyết toàn diện, đồng bộ và căn bản hơn các vấn đề về dân số. Trước Hội nghị T.Ư 6, Ban Bí thư đã có Kết luận số 119-KL/TW (ngày 4-1-2016), trong đó xác định các vấn đề trọng tâm cần sớm thực hiện là: Phấn đấu duy trì ổn định, vững chắc mức sinh thay thế; giảm thiểu mất cân bằng tỷ số giới tính khi sinh, đưa về mức cân bằng tự nhiên; duy trì và tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu dân số vàng; thích ứng với già hóa dân số; nâng cao chất lượng dân số; phân bố dân số phù hợp và quản lý dân cư… Trước tình hình mới, Hội nghị T.Ư 6, khóa XII đã khẳng định tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGÐ sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia.

Để thực hiện thành công việc chuyển trọng tâm đó, một giải pháp cần triển khai ngay là truyền thông vận động chuyển đổi hành vi về dân số và phát triển. Bài học kinh nghiệm trong thực hiện thắng lợi Nghị quyết T.Ư 4, khóa VII là ngay sau khi ban hành nghị quyết, Ủy ban Quốc gia DS-KHHGÐ đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược truyền thông vận động chuyển đổi hành vi.

Theo TS Nguyễn Quốc Anh, chuyển đổi sang nội hàm về dân số và phát triển là một vấn đề lớn và khác với nội dung DS-KHHGÐ. Do vậy công tác truyền thông vận động cần được triển khai sớm và đổi mới cả về nội dung và phương pháp truyền thông vận động. Những nội dung cần tập trung ngay, đó là: Thống nhất nhận thức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong toàn xã hội về chuyển trọng tâm đó. Ðổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nội dung truyền thông, giáo dục phải chuyển mạnh từ KHHGÐ sang giải quyết toàn diện các vấn đề quy mô, cơ cấu, chất lượng và phân bố dân số trong mối quan hệ qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Chính sách dân số và phát triển phải bảo đảm giữa quyền và nghĩa vụ của mọi người dân; giữa việc tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi với thực thi nghiêm kỷ cương pháp luật; giữa việc mở rộng, ứng dụng các kỹ thuật mới với việc nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của nhân dân.

Tăng cường sự tham gia phối hợp liên ngành, phát huy vai trò, huy động mạnh mẽ sự tham gia của các đoàn thể xã hội và bảo đảm mọi người dân đều có quyền và nghĩa vụ tham gia công tác dân số trong tình hình mới. Ðẩy mạnh công tác truyền thông vận động, tạo phong trào mọi người dân thường xuyên luyện tập thể dục thể thao, có lối sống lành mạnh, chế độ dinh dưỡng hợp lý để nâng cao sức khỏe, tầm vóc, thể lực người Việt Nam. Tiếp tục thực hiện cuộc vận động mỗi cặp vợ chồng nên có hai con, bảo đảm quyền và trách nhiệm trong việc sinh và nuôi dạy con tốt. Ngăn ngừa tư tưởng tâm lý không hạn chế số con. Tập trung vận động sinh ít con hơn ở vùng có mức sinh cao, duy trì kết quả ở những nơi đã đạt mức sinh thay thế, sinh đủ hai con ở những nơi có mức sinh thấp. Thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về cấm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Nâng cao nhận thức, thực hành về bình đẳng giới; đẩy mạnh truyền thông giáo dục chuyển đổi hành vi nhằm giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Tạo chuyển biến rõ nét ở những vùng có tỷ số giới tính khi sinh cao. Ðổi mới toàn diện nội dung, chương trình, phương pháp giáo dục dân số, sức khỏe sinh sản trong và ngoài nhà trường. Hình thành kiến thức và kỹ năng về dân số, sức khỏe sinh sản đúng đắn, có hệ thống ở thế hệ trẻ.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top