Xả thải ra sông dù sống cạnh nhà máy xử lý nước thải

08:43 - Thứ Năm, 11/04/2019 Lượt xem: 13562 In bài viết

ĐBP - Nhiều năm qua, hơn 80 hộ dân tại tổ 11, phường Nam Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) phải sống chung với ô nhiễm môi trường vì việc xả thẳng nước thải sinh hoạt ra sông Nậm Rốm mà không qua bất kỳ hệ thống xử lý nào. Ðiều đáng nói, năm 2015, Nhà máy Xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ được đầu tư xây dựng nhằm mục đích thu gom và Xử lý nước thải trên địa bàn thành phố, song các hộ dân này dù sống ngay cạnh nhà máy nhưng lại chưa được thu gom, xử lý nước thải.

 

Bà Vương Thị Sim, tổ trưởng tổ 11, chỉ cho phóng viên việc xả thải trực tiếp ra sông Nậm Rốm.

Sống chung ô nhiễm

Tổ dân phố 11 có 90 hộ dân, trong đó có hơn 80 hộ dân sinh sống dọc 2 bên trục đường từ cây xăng C4 đến cầu C4, thường xuyên phải sống chung với ô nhiễm môi trường. Bà Hoàng Thị Thá, tổ 11, phường Nam Thanh cho biết: “Gia đình tôi sống ở đây đã gần 12 năm, tất cả nước thải của người dân đều đổ ra cống và chảy thẳng xuống sông Nậm Rốm. Mặc dù gia đình ở đầu hệ thống rãnh thoát nước nhưng vẫn thường xuyên phải chịu mùi hôi, thối từ cống bốc lên, nhất là vào mùa hè nắng nóng lại càng khó chịu. Ðể hạn chế mùi hôi, gia đình tôi thường xuyên phải đóng cửa”. Ðối với những hộ ở đầu tổ dân phố như gia đình bà Thá còn đỡ, những hộ sinh sống ở cuối tổ dân phố, sát với bờ sông Nậm Rốm thì mức độ ô nhiễm nặng nề hơn bởi toàn bộ nước thải sinh hoạt của hơn 80 hộ dân đều xả thẳng xuống lòng sông và ứ đọng lại thành từng vũng. Chị Quàng Thị Pấng, tổ 11, nhà ngay cạnh cầu C4 chia sẻ: “Hàng ngày gia đình luôn phải sống trong môi trường ô nhiễm. Những hôm trời nổi gió, mùi hôi thối cuộn vào nhà kinh khủng nhưng chúng tôi vẫn phải chịu đựng”.

Tìm hiểu được biết, ô nhiễm môi trường, không khí không chỉ riêng việc xả nước thải của người dân mà còn do nước thải của các tiểu thương buôn bán, kinh doanh ở 2 bên đường khu vực cầu C4. Theo quan sát, trên đoạn đường dài khoảng 500m, nhưng có hàng trăm tiểu thương bán rau củ, mổ gà, vịt, cá, trâu bò. Dù khu vực này đã cắm biển cấm họp chợ nhưng người dân vẫn phớt lờ. Trong khi đó, nước thải đều xả hết ra đường và rãnh thoát nước của tổ dân phố. Bà Vương Thị Sim, tổ trưởng tổ dân phố 11, phường Nam Thanh cho biết: Ðây là chợ tự phát. Quy định không cho phép bán hàng, kinh doanh trên các vỉa hè. Chỉ cho phép người dân bán hàng tạp hóa trong nhà. Ðặc biệt, dọc tuyến đường này hiện nay có 7 điểm giết mổ gia súc, gia cầm. Nước thải của các lò mổ này đều được xả thẳng xuống cống, chảy ra sông Nậm Rốm. Mặc dù ngành chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, xử lý, tuy nhiên các hộ kinh doanh vẫn bỏ ngoài tai. Ðể hạn chế mùi hôi thối bốc lên, các hộ dân phải bịt tất cả lỗ thông hơi của cống thoát nước. Chỉ khi nào trời mưa mới tháo ra để thoát nước mưa trên mặt đường.

Ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân mà đang từng ngày hủy hoại sông Nậm Rốm. Theo quan sát, sông Nậm Rốm ngay đoạn cầu C4 hiện nay đang bị ô nhiễm nặng, nước thải đen ngòm ứ đọng lại thành vũng to, ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên cũng như nguồn nước ngầm tầng mạch nông cho những hộ dân sử dụng nước giếng khoan.

Cần làm rõ trách nhiệm

Nhiều năm phải chịu cảnh sống chung với ô nhiễm, đến năm 2015 khi Nhà máy Xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ (thuộc Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ) triển khai xây dựng do Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư, người dân vui mừng, phấn khởi. Cuối năm 2018, nhà máy bắt đầu chạy thử nghiệm nhưng hơn 80 hộ dân tổ 11, phường Nam Thanh vẫn chưa được lắp đặt, đấu nối đường ống để thu gom, xử lý nước thải. Trong khi 80 hộ dân này, hộ nào gần chỉ cách nhà máy khoảng 20 - 30m, nhà xa cũng chỉ cách hơn 100m.

Làm việc với đơn vị chủ đầu tư Dự án Ðầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý nước thải TP. Ðiện Biên Phủ, chúng tôi được ông Ðặng Ngọc Dư, cán bộ Ban Quản lý Dự án các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh cho biết: Tuyến đường từ cây xăng C4 qua hết cầu C4 dài khoảng 500m và có liên quan đến Sở Giao thông - Vận tải và Ban Quản lý dự án 6 (thuộc Tổng Cục đường bộ). Khi đơn vị thực hiện dự án đấu nối đường ống thu gom nước thải đã mời Sở Giao thông - Vận tải và Ban Quản lý dự án 6 đến kiểm tra và gửi văn bản xin đấu nối chung vào hệ thống thoát nước của đơn vị này, nhưng họ không đồng ý vì sợ hỏng cống thoát nước. Trong khi đó, tuyến đường này gần như không có vỉa hè (vỉa hè chỉ rộng gần 1m), và càng không thể đào đường khi chưa được cấp phép. Vì vậy, đến nay vẫn chưa lắp đặt được đường ống dịch vụ để thu gom, xử lý nước thải cho các hộ dân ở tổ dân phố 11. Trong thời gian tới khi bàn giao công trình cho thành phố quản lý thì đơn vị sẽ có phương án để thu gom, xử lý nước thải của các hộ dân này.

Thiết nghĩ, việc đấu nối đường ống, thu gom và xử lý nước thải cần có phương án rõ ràng, cụ thể, chứ không thể thực hiện theo kiểu khi nào bàn giao sẽ có phương án xử lý. Trong khi, theo thống kê hiện nay, trung bình mỗi tháng một gia đình sử dụng hết 200 - 350 nghìn tiền nước sinh hoạt (tương đương từ 20m3 - 35m3 nước). Như vậy, chỉ cần làm phép tính đơn giản 80 hộ x với 20m3 nước (mức thấp nhất) thì mỗi tháng 80 hộ dân ở đây xả khoảng 1.600m3 nước thải sinh hoạt ra sông Nậm Rốm. Ðó là chưa kể đến việc lượng nước thải từ các cửa hàng kinh doanh, buôn bán và giết mổ gia súc, gia cầm và người dân trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ phần lớn chưa được đấu nối thu gom.

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top