Tủa Chùa mùa thiếu nước

09:17 - Thứ Năm, 18/04/2019 Lượt xem: 11852 In bài viết

ĐBP - Ðến hẹn lại lên, cứ vào những tháng mùa khô (từ tháng 2 cho đến hết tháng 5 hàng năm), người dân vùng cao Tủa Chùa lại bước vào mùa thiếu nước. Những thửa ruộng chằng chịt vết nứt chân chim, những bể chứa nước chỉ còn trơ đáy, và những con người lầm lũi gồng gánh can nhựa trên vai ngược dốc đi chở nước, bất đắc dĩ trở thành “đặc sản” của miền cao nguyên đá mênh mông, rộng lớn này…

 

Học sinh Trường Tiểu học Xá Nhè phải đi lấy nước từ suối cách trường hơn 1km về dùng.

Có lẽ không địa phương nào ở Ðiện Biên lại nhiều núi đá như Tủa Chùa. Cũng chính sự khô cằn, khắc nghiệt ấy đã vô tình khiến cuộc sống người dân nơi đây thêm bộn phần khó; trong đó, nước sinh hoạt là thứ đầu tiên được nhiều người nhắc tới. Những ngày tháng tư này, Tủa Chùa nhộn nhịp lắm. Cái nhộn nhịp chẳng thú vị chút nào. Người lớn, trẻ nhỏ, với can lớn, can bé, kéo nhau đi lấy nước vốn là chuyện bất đắc dĩ giữa thời buổi này, thì ở các bản vùng cao Tủa Chùa lại là “cơm bữa”.

Gần 10 năm gắn bó với Trường Mầm non Sính Phình, xã Sính Phình cô giáo Nguyễn Thị Thương đã thật sự thấm nỗi vất vả, nhọc nhằn vì thiếu nước sinh hoạt. Mặc dù ngay cạnh trường cũng có bể nước được đầu tư nhiều năm qua, nhưng thường xuyên trong tình trạng trơ đáy, bởi không có nguồn nước nào dẫn được tới bể. “Có một mó nước cách trường hơn 1km hiện đang là nguồn nước sinh hoạt chính của cả trường và người dân khu vực. Hàng ngày, giáo viên như chúng tôi phải tranh thủ lúc nghỉ trưa, tan giờ mới thay phiên nhau đi lấy nước được. Nhiều hôm, đến lượt mình thì nước trong mó gần cạn rồi, mất công đi mà lấy về cũng chẳng đủ để tắm rửa, nấu cơm. Thiếu nước sinh hoạt hàng ngày cực kỳ vất vả” - cô Thương than thở. Giờ đây, điều mong mỏi nhất của cô và trò Trường Mầm non Sính Phình đó là được đầu tư xây dựng bể ngầm chứa nước và hứng nước mưa để dùng.

Không riêng các trường học, tình trạng thiếu nước sinh hoạt, thiếu nước sản xuất còn diễn ra thường xuyên hơn tại nhiều khu dân cư của xã Sính Phình, như: Thôn 1, 2, 3, 4, thôn Ðề Hái… Cũng bởi vậy, mặc dù được đánh giá là xã có nhiều thuận lợi, song đời sống kinh tế của người dân Sính Phình vẫn còn không ít khó khăn.

Ðể mục sở thị cái nỗi khó trăm bề về nước mà cán bộ xã Sính Phình nói, chúng tôi ngược dốc khoảng chục cây số đến thôn 2 - một trong những thôn khó khăn nhất về nước sinh hoạt. Ðón chúng tôi là ông Giàng Cáng Dính, Phó trưởng thôn 2. Theo ông Dính chia sẻ thì thôn có tới 102 hộ, với 604 nhân khẩu, song lại chỉ có duy nhất mó nước “chảy không bằng ngón tay”, nên gần như phụ thuộc cả vào “ông trời”. Chỉ tay về phía khe nước đang chảy thành 2 hướng, ông Dính bảo: “Ðó là nguồn nước của hơn 600 nhân khẩu đấy. Ðể có nước dùng, dân bản phải dậy từ sáng sớm, ai đến muộn thì phải đợi đến chiều tối, đi nương về mới lấy được. Mà cũng có ngày có người chẳng lấy được, vì mó nước chia thành 2 hướng thế kia, cứ một bên lấy thì bên khác chẳng còn…”.

 

Cô giáo Nguyễn Thị Thương, Trường Mầm non Sính Phình tranh thủ đi lấy nước sinh hoạt cho bản thân và học sinh sau giờ học.

Trường Tiểu học Xá Nhè, xã Xá Nhè - nơi có hơn 1.000 học sinh đang theo học, đa phần đều ở nội trú nên nhu cầu nước sinh hoạt rất lớn. Mặc dù Trường đã được quan tâm đầu tư bể chứa nước, song vào mùa khô nước ăn, nước sinh hoạt vẫn là vấn đề nan giải. “Trường đã được đầu tư bể chứa nước, song vì nguồn nước chính phụ thuộc các mó, trong khi mó nước nhỏ, mùa khô là cạn nên không có nước về, bể đành để không. Mới đây chúng tôi tiếp tục đầu tư cho trường 2 téc chứa nước. Vậy là vào mùa khô, đều đặn mỗi ngày các thầy cô lại tổ chức kéo téc lấy nước từ dưới suối cách trường chừng 1km, ngược dốc lên để sử dụng cho việc nấu nướng. Còn mọi sinh hoạt khác, như: tắm, giặt, rửa chén bát thì học sinh và giáo viên phải xuống suối lấy. Thấy thầy trò nhà trường cực thì thương lắm, nhưng cũng chẳng còn cách nào” - ông Nguyễn Hồng Sơn, Trưởng phòng Giáo dục - Ðào tạo huyện Tủa Chùa chia sẻ.

Không chỉ riêng Sính Phình hay Xá Nhè, câu chuyện thiếu nước vào mùa khô phổ biến hơn ở nhiều xã vùng cao khác của Tủa Chùa, như: Lao Xả Phình, Trung Thu, Tả Sìn Thàng… Ðơn cử như tại xã Trung Thu, mặc dù 8/9 bản có công trình nước sạch, song tình trạng thiếu nước vẫn thường xuyên xảy ra do nước đầu nguồn không đảm bảo. Riêng bể trung tâm xã phục vụ nước sinh hoạt cho bà con 2 bản (Nhè Sua Háng, Trung Thu) và các đơn vị hành chính, trường học trên địa bàn xã nên thường xuyên quá tải. Chuyện người dân, giáo viên, học sinh… đi chở nước hay cõng nước từ các điểm mó cách vài cây số không còn xa lạ ở đây.

Thiếu nguồn nước là bài toán chưa có lời giải và việc phát huy hiệu quả các công trình nước sạch ở Tủa Chùa cũng là điều đáng bàn. Thống kê từ cơ quan chuyên môn hiện nay, toàn huyện có 114 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tập trung trên địa bàn các xã, cung cấp nước cho 39.983 người dân, đạt 74,28% (bao gồm cả trường học, trạm y tế, trụ sở UBND xã). Trong đó, 92 công trình đang hoạt động và 22 công trình ngừng hoạt động. Một số công trình dù đang hoạt động nhưng chưa phát huy hiệu quả tối đa do hỏng hóc, thiếu nguồn nước, xuống cấp…

Nhìn nhận, đánh giá về thực trạng này, ông Vừ A Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tủa Chùa cho biết: Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do nhiều công trình đã được đầu tư từ lâu (phần lớn từ những năm 2000); tuyến ống dài đi qua nhiều khe suối, núi đá và cách xa khu dân cư nên khó khăn cho công tác quản lý; đầu nguồn cạn kiệt vào mùa khô; lũ quét xảy ra thường xuyên... Ðể khắc phục tình trạng này, tiếp tục duy trì và nâng cao hiệu quả các công trình nước sạch sau đầu tư, ông Hùng cho biết: UBND huyện xác định sẽ tập trung chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người và cộng đồng về quản lý, bảo vệ, vận hành khai thác công trình sau đầu tư và sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm; tiếp tục huy động các nguồn vốn, ưu tiên sửa chữa, nâng cấp, mở rộng các công trình cấp nước tập trung hiện có; tính toán hợp lý quy mô công trình xây mới để vừa có thể đảm bảo phục vụ nhu cầu, vừa đảm bảo ổn định bền vững, đầu tư gắn liền với quản lý, đảm bảo phát huy hiệu quả. Ðối với những bản không có nguồn nước, hoặc không chủ động về nguồn nước, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu kiến nghị tỉnh xem xét đầu tư trong thời gian tới; lồng ghép các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc để hỗ trợ bình chứa nước, tích nước hoặc khuyến khích người dân xây dựng các bể chứa, tích nước vào mùa mưa. Còn về lâu dài, thì việc tích cực bảo vệ và phát triển rừng để đảm bảo nguồn nước thường xuyên, bền vững cho các công trình cũng đang là giải pháp được huyện quan tâm chỉ đạo.

Việc hóa giải bài toán nước sinh hoạt ở vùng cao Tủa Chùa vẫn đang được các cấp chính quyền và ngành chức năng nghiên cứu, triển khai thực hiện. Tuy nhiên, rõ ràng đây là vấn đề cần những giải pháp dài hơi và mang tính bền vững. Trước mắt, chỉ có thể trông chờ vào sự sẻ chia từ các tổ chức, đoàn thể và sự cộng đồng trách nhiệm, nỗ lực vượt khó của chính người dân và mỗi cán bộ, giáo viên cùng học sinh nơi đây.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top