Làng thanh niên ngày ấy, bây giờ

08:34 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 11426 In bài viết
ĐBP - Từ quốc lộ 279 chạy xe máy chưa đầy 30 phút chúng tôi đã đến Làng thanh niên thuộc địa phận bản Củ và bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng. Một thung lũng với màu xanh ngút ngàn của những bãi cà phê, bãi keo trải dài; những con đường nhựa, đường bê tông uốn lượn như ôm lấy những bãi cà phê tạo nên khung cảnh vùng quê nông thôn miền núi níu mắt người qua.

 

Ông Lầu A Lử (bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) chăm sóc vườn cà phê của gia đình.

Theo chỉ dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Lầu A Lử, một trong những hộ đầu tiên đến lập nghiệp và còn trụ lại của Làng thanh niên từ năm 1998 đến nay. Ði vào giữa bãi cà phê, hiện ra một ngôi nhà gỗ ba gian khang trang với hệ thống chuồng trại chăn nuôi, ao cá được xây dựng quy mô, khoa học, nằm yên bình, mát mẻ dưới những tán cây keo đã hơn hai mươi năm tuổi (loại cây được trồng lấy bóng mát cho cây cà phê). May mắn cho chúng tôi khi gặp ông Lầu A Lử đang chăm sóc vườn cà phê của gia đình. Chào khách bằng nụ cười tươi và cái bắt tay chắc nịch; đôi bàn tay chai sạn, thô ráp của ông khiến tôi biết đây là người tần tảo, quanh năm gắn bó với công việc đồng áng. Rót chén trà mời khách, ông Lử tâm sự: Sở dĩ gọi Làng thanh niên vì ngày xưa những người đến đây lập nghiệp đều còn trẻ, chứ bây giờ ai nấy tóc đều đã điểm bạc cả rồi; đồng thời đây cũng là chương trình do Tỉnh đoàn đỡ đầu. 20 năm trước khi những gia đình chúng tôi ở khu vực đèo Pha Ðin, thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo, theo vận động của Tỉnh đoàn, chính quyền địa phương về lập nghiệp tại khu vực C2 (nay thuộc bản Củ, bản Co Hắm, xã Ẳng Nưa, huyện Mường Ảng) chỉ là những bãi đất trống, đồi cỏ tranh, lau lách rậm rạp. Hàng chục gia đình thanh niên phát cỏ dựng lán thành lập Làng thanh niên. Ban đầu có 12 hộ chuyển đến, đa phần là gia đình đoàn viên thanh niên; mỗi gia đình được cấp hơn 2ha đất, được Tỉnh đoàn kết nối với Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho vay vốn ưu đãi, thông qua việc đầu tư trực tiếp giống cây cà phê, phân bón và hỗ trợ tiền làm lán trại ban đầu. Gia đình tôi được hỗ trợ hơn 2ha đất, cùng với cây giống, phân bón và tiền làm lán. Cuộc sống ở nơi mới thiếu thốn đủ thứ, lại xa bản, xa làng, xa anh em họ hàng nên khó khăn chồng chất khó khăn. Cũng như một số hộ khác thực hiện lấy ngắn nuôi dài, năm đầu tiên gia đình dành một nửa diện tích trồng cà phê, còn một nửa trồng ngô, lúa nương để đảm bảo cho sinh hoạt, chăn nuôi ban đầu. Vì quá vất vả, sau vụ ngô đầu tiên đã có 7 hộ gia đình bỏ về nơi ở cũ chỉ còn 5 hộ gia đình chúng tôi (gồm gia đình ông Lầu Vả Mua, Mùa A Sính, Vừa A Chờ, Mùa A Sình) vẫn bám trụ lại đây cho đến hôm nay. Trải qua bao khó khăn, sau 3 năm cây cà phê bắt đầu cho lứa quả đầu tiên, có thu nhập cải thiện cuộc sống gia đình và có tiền tái đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn, gà và mở rộng diện tích sản xuất. Ðến năm 2005, với số vốn tích góp được gia đình đầu tư xây dựng hơn 100m2 chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà thương phẩm và 1.000m2 ao thả cá. Nhờ kết hợp chăn nuôi với phát triển cà phê mà cuộc sống gia đình ngày càng khá giả không những trả hết nợ ngân hàng, làm được nhà mới khang trang mà gia đình còn có điều kiện nuôi các con ăn học đại học. Nhớ thời điểm khoảng năm 2015 trở về trước lúc cà phê được giá, có năm gia đình tôi thu hoạch trên 50 tấn cà phê tươi; sau khi bán trừ chi phí thu về trên 150 triệu đồng. Nhưng vài năm trở lại đây, cà phê rớt giá liên tục, khiến cho thu nhập của những người trồng cà phê như chúng tôi trở nên bấp bênh. Hiện nay gia đình tôi đang tìm hiểu nhu cầu thị trường để tìm hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Lầu Vả Mua cũng là một trong những hộ đầu tiên đến lập nghiệp tại khu vực C2. Dẫn chúng tôi đi thăm gần 4ha cà phê của gia đình, ông Mua chia sẻ những buồn vui, lo lắng đan xen. Ông cho biết: Năm 1998 chuyển về đây, khi ấy 26 tuổi nhưng tôi đã lập gia đình và có 2 con nhỏ. Theo lời kêu gọi và vận động của chính quyền địa phương, tôi cùng nhiều gia đình chuyển về đây phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Với chúng tôi những người đầu tiên về lập nghiệp tại đất này, khó không chỉ là những ngày tháng đầu tiên vất vả khai hoang, mà cái khó khăn lớn nhất hiện nay là trồng cây gì, nuôi con gì phù hợp, cho hiệu quả kinh tế cao. Cà phê đã từng là cây chủ đạo, đem lại hiệu quả kinh tế cao; nhớ có những năm được mùa, được giá, gia đình tôi thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Nhưng giờ đây cũng chính cây cà phê lại đưa chúng tôi vào cuộc sống khó khăn, điêu đứng, nhiều hộ thoát nghèo lại có nguy cơ tái nghèo vì phải đi vay nợ để chăm cà phê...

Không thể phủ nhận công lao của những thanh niên đã có công lập Làng thanh niên ngày ấy; những người đưa cây cà phê về trồng đầu tiên ở khu vực C2, đã biến những bãi đất trống, những đồi cỏ tranh, lau lách thành vườn cà phê trải dài xanh mướt, từ hơn 20ha ban đầu đến nay đã tăng hơn 60ha. Vấn đề đặt ra hiện nay là, cần giải quyết bài toán: trồng cây gì, nuôi con gì để mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững; tránh tình trạng chạy đua theo thời vụ, theo giai đoạn, được giá thì đua nhau trồng, đến khi rớt giá không biết kêu ai? Ðể tìm lời giải cho bài toán này cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Thực hiện sao cho thực sự nghiêm túc từ khâu khảo sát, quy hoạch, lựa chọn cây trồng, vật nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm... để mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững; tránh tình trạng “đem con bỏ chợ” gây thiệt thòi cho người nông dân.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top