Trở lại ATK Ðịnh Hóa

08:43 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 11953 In bài viết
ĐBP - Những ngày cuối của tháng tư năm 2019, thời điểm chuẩn bị kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2019), như một cơ duyên, tôi vinh dự được cùng các nhà báo trong cả nước về dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa (thôn Ðèo De, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên), đồng thời dự Lễ khánh thành đường vào địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam - Di tích lịch sử quốc gia, tại xóm Ðồng Lá 3 (xóm Roòng Khoa cũ), xã Ðiềm Mặc, ATK Ðịnh Hóa do Ban Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp với tỉnh Thái Nguyên và Tập đoàn Ðèo Cả (đơn vị tài trợ và xây dựng con đường) tổ chức.

 

Ðại diện lãnh đạo Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên và các nhà tài trợ cắt băng khánh thành công trình đường vào khu di tích lịch sử quốc gia địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam tại ATK  Ðịnh Hóa (Thái Nguyên).

Với tôi, tuy đã đến ATK Ðịnh Hóa nhiều lần, nhưng trở lại lần này ngay trước thềm kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, những dòng lịch sử, thước phim tư liệu mà mình đã đọc và xem về sự kiện ngày 6/12/1953, tại lán làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đồi Tỉn Keo, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa, Thường vụ Bộ Chính trị đã họp nghe Tổng Quân ủy báo cáo quyết tâm và phương án tác chiến tiêu diệt Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ; Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã nhất trí thông qua phương án tác chiến và quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ðây là quyết định vô cùng quan trọng liên quan đến vận mệnh của cả dân tộc. Và cũng tại nơi đây, trong suốt những ngày tháng diễn ra chiến dịch (13/3 đến 7/5/1954), Hồ Chủ tịch đã chuyển về ở ngay trong cơ quan Bộ Tổng tham mưu ở Khẩu Quắc, xã Thanh Ðịnh, huyện Ðịnh Hóa để theo dõi sát diễn biến và kịp thời có những quyết định chỉ đạo mặt trận Ðiện Biên Phủ thì lòng càng thêm xúc động và cảm phục về sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Ðảng.

Ðiểm đầu tiên đoàn chúng tôi dừng chân là Bảo tàng ATK Ðịnh Hóa, công trình được xây dựng và khánh thành cách đây 12 năm, to lớn bề thế trên đồi De để dâng hương hoa tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của Ðảng và dân tộc. Chính Người cũng là nhà báo lão luyện, uyên bác của báo chí trong nước và quốc tế, đã sáng lập, rèn luyện báo chí Cách mạng Việt Nam. Thắp nén nhang, trong lòng tôi trào dâng niềm cảm xúc và thầm thưa với Bác: Con trở về đây với một tình cảm đặc biệt - trở về quê hương Việt Bắc của những ngày đầu kháng chiến, để như được thấy Bác cùng Bộ Chính trị, Chính phủ quyết định, chỉ đạo Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Mặt trời vừa nhô lên đỉnh núi Hồng, vạn vật nơi đây bừng sáng, chim muông ríu rít reo ca. Những luống hoa còn rớt lại ánh xuân thắm đỏ, qua những bông râm bụt, trên hàng cây mà Bác trồng ngày nào bên lán làm việc trên đồi Tỉn Keo. Giờ đây chúng vẫn xanh tốt đâm chồi nảy lộc. Màu sắc ấy lại gợi nhớ cho chúng ta rằng, tại nơi đây, ngày 6/12/1953, Bác đã cùng các nhà lãnh đạo có một quyết định lịch sử mở mặt trận Ðiện Biên. Lán Tỉn Keo ghi dấu ấn như thế đó. Về đến đây biết bao hình ảnh thân thương của Bác lại hiện lên trong từng mảnh đất, bờ suối, cánh rừng, mái lá.

Khi dẫn chúng tôi đến di tích đồi Khau Tý, nơi ở đầu tiên của Bác khi mới lên Ðịnh Hoá, cô gái thuyết minh viên nói rất chi tiết về Bác. Từ ngày 20/5 đến ngày 10/11/1947, tại nơi đây, Bác đã lãnh đạo quân đội ta đánh tan âm mưu của giặc muốn đánh úp Bộ Tổng chỉ huy của ta. Ðó là chiến thắng Việt Bắc, tạo nên niềm tin thắng lợi cho một cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc. Ðiều này gợi cho tôi nhớ đến việc, tại lán lá đơn sơ trên đồi Khau Tý này, Bác Hồ đã sáng tác nhiều thơ ca, trong đó có bài “Cảnh khuya”. Những ký ức đầy lãng mạn cách mạng trên đồi Khau Tý làm rung động tâm hồn chúng tôi, khi nhớ lại những ngày đầu tiên Bác lên Ðịnh Hoá.

Chúng tôi mang cảm xúc này trên con đường dẫn về lán Khuôn Tát, nơi Bác làm việc 3 lần, mỗi lần từ 1 tuần đến 3 tháng. Việc phải thay đổi nơi làm việc là một nguyên tắc lúc đó đề ra để giữ bí mật mỗi khi có những quyết định quan trọng. Chính vì thế mà những người dân ở đây đều gọi Bác là Già Ké.

Ðến lán Khuôn Tát, chúng tôi phải đi qua một bãi cỏ rộng và cây đa cổ, cỡ khoảng trên trăm năm tuổi. Trên bãi cỏ này, trước kia là nơi Già Ké đã cùng các chiến sĩ và cán bộ tập thể thao, chơi bóng chuyền. Trước kia người ta gọi là cây đa Khuôn Tát, sau này còn đặt tên là “Cây đa Bác Hồ”, để ghi dấu một di tích minh chứng cho hình ảnh của Bác vẫn còn hiển hiện với bà con thôn bản nơi đây, tại xóm Khuôn Tát, xã Phú Ðình hẻo lánh này.

Trước khi lên lán mọi người đều phải lội qua một con suối cắt ngang. Ðó cũng gọi là suối Khuôn Tát, cùng với những bãi đá rất đẹp. Ðồng thời cũng là nơi Bác hay tắm giặt, hoặc thường ngồi câu cá mỗi khi nghỉ ngơi hoặc cần phải suy nghĩ điều gì đó trong công việc. Cách đấy không xa còn có thác Khuôn Tát, một thắng cảnh đẹp, với 7 tầng chảy dạt dào quanh năm.

Thế mới hay ông Già Ké có con mắt thật tinh tế, khi chọn những địa điểm làm việc, ngoài những nguyên tắc của mình, nhưng vẫn gắn liền với non nước hữu tình: “Trên có núi, dưới có sông/ Có đất ta trồng có bãi ta vui”. Hay kèm theo đó còn phải đạt yêu cầu: “Tiện đường sang Bộ Tổng/ Thuận lối tới Trung ương/ Nhà thoáng ráo kín mát/ Gần dân không gần đường”.

Lấy dân làm gốc, Bác Hồ đã sống ở Việt Bắc trong suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến với ý tưởng nhất quán phải dựa vào sức dân. Chính vì vậy, nếu hỏi bất kể ai, những người lớn tuổi đều thuộc một bài thơ vô danh vẽ nên chân dung Người, rất giản dị thân thương với những câu:

“Quần xắn cao, chân đi đôi dép

Chiếc áo chàm vá hai miếng ở vai

Trán cao lắm, mắt sáng, râu hơi dài

Khi nói chuyện hay ví câu hát lượn...”

Hình ảnh dung dị này đã được nhà thơ Tố Hữu mô tả trong bài thơ Việt Bắc:

“Nhớ ông cụ mắt sáng ngời

Áo nâu túi vải, dẹp tươi lạ thường

Nhớ Người những sáng tinh sương

Ung dung yên ngựa trên đường suối reo...”

Ðúng là đến những di tích và khu tưởng niệm này, những câu thơ xưa của Bác luôn vang lên, thể hiện một sự lạc quan và tin tưởng ở con đường Người đã vạch ra, để đi tới cùng của công cuộc kháng chiến. Ở nơi đây, Bác còn viết cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc” nổi tiếng, mà tính thời sự vẫn còn giá trị đến ngày nay. Ðó chính là đạo đức của người cộng sản, của những người đã đứng vào hàng ngũ của Ðảng phải tuân theo. Nhà thơ Tố Hữu đã khẳng định giá trị của Người trong thời kỳ này thật sự vĩ đại:

“Ở đâu u ám quân thù

Nhìn lên Việt Bắc: Cụ Hồ sáng soi

Ở đâu đau đớn giống nòi

Trông về Việt Bắc mà nuôi chí bền”.

Ðó cũng là cảm xúc của chúng tôi đang đứng nơi đây - Nhà tưởng niệm Bác Hồ, giữa đồi cao thoáng mát. Chúng tôi bước lên 79 bậc tượng trưng cho 79 mùa xuân của Người. Và đi dưới tán của 79 cây vạn tuế, cùng với hàng hoa râm bụt quanh Hòn non bộ Tam Sơn cầu mong sự anh linh của Bác luôn trở về với con cháu, về với đất nước, về với miền Nam thân thương mà Bác vẫn hằng mong ngày đêm khi còn sinh thời.

Hình ảnh Bác thật hiền hậu thân thương, ông Già Ké năm xưa, hằng ngày chắc vẫn về bên bà con thôn bản. Họ vẫn nhớ đến Người trong những buổi chiều cuốc đất, trồng rau trong vườn và còn nhớ đến hình ảnh Người chân đất lội suối leo đèo trên đường ra trận địa. Và họ biết rằng chính tại quê hương mình có một vị cha già dân tộc đã đem lại chiến thắng Ðiện Biên lừng lẫy.

Cuối hành trình, chúng tôi trở về xóm Ðồng Lá 3, xã Ðiềm Mặc, ATK Ðịnh Hóa, để dự Lễ khánh thành con đường vào địa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam. Không khí nơi đây thật rộn ràng. Nhiều đoàn người đến, hồ hởi bước trên con đường dẫn từ quốc lộ 264B vào quần thể dài gần 1km, bề mặt rộng 4m, độ dày 18cm được khởi công ngày 30/11/2018, đã hoàn thành đúng tiến độ dự kiến. Các em nhỏ, tay cầm cờ, hò reo và chạy nhanh lên khu di tích ATK ở trên cao…

Công trình Ðường giao thông vào Khu Di tích thành lập Hội Nhà báo Việt Nam do Công ty Cổ phần thương mại và xây dựng Hoàng Long thi công, nguồn vốn đầu tư do Công ty Cổ phần Tập đoàn Ðèo Cả hỗ trợ với trị giá gần 2 tỷ đồng. Phát biểu tại buổi lễ khánh thành, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam xúc động và chân thành nói: Nhiều năm qua, khi đón đoàn Hội Nhà báo Việt Nam về thăm nơi thành lập Hội, Ðảng bộ và chính quyền xã Ðiềm Mặc đều bày tỏ nguyện vọng được Hội Nhà báo Việt Nam đứng ra kêu gọi các doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương quan tâm hỗ trợ kinh phí, xây dựng nâng cấp con đường vào khu di tích của Hội… Khi Hội Nhà báo Việt Nam nêu ý nguyện đó, Ban lãnh đạo Tập đoàn Ðèo Cả đã nhiệt tình ủng hộ. Việc hoàn thành đưa vào sử dụng con đường sẽ giúp Di tích lịch sử quốc gia “Ðịa điểm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam” tiếp tục trở thành điểm đến được đông đảo người làm báo và công chúng cả nước tham quan, gặp gỡ giao lưu, góp phần thiết thực vào tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng và phát triển toàn diện tại vùng chiến khu xưa”.

Ngoài ra, con đường mới khánh thành còn dẫn vào khu dân cư với gần 50 hộ gia đình tại thôn Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thu (thôn Roòng Khoa, xã Ðiềm Mặc) phấn khởi cho biết: “Trước kia con đường này rất chật hẹp lại toàn “ổ trâu”, “ổ gà”, xe máy, xe đạp đi lại còn khó khăn chứ huống gì ô tô. Mấy tháng nay con đường được làm lại, bà con trong thôn vui mừng vô cùng. Từ giờ chúng tôi không còn quá vất vả trong việc đi lại nữa…”

Thật đúng là hữu duyên gặp cảnh nhớ Người, chương trình của chuyến hành hương về nguồn đã hoàn thành, giờ chia tay đã đến, chúng tôi ai cũng muốn đi thật chậm như không muốn rời xa nơi này. Với riêng tôi như còn cảm thấy đôi mắt Bác ấm áp trên cao đang dõi theo. Những sợi dây thần tiên giăng lên từ đỉnh núi Hồng, ánh nắng chan hoà rực rỡ, báo hiệu ngày vui đã đến. Chúng tôi vui vì đã được gặp lại Người với bao ký ức diệu kỳ của cả những ngày này cách đây 65 năm và ngay cả những đổi thay trong quá trình “học tập và làm theo Bác” trên mảnh đất này. Những ký ức lịch sử thiêng liêng, những đổi thay diệu kỳ của ngày hôm nay sẽ theo chúng tôi suốt đời không thể nào quên.

Ðịnh Hóa, Thái Nguyên, đêm 25/4/2019

Ghi chép của Vân Chương
Bình luận
Back To Top