Bình yên Mường Thò

08:55 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12119 In bài viết
ĐBP - Mường Nhé theo tiếng dân tộc Xạ Phang được gọi là Mường Thò. Hiểu nôm na, nơi đây như một vùng đất mới, thò ra từ huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ). Từ ngày chia tách, thành lập huyện đến nay, Mường Nhé vẫn được biết đến là vùng đất còn vô vàn khó khăn, với xuất phát điểm “bốn không” (không điện, không đường, không trường, không trạm); đặc biệt, Mường Nhé được cho là địa phương bất ổn về an ninh trật tự, tỷ lệ dân di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật và phá hoại rừng vẫn còn diễn ra phổ biến. Nhưng đó đã là dĩ vãng, đến Mường Nhé hôm nay, cảm nhận rõ ràng nhất đối với chúng tôi là sự yên bình, văn minh, tươi mới của cuộc sống người dân nơi này bên những mái nhà đã ổn cư sinh kế lâu dài và những cánh rừng đặc dụng, rừng sản xuất, rừng tái sinh bạt ngàn màu xanh.

Dẫn chúng tôi đi thăm một số điểm bản tái định cư theo Ðề án 79 trên địa bàn xã Mường Nhé và Mường Toong, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé chia sẻ khá nhiều về những bất ổn của huyện thời gian trước đây. Theo đó, do địa bàn có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất trong tỉnh (68,5% năm 2004), trình độ dân trí thấp với nhiều thành phần dân tộc anh em (Thái, Mông, Hà Nhì, Cống, Si La...), trong đó dân tộc Mông và Hà Nhì chiếm số đông. Ngày trước, người dân chưa ý thức được việc giữ gìn an ninh trật tự khu vực biên giới nên vẫn còn du canh, du cư, phá rừng làm nương, tiếp thu một số luồng tư tưởng ngoại đạo... Do đó, có những năm chính quyền và các cơ quan, ban, ngành huyện liên tục phải nỗ lực vào cuộc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, nâng cao ý thức cho bà con để họ dần thay đổi tư tưởng lạc hậu. Cùng với đó, huyện quan tâm triển khai sâu rộng các chương trình, dự án giảm nghèo, chính sách an sinh xã hội để đảm bảo đời sống cho bà con.

 

Một góc trung tâm huyện Mường Nhé.

Tại bản tái định cư Nậm Pố 3, xã Mường Nhé, chúng tôi và Chủ tịch UBND huyện vào nhà dân cùng uống nước và nói chuyện vui vẻ. Anh Thào A Chù, Trưởng bản Nậm Pố 3, cho biết: “Nhờ sự quan tâm sát sao của chính quyền huyện, từ khi chuyển về bản Nậm Pố 3 sinh sống (năm 2013), đến nay hơn 200 hộ dân bản tôi đã thật sự ổn cư, chịu khó lao động, sản xuất. Bà con không còn tư tưởng du canh, du cư nữa, mà còn vận động những người thân đã bỏ xứ quay về bản sinh sống quần cư”.

Nậm Pố 3 là một trong số 32 điểm bản tái định cư theo Ðề án 79 trên địa bàn huyện Mường Nhé. Các bản này đa phần là bản tái định cư cho người dân tộc Mông. Nếu nói về di cư tự do, thì người Mông ở huyện Mường Nhé là đứng đầu cả tỉnh. Trong trí nhớ của chúng tôi, 7 - 8 năm trước vào huyện Mường Nhé công tác, thường xuyên nhìn thấy cảnh bà con người Mông “tay xách, nách mang” đồ đạc, hành lý đi thành từng tốp 6 - 7 người, lang thang hết nơi này sang nơi khác; nhưng hôm nay, những hình ảnh đó đã không còn. Người Mông ở 7 bản tái định cư xã Mường Toong và các bản Nậm Pố, Nậm San, Tân Phong... (xã Mường Nhé) không chỉ ổn canh, ổn cư mà còn tập trung phát triển kinh tế. Gặp chúng tôi trên con đường bê tông đầu bản, anh Vàng A Khá, Trưởng bản Mường Toong 8, xã Mường Toong chia sẻ: “Vài năm qua, bản Mường Toong 8 thay đổi nhiều lắm! Ðáng mừng hơn cả là người dân dần thay đổi về nhận thức và tư duy sản xuất. Nếu như trước đây, 1 năm bà con chỉ sản xuất 1 vụ lúa nương và 1 vụ ngô đủ ăn là thôi, thì nay ngoài gieo trồng trên nương, bà con còn tranh thủ những diện tích đất trống để trồng rau, chăn nuôi gia súc, đào ao nuôi cá. Tỷ lệ hộ thoát nghèo trong bản đã tăng từng năm. Từ khi kinh tế ổn định, bà con không còn nghĩ đến việc thay đổi nơi ở, mà bảo nhau cùng xây dựng nếp sống văn hóa và chung tay giữ gìn an ninh trật tự”.

Ðời sống bà con được ổn cư thì tình hình an ninh trật tự cũng được nâng cao rõ rệt. Trước kia, cùng thời điểm dân di cư tự do ồ ạt vào địa bàn, thì nạn phá rừng và tuyên truyền đạo trái pháp luật cũng diễn ra, khiến tình hình an ninh khu vực phức tạp. Theo chia sẻ của anh Nguyễn Ðình Cương, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Mường Nhé, những năm trước, lực lượng kiểm lâm huyện cùng các đơn vị phối hợp như công an, biên phòng và chính quyền xã rất vất vả trong việc quản lý, bảo vệ rừng, bởi số dân di cư phá hoại rừng rất đông; họ khai thác gỗ, lâm sản và đốt rừng làm nương với diện tích rất lớn. Nhưng những năm trở lại đây, bằng sự vào cuộc đồng bộ, liên tục của các lực lượng trong việc giữ rừng, trồng rừng, thì những cánh rừng bị phá năm nào đã bắt đầu xanh trở lại; nhìn rõ nhất là cánh rừng bản Nà Pán, xã Mường Nhé nằm ngay giữa trung tâm huyện đã rợp tán; cánh rừng điểm bản Tá Phì Chà, bản Húi To, xã Chung Chải giờ cũng đã trở thành rừng keo tai tượng hai năm tuổi...

Trong những chuyến công tác gần đây, chúng tôi có dịp đến bản Huổi Khon - nơi mà trước kia đã từng xảy ra vụ tụ tập đông người. Giờ đây Huổi Khon đã khác, đồng bào dân tộc Mông sinh sống quần cư, yên bình bên dòng suối Nậm Nhé, thuộc xã Nậm Kè với những mái nhà vững chãi, có nhiều thóc, ngô dự trữ, cùng hệ thống cơ sở vật chất đảm bảo; đời sống người dân được nâng cao, bà con chung tay với chính quyền địa phương giữ gìn an ninh trật tự. Nói chuyện với chúng tôi, Ðại tá Nguyễn Ngọc Trường, Trưởng Công an huyện Mường Nhé khẳng định: “Không chỉ Huổi Khon, mà ở nhiều bản có người Mông sinh sống thuộc các xã: Pá Mỳ, Huổi Lếch, Nậm Vì, Mường Nhé, Mường Toong... bà con đều sống tuân thủ pháp luật, không nghe theo luận điệu của kẻ xấu, yên tâm lao động và chung tay ủng hộ, giúp đỡ lực lượng chức năng trong việc đảm bảo an ninh trật tự địa bàn. Chính vì thế, khi các cán bộ, chiến sĩ của Công an huyện vào bản “3 cùng” với bà con nhiều ngày, nhiều tháng để tuyên truyền pháp luật luôn được bà con tin tưởng như người thân trong gia đình”.

Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số huyện Mường Nhé được hỗ trợ đầy đủ các chế độ, chính sách, rồi được hưởng lợi ích từ chi trả dịch vụ môi trường rừng; đời sống người dân ngày một ấm no hơn, bà con càng thêm gắn bó với vùng đất nơi biên viễn của Tổ quốc. Ðứng trên đỉnh Khoang La San, dãy núi nằm ở ngã ba biên giới ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc, nhìn về phía huyện Mường Nhé, thấy khu trung tâm huyện tráng lệ như một lâu đài nhỏ giữa xanh thẳm núi rừng. Cảnh bình yên đến từ trong sâu thẳm mỗi người dân và hiện hữu rõ nét trong đời sống, lao động của bà con trên vùng đất Mường Thò.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top