Hang Tôm, cây cầu nối Ðiện Biên - Lai Châu

15:16 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 14843 In bài viết
ĐBP - Nối liền tuyến đường huyết mạch quốc lộ 12, cầu Hang Tôm có lẽ không còn xa lạ với người dân vùng Tây Bắc. Nếu như cầu Hang Tôm cũ là cầu dây văng lớn nhất Ðông Dương lúc bấy giờ với biệt danh “Ðông Dương đệ nhất cầu” thì ngày nay, cầu Hang Tôm mới là tuyến giao thông có vị trí chiến lược, góp phần quan trọng vào việc phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh vùng Tây Bắc, nhất là 2 tỉnh: Ðiện Biên và Lai Châu.

 

Cầu Hang Tôm mới nối liền quốc lộ 12, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của hai tỉnh Ðiện Biên - Lai Châu.

Cầu Hang Tôm - “kỳ quan” Tây Bắc xưa

Cầu Hang Tôm cũ kết thúc sứ mệnh lịch sử của mình kể từ tháng 11/2012, khi cầu Hang Tôm mới chính thức hoàn thành và đưa vào sử dụng. Giờ đây, quay trở lại cầu Hang Tôm vào mùa nước cạn, đứng trên cây cầu mới nhìn xuống lòng hồ chỉ thấy 2 trụ cầu nhô lên khỏi mặt nước - đó là dấu tích còn lại của cầu Hang Tôm cũ. Nghe kể lại trước đây cách vị trí xây dựng cầu chừng 50m có một mó nước rất mát, tôm từ sông Ðà ngược nước lên đó đẻ trứng, khiến khúc sông này rất nhiều tôm. Vì vậy, người dân địa phương thường thay nhau đến đây bắt tôm, nhưng theo tục lệ mỗi hộ quanh hang tôm chỉ được bắt chừng một giờ rồi đến lượt hộ khác và cái tên cầu Hang Tôm cũng bắt nguồn từ đó. Dù cây cầu cũ không còn, nhưng đối với mỗi người dân thị xã Mường Lay, hình ảnh cầu dây văng Hang Tôm không hề phai mờ trong ký ức họ. Là đời thứ 3 sinh sống ở mảnh đất Mường Lay, ông Hoàng Tắc Phoóng, tổ dân phố 2, phường Sông Ðà vẫn không thể nào quên những ký ức về cây cầu được mệnh danh là “Ðông Dương đệ nhất cầu” này.

Ông Phoóng nhớ lại: “Những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ XX, khi đó chưa có cầu Hang Tôm, muốn qua sông Ðà phải đi bằng đò. Mùa khô thì không sao, nhưng mùa mưa lũ thì sang sông bằng đò rất nguy hiểm, vì sông Ðà mùa lũ nước chảy xiết. Vậy rồi phía Trung Quốc giúp ta mở con đường đi qua cửa khẩu Ma Lù Thàng (huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) về vùng Tây Bắc, chính là tuyến quốc lộ 12 ngày nay. Nhưng tuyến đường này bị sông Ðà chặn lại, bởi thế mà cây cầu Hang Tôm đã được xây dựng để nối hai bờ sông. Năm 1968, Trung Quốc xảy ra cách mạng văn hóa, chuyên gia và công nhân của họ rút hết về nước. Rất may khi đó hạng mục được coi là khó nhất là cáp treo đã được kéo xong nên các kỹ sư và công nhân mình tiếp tục hoàn thiện cây cầu. Nhưng cũng phải đến năm 1973, cầu Hang Tôm mới được khánh thành. Ngày đó, cây cầu hoàn thành đã đem lại niềm vui cho hàng vạn đồng bào Ðiện Biên - Lai Châu”.

Trong tâm tưởng của người dân Ðiện Biên và Lai Châu lúc bấy giờ, cầu Hang Tôm không chỉ là cây cầu dây văng lớn nhất của khu vực, mà nó còn tạo nên khung cảnh kỳ vĩ ở nơi sông Ðà hợp lưu với dòng Nậm Na. Cây cầu như một điểm nhấn trên tuyến quốc lộ 12 bởi vẻ đẹp hoành tráng và hoang sơ của nó. Vì vậy, khi cây cầu Hang Tôm mới hoàn thành, cầu cũ bị tháo dỡ đã để lại bao niềm tiếc nuối trong lòng người dân nơi đây. “Sau gần 40 năm hoạt động, toàn bộ cầu Hang Tôm cũ đã chìm sâu xuống lòng hồ và chỉ còn lưu lại trong ký ức người dân địa phương. Cứ mỗi lần đứng trên cây cầu mới, phóng tầm mắt về phía cầu Hang Tôm cũ, chúng tôi lại nhớ vẻ đẹp hùng vĩ, vắt qua đôi bờ sông Ðà của cây cầu ấy. Cây cầu xứng đáng là một “kỳ quan” của miền Tây Bắc xưa, chứng nhân của những năm gian khó, chứng nhân của hôm qua cho ta hiểu hơn về hôm nay...” - ông Hoàng Tắc Phoóng tâm sự.

Nối tuyến giao thông chiến lược vùng Tây Bắc

Chia tay ông Phoóng, chúng tôi men theo quốc lộ 12 để đến cầu Hang Tôm - cây cầu nối liền 2 tỉnh: Ðiện Biên - Lai Châu qua lòng hồ Thủy điện Sơn La. Sau ngày khánh thành, cầu Hang Tôm mới không chỉ trở thành cầu nối giao thông quan trọng giữa Ðiện Biên - Lai Châu, mà còn trở thành điểm nhấn ấn tượng cho thị xã Mường Lay nói riêng và tỉnh Ðiện Biên nói chung. Cây cầu này đã trở thành điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi về với Mường Lay. Ðược biết, cầu Hang Tôm mới là cầu bê tông đúc hẫng cốt thép dự ứng lực, được xây dựng cách cầu cũ chừng 600m về phía thượng lưu. Cầu dài 362,4m, rộng 9m gồm 4 nhịp dầm bê tông cốt thép dự ứng lực đặt trên 4 trụ và 2 mố, với chiều cao từ đáy sông Ðà lên mặt cầu là trên 70m. Vẻ đẹp hoành tráng của cây cầu đã thu hút nhiều khách du lịch đến đây.

Dù đã gần 12 giờ trưa, trời nắng chói chang nhưng khi đến đây, chúng tôi vẫn bắt gặp đoàn xe du lịch từ thành phố Hà Nội dừng chân trên cầu; người thì chụp ảnh kỷ niệm, người lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình giữa núi non hùng vĩ của cây cầu này. Gặp chúng tôi tại đây, anh Phạm Việt Hùng, một du khách đến từ quận Ðống Ða (thành phố Hà Nội), chia sẻ: “Trong lịch trình, chúng tôi sẽ tham quan, du lịch tất cả các tỉnh vùng Tây Bắc. Ðể đến được đây, cả đoàn đã di chuyển từ thành phố Hà Nội lên Lào Cai, sau đó qua Lai Châu để đến Ðiện Biên. Nghe nói cầu Hang Tôm là một trong những cây cầu hoành tráng, nối liền quốc lộ 12 nên khi đoàn đến đây, chúng tôi đã đề nghị lái xe dừng lại để mọi người chụp ảnh lưu niệm, ghi dấu tại nơi giao nhau giữa 2 tỉnh: Ðiện Biên - Lai Châu. Từ trên cầu nhìn ra xung quanh, bất cứ ai cũng cảm thấy choáng ngợp trước cảnh nước non hữu tình còn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, không khí trong lành, mát mẻ với những ngọn núi hùng vĩ, soi bóng trên mặt nước xanh thẳm... Ðiều đó khiến chúng tôi rất ấn tượng”.

Vừa đi thăm hỏi người thân ở xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ (tỉnh Lai Châu) về đến cầu Hang Tôm, vợ chồng bà Nguyễn Thị Hồng, xã Hua Thanh (huyện Ðiện Biên) cũng dừng lại đây để nghỉ ngơi sau chặng đường dài di chuyển bằng xe máy. Bà Hồng nói: “Gia đình tôi có người thân ở tỉnh mới (tỉnh Lai Châu) nên mỗi khi có công việc hay người thân ốm đau vẫn phải sang bên đó thăm hỏi nhau.

Cầu Hang Tôm không chỉ giúp nhân dân đi lại dễ dàng hơn mà còn tạo thành hệ thống kết nối giao thông vùng, đảm bảo mục tiêu xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, cải thiện điều kiện sống của người dân, bảo đảm an ninh - quốc phòng của thị xã Mường Lay với các huyện của tỉnh Lai Châu nói riêng và giữa 2 tỉnh Ðiện Biên - Lai Châu nói chung. Anh Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND phường Sông Ðà, thị xã Mường Lay, chia sẻ: Hiện nay, phường Sông Ðà có 300 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu. Trong đó, người dân chủ yếu làm buôn bán dịch vụ, nông nghiệp và đánh bắt thủy sản tự nhiên nên nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng nông sản khá lớn, chưa nói các địa phương khác trong tỉnh đều lưu thông qua tuyến đường huyết mạch này. Khi các nhịp của cầu Hang Tôm nối liền đã tạo ra sự phát triển kinh tế vùng, thông thương hàng hóa, giao thông đi lại cho người dân của các tỉnh khu vực Tây Bắc. Có thể nói, đây là một công trình đột phá về kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh, đồng thời đáp ứng được sự mong mỏi của hàng vạn người dân 2 bên tả - hữu sông Ðà.

Rời cầu Hang Tôm trở về thành phố Ðiện Biên Phủ khi trời đã xế chiều, nhưng hình ảnh về cây cầu nằm trên tuyến giao thông huyết mạch, trọng yếu của Tây Bắc vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Không chỉ bởi vẻ hoành tráng của cây cầu mà còn bởi ý nghĩa to lớn, sự đóng góp quan trọng của nó đối với việc phát triển của 2 tỉnh Ðiện Biên - Lai Châu nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung. Cũng thật tự hào khi cây cầu còn là một trong những biểu tượng của mảnh đất này, là điểm đến không thể bỏ qua với mỗi du khách khi đến với thị xã Mường Lay.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top