Lặng lẽ những bước chân

15:33 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 12629 In bài viết
ĐBP - 65 năm sau ngày đại thắng, chiến trường Ðiện Biên Phủ năm xưa giờ đã thay da đổi thịt, trở thành một thành phố khang trang, hiện đại. Thế nhưng vẫn còn đó những nhớ mong da diết, đau đáu ngóng tìm của các gia đình có người thân là liệt sĩ nằm lại Ðiện Biên.
 

Thân nhân liệt sĩ Bế Văn Ðàn thăm viếng mộ tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1.

“Bao năm con đi tìm cha”

Tết Thanh Minh là ngày để con cháu đi tảo mộ ông bà, tổ tiên nhưng ngày này năm nay đối với gia đình ông Vũ Năng Lực, 82 tuổi (huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình) còn đặc biệt hơn thế. Bởi năm nay ông cùng người thân vượt đường xa hàng trăm cây số lên Ðiện Biên viếng nghĩa trang nơi bố mình an nghỉ với mong mỏi xác định được phần mộ bố, tận tay thắp nén hương ấm sau bao năm bố ra đi không trở về. Ðược biết bố ông Lực là chiến sĩ Ðiện Biên Vũ Ngọc Liên, hi sinh trong trận đánh đồi A1, khi ngày đại thắng đã cận kề. Khi ấy, gia đình chưa biết cụ mất, chỉ không thấy những bức thư tay kể chuyện chiến trường, dặn dò vợ con được gửi về nữa nên ngậm ngùi chờ đợi, mong ngóng tin tức. Ðến khi người lính cùng xã, cùng đơn vị với bố về phép, đến nhà báo tin thì gia đình ông Lực mới hay biết. Cuộc sống khó khăn, mãi đến những năm 2000, gia đình ông mới có người lên thăm nơi bố nằm xuống, tìm được tên bố trên bảng vàng danh dự tại Nghĩa trang Liệt sĩ A1 nhưng không biết được phần mộ của cụ ở vị trí nào. Sau đó gia đình ông cũng đã nhiều lần lên viếng nghĩa trang nơi bố an nghỉ. Hôm nay, đoàn gia đình ông lên lại nơi đây với 6 người gồm: 2 em gái ruột, 3 người con, 1 người cháu của liệt sĩ. Mọi người đều đã trên dưới 80 tuổi, người cháu cũng đã qua tuổi 60, tóc bạc, sức khỏe yếu nhưng những đôi chân vẫn rắn rỏi đi từng hàng mộ, đôi mắt dù mỏi vẫn dò tìm từng dòng chữ, dù trước đó đã liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Quản lý Nghĩa trang và biết chưa có tên người thân mình trên bia mộ. Ðể rồi khi ra về, những giọt nước lại dâng đầy khóe mắt. Ông Vũ Năng Lực chia sẻ: Ðây có lẽ là lần cuối cùng tôi cùng các cô, chị em gái lên thăm và tìm mộ bố bởi chúng tôi đều đã ở cái tuổi gần đất xa trời, không đủ sức khỏe nữa rồi. Nhưng đến đây, gia đình chúng tôi cũng được an ủi, yên tâm phần nào khi biết bố nằm tại nghĩa trang liệt sĩ quốc gia cùng đồng đội, được chăm lo chu đáo, ấm hương thơm quanh năm. Sau này chỉ biết trông cậy các con, cháu tiếp tục lên với ông, với cụ thôi.

Ðể làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ, đã có biết bao nhiêu người lính phải hi sinh. Ðến ngày nay, trong trung tâm lòng chảo Mường Thanh nhỏ bé có đến 3 nghĩa trang với hàng nghìn ngôi mộ liệt sĩ hi sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, trong đó phần lớn các phần mộ chưa được khắc tên riêng. Dù nhiều năm đã trôi qua mà không có thông tin xác định nhưng hàng năm thân nhân nhiều liệt sĩ vẫn lên thăm viếng, lặng lẽ dò từng dòng tên trên bảng vàng, trong sổ sách với hi vọng dù mong manh rằng có thể tìm được phần mộ của người thân mình.

Ðoàn viên trước bia mộ anh

Liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ là người con thứ 2, là anh trai lớn trong một gia đình 9 anh chị em tại vùng quê Phú Thọ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, năm 1946 ông lên đường nhập ngũ khi tuổi đời mới tròn 18. Ðến năm 1954, ông là Ðại đội trưởng Ðại đội Pháo cao xạ 78, thuộc Tiểu đoàn 387 - tiểu đoàn phòng không đầu tiên của quân đội ta, chiến đấu tại chiến trường Ðiện Biên Phủ. Nhiệm vụ cuối cùng của người lính trẻ năm ấy là chỉ huy đơn vị bao vây siết chặt sân bay Mường Thanh chặn đường tiếp tế, “khóa yết hầu” địch. Trong thế giằng co ác liệt giữa ta và địch, đơn vị ông bị đột kích bất ngờ, thương vong nặng nề. Ngày hôm đó là 28/3/1954, người lính trẻ Nguyễn Viết Quỳ đã ra đi mãi mãi. Gia đình ông sau đó hay tin ông cùng 22 anh em cùng Ðại đội đã được an táng tại khu vực bản Hồng Lếch, sau này được đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ Ðộc Lập nhưng không rõ vị trí chôn cất. Ông Nguyễn Viết Quý (hiện sinh sống tại Hà Nội), em trai liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ kể lại: “Gia đình tôi đã nhiều lần từ quê lên tìm mộ anh, tôi cũng có 10 năm công tác tại tỉnh Lai Châu thường xuyên đến thăm viếng, tìm hiểu nhưng không có thông tin gì. Mãi đến năm 1995, tôi tìm được bản vẽ tay sơ đồ mộ chí đồi Ðộc Lập, trong đó có ngôi mộ của anh tôi được đánh số rõ ràng thì rất mừng. Năm đó, anh chị em trong gia đình tôi cùng có mặt đông đủ tại Ðiện Biên để thắp nén nhang cho anh. Sau bao năm xa cách, anh chị em mỗi người một nơi, nay đã đoàn tụ nhưng lại là trước bia mộ anh làm ai cũng không cầm được nước mắt”.

Sau đó hàng năm đại gia đình ông Quý đều tổ chức cho anh em, con cháu lên Ðiện Biên thăm mộ liệt sĩ Nguyễn Viết Quỳ. Năm nay trước ngày kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biện Phủ, gia đình ông lại lên Ðiện Biên, thắp cho liệt sĩ Quỳ cùng đồng đội nén hương thơm. Ông Quý chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhiều lần cân nhắc muốn đưa anh về gần nhà, gần anh em ruột thịt nhưng nghĩ anh đã cùng chiến đấu, hi sinh, cùng nằm lại ở đây bên các đồng đội bao nhiêu năm, giờ đưa anh đi sợ anh buồn. Hơn nữa, nơi đây cũng được chăm sóc rất chu đáo, khuôn viên, cảnh quan nghĩa trang xanh, đẹp nên chúng tôi quyết định để anh yên nghỉ nơi đây, hàng năm gia đình sẽ cùng nhau lên thăm anh”.

Các nghĩa trang liệt sĩ ở Ðiện Biên thường xuyên có rất nhiều người đến thăm viếng, trong đó có không ít người là thân nhân liệt sĩ. Trung bình hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đón tiếp, xác nhận thăm viếng, tìm mộ; Trung tâm Ðón tiếp thân nhân liệt sĩ và Ðiều dưỡng người có công với cách mạng hỗ trợ ăn nghỉ, đi lại cho hàng trăm thân nhân liệt sĩ. Bao năm đã trôi qua, những người lính anh dũng năm xưa đã nằm sâu dưới lòng đất mẹ nhưng người thân vẫn luôn thương nhớ, đi tìm các anh, Tổ quốc, dân tộc cùng các thế hệ đi sau mãi trân trọng, ghi nhớ công lao của các anh.

Bài, ảnh: Bảo Anh
Bình luận
Back To Top