Bản hùng ca Ðại thủy nông Nậm Rốm

15:48 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 10818 In bài viết
ĐBP - Nhắc đến Ðại thủy nông Nậm Rốm không ít người từng đặt câu hỏi: Tại sao một công trình thủy lợi quy mô lớn được xây dựng toàn bộ bằng sức người lại có thể hoàn thành trong thời kỳ chiến tranh muôn vàn gian khổ, vất vả như thế? Và sau những buổi gặp mặt, trò chuyện với những cựu thanh niên xung phong (TNXP) xây dựng công trình, chúng tôi đã có câu trả lời!

 

Một đoạn kênh hữu Ðại thủy nông Nậm Rốm.

Phòng làm việc nhỏ tại Hội Cựu TNXP tỉnh hôm nay nhộn nhịp lạ thường. Trong số những người về dự buổi gặp mặt, nhiều người đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng đôi mắt vẫn ánh lên niềm vui hội ngộ, tay bắt mặt mừng khi gặp lại đồng chí, đồng đội. Trong khoảnh khắc, kỷ niệm ùa về, ai cũng muốn nói, tâm sự, chia sẻ thật nhiều, từ chuyện thời chiến cho đến chuyện thời bình. Sau cái bắt tay thật chặt, ông Trần Công Chính, Chủ tịch Hội Cựu TNXP tỉnh giới thiệu với chúng tôi những cựu TNXP từng tham gia xây dựng công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm. Một trong những người đầu tiên tham gia xây dựng công trình - bà Nguyễn Thị Phượng, ở tổ dân phố 2, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ bồi hồi nhớ lại: Tháng 10/1963, công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm chính thức khởi công. Vào thời điểm này, hơn 2.000 thanh niên, trong đó nhiều người rất trẻ còn đeo khăn quàng đỏ, chưa học hết phổ thông, từ Thủ đô Hà Nội và các tỉnh: Hưng Yên, Thái Bình, Nghệ An, Nam Ðịnh, Hà Tĩnh, Thanh Hóa… đã tự nguyện viết đơn gia nhập lực lượng TNXP xây dựng công trình. Những năm tháng xây dựng công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm cũng là lúc đế quốc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc ác liệt nhất. Khi đó lực lượng TNXP của ta phải trải qua muôn vàn khó khăn vất vả khi vừa phải thi công một công trình thủy lợi quy mô lớn bằng sức người, vừa phải chống trả với máy bay của kẻ địch bắn phá dữ dội. Thêm vào đó là sự khắc nghiệt của “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang” và những trận sốt rét hoành hành. Có thời gian dài, mọi người ăn không đủ no, phải ăn ngô thay cơm triền miên song ai nấy đều vui vẻ, đoàn kết chỉ dẫn nhau cách làm việc nhanh gọn, chất lượng, đảm bảo kỹ thuật nhất.

Quân địch ném bom làm nhiều cơ sở kinh tế quốc phòng, khu dân cư bị tàn phá. Lực lượng lao động trên công trường được lệnh sơ tán vào rừng để tránh tổn thất. Toàn công trường lấy đêm làm ngày, quyết tâm đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình. Ðêm đêm, những đôi tay, đôi vai của các chàng trai, cô gái vẫn kĩu kịt từng sọt đá, vẫn nhịp nhàng nâng những chiếc đầm bê tông nặng 40kg, để hai tuyến kênh hình vòng cung mỗi ngày một dài thêm như hai cánh tay ôm trọn lấy cánh đồng Mường Thanh.

Nối tiếp câu chuyện của bà Phượng, ông Trần Công Chính chia sẻ: Khó khăn, gian khổ, vất vả là thế song động lực để chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ chính là tinh thần của tuổi trẻ và cũng là lý tưởng phấn đấu cho bản thân. Mặt khác công trường đã kịp thời phát động các đợt thi đua, như: “Thi đua nâng cao năng suất lao động mỗi người làm việc bằng 2, bằng 3”; phong trào “3 bù, 3 ốm”… lan tỏa khắp các tổ, đội động viên, kích thích anh chị em hăng say lao động. Cùng với đó là phong trào thi đua cải tiến công cụ nhằm nâng cao năng suất, hiệu quả lao động. Tiêu biểu là việc làm cán xẻng khoằm để cào đất vào sọt, dùng cần cẩu tre để chuyển đất đá từ vị trí này sang vị trí khác, làm móc sắt đôi để gánh một lần 4 thùng nước, dùng ròng rọc vận chuyển đất từ đỉnh đồi xuống thấp để đắp công trình, dùng máng tôn, máng gỗ tự đóng xe cút kít để chuyển đất, đá, bê tông vào vị trí... Nhờ đó mà năng suất lao động vượt từ 200 - 300%, đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng công trình, Ban Chỉ huy công trường đã thành lập 1 tiểu đoàn tự vệ với quân số 480 đồng chí, gồm 4 đại đội. Các đại đội trực chiến thường xuyên di chuyển theo địa điểm thi công và sẵn sàng đánh trả máy bay Mỹ khi chúng liều lĩnh bắn phá. Trong cuộc chiến đấu bảo vệ công trình, nhiều đội viên TNXP đã mất, hiến dâng tuổi thanh xuân của mình cho công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm như: Nông Văn Mận, Bùi Ðại Dương, Nguyễn Thị Nấng… Sau gần 7 năm (1963 - 1969) xây dựng công trình, cuối cùng lực lượng TNXP cũng đã hoàn thành đập tràn bê tông dài 60m, cao 9,5m, rộng 11m; tuyến kênh chính dài 823m, kênh tả dài 15,017km, kênh hữu dài 18,051km, 100km kênh cấp II, 95 cống đầu kênh cấp II dẫn nước vào đồng ruộng. Công trình cung cấp nước cho 2.988,15ha lúa chiêm xuân của cánh đồng Mường Thanh; 86,58ha hoa màu; 193,9ha cây vụ đông và 99,24ha ao hồ.

Gần 7 năm dũng cảm, kiên cường có cả những mất mát, hy sinh, hàng nghìn TNXP đã viết nên huyền thoại về Công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm.

Bài, ảnh: Mai Phương
Bình luận
Back To Top