Hồi ức Ðiện Biên

16:12 - Thứ Bảy, 04/05/2019 Lượt xem: 11919 In bài viết
ĐBP - Trong căn nhà treo nhiều huân, huy chương thời chiến và những bức tranh, ảnh về chiến thắng Ðiện Biên Phủ, ảnh chụp chung với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp, Ðại tá Trịnh Ðình Thi (90 tuổi), sinh sống tại xã Thanh Hà (huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam) - người lính trinh sát pháo binh, trực tiếp tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ chia sẻ với chúng tôi về những trận đánh ác liệt, cam go trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ; những ngày tháng được ăn ở, sinh sống đồng cam cộng khổ với đồng bào dân tộc Thái Ðiện Biên và nhớ nhất là thời gian được trực tiếp gặp gỡ, nhận nhiệm vụ do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy.

Tình nguyện nhập ngũ năm 1950 vào Tiểu đoàn 954, Hà Nam Ninh, ông Thi được đào tạo trở thành một trinh sát pháo binh đặc nhiệm. Tới năm 1953 khi đơn vị hành quân lên Ðiện Biên, ông Thi đã được tham gia vào Chiến dịch Ðiện Biên Phủ với vai trò Tiểu đội trưởng, Tiểu đội trinh sát pháo binh, thuộc Trung đoàn Pháo binh 45, án ngữ ở các cứ điểm quan trọng trong chiến trường Ðiện Biên Phủ.

 

Những huân, huy chương Ðại tá Trịnh Ðình Thi nhận được trong kháng chiến chống Pháp ở Ðiện Biên.

Tiểu đội trinh sát pháo binh của ông Thi đã trực tiếp tham gia các trận đánh quan trọng của Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, như trận mở màn Chiến dịch tại cứ điểm Him Lam (13/3) và trận đánh quyết định giành chiến thắng ngày 7/5. Nhớ lại trận đánh cứ điểm Him Lam, ông Thi kể: “Ðể chuẩn bị cho trận mở màn, tôi và các đồng đội đã trinh sát đồi Him Lam, đồi Ðộc Lập, bản Kéo, sân bay Mường Thanh... sau khi hoàn thành nhiệm vụ, chúng tôi hiệu lệnh cho bộ đội ta kéo pháo vào trận địa, sẵn sàng chờ lệnh tấn công”.

Trận đánh cứ điểm Him Lam, 24 khẩu pháo của đơn vị ông Thi đồng loạt khai hỏa đã gây ra tổn thất nặng nề cho địch; cao xạ của quân ta luôn chĩa nòng cao, sẵn sàng nghênh đón các máy bay địch bay qua để nhả đạn. Vì vậy ta đã triệt tiêu cả đường tiếp tế trên không của địch, khiến địch nằm trong cứ điểm ngày càng nguy khốn, hoảng loạn. Chiều ngày 13/3, quân ta đồng loạt nổ súng tấn công và đánh chiếm được Cứ điểm Him Lam và một phần đồi Ðộc Lập. Ở trận đánh này, ông Thi có công lớn khi phát hiện địch từ Mường Thanh kéo ra (với đội hình 6 xe tăng, có lính lê dương) định chiếm lại Him Lam. Ông Thi lập tức báo cáo cấp trên hạ lệnh cho pháo nã vào đội hình địch khiến địch phải rút lui, Him Lam hoàn toàn giải phóng.

Sau khi lập được chiến công vang dội ấy, Tiểu đội trưởng Tiểu đội trinh sát pháo binh Trịnh Ðình Thi đã được Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp gặp gỡ, chúc mừng, tặng thưởng và giao nhiệm vụ chiến đấu. Ông Thi xúc động khi đem tấm Huân chương Chiến công hạng Ba do Ðại tướng Võ Nguyên Giáp ký, tặng thưởng cho ông ngay trên trận địa vì đã có công trinh sát, báo cáo tình hình địch kịp thời, giúp quân ta nổ súng đúng thời điểm và giành thắng lợi. Ông cho rằng, đó là kỷ niệm tự hào, sâu sắc nhất đối với một người lính Ðiện Biên.

“Ngày ấy tôi vinh dự được gặp gỡ, nói chuyện với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp tại Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ (xã Mường Phăng). Ðiều mà tôi ấn tượng nhất đó là sự ân cần hỏi han, giao nhiệm vụ mà hóm hỉnh, vui tính của Ðại tướng với anh em chiến sĩ. Nhờ các chủ trương sáng suốt, tài tình của Ðại tướng trong các trận đánh mà trận quyết định ngày 7/5 đã giành thắng lợi hoàn toàn, lá cờ quyết chiến, quyết thắng đã tung bay trên nóc hầm Ðờ - cát” - ông Thi chia sẻ.

Cũng trong những tháng ngày kháng chiến trường kỳ ở Ðiện Biên, ông Thi từng sinh sống cùng bà con dân tộc Thái ở các bản Him Lam, Ðộc Lập, Mường Phăng... Ấn tượng rõ nét ông Thi còn nhớ như in là hình ảnh những phụ nữ dân tộc Thái nấu cơm lam, muối vừng, gùi lên vai, băng rừng vượt núi, mang ra chiến trận phát cho anh em chiến sĩ, rồi ân cần chăm sóc cho các chiến sĩ bị thương, coi họ như con, em trong gia đình. “Có những người còn chưa nói rõ tiếng phổ thông, tôi cũng không biết tên họ, nhưng chỉ cần thấy chúng tôi - bộ đội Ðiện Biên hành quân qua bản, là bà con dân bản lại ra ân cần hỏi thăm, mang nước cho uống, thậm chí còn dúi củ sắn, củ mài hay măng đắng đã luộc chín vào ba lô, bảo chúng tôi mang đi đường ăn cho đỡ đói. Những tình cảm của bà con các dân tộc ngày ấy, tôi không thể nào quên được” - ông Trịnh Ðình Thi xúc động nói.

Sau ngày giải phóng, ông Thi trở về quê hương Hà Nam sinh sống và công tác, nhưng những hồi ức về Ðiện Biên cứ thổn thức mãi trong tâm trí ông. Trong 65 năm qua, ông Thi mới có dịp lên thăm lại chiến trường xưa được 3 lần. Lần gần nhất là dịp kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ông nói: “Mỗi lần lên thăm Ðiện Biên, tôi thấy Ðiện Biên ngày một đổi thay, phát triển. Những di tích, hầm hào, chiến trận lịch sử vẫn còn nguyên vẹn; bà con dân tộc Thái ở các bản xưa, nay đã có cuộc sống đủ đầy, no ấm; còn có những đồng đội của tôi ở Ðiện Biên vẫn nhớ như in về trận đánh năm xưa. Dịp này trở lại Ðiện Biên, tôi sẽ cùng các đồng đội đi thăm lại các điểm di tích, ôn lại kỷ niệm kháng chiến trường kỳ ngày ấy”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top