Mường Nhé không còn gian khó ngày nào

08:27 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 15219 In bài viết
ĐBP - Mường Nhé - huyện biên giới nằm ở cực Tây Tổ quốc được biết đến là huyện xa xôi còn nhiều khó khăn nhất của tỉnh Ðiện Biên. Thành lập năm 2002 trên cơ sở chia tách địa giới của 2 huyện: Mường Lay và Mường Tè (tỉnh Lai Châu cũ), Mường Nhé khi đó còn vô vàn khó khăn... Thế nhưng qua gần 17 năm xây dựng, Mường Nhé đã vươn mình phát triển mạnh mẽ.

Nỗ lực bứt phá

Chỉ mới 5 năm trước, chạy xe máy từ TP. Ðiện Biên Phủ vào Mường Nhé trên quãng đường dài gần 200km toàn cấp phối gồ ghề đá sỏi phải mất cả ngày. Nhưng vào Mường Nhé hôm nay, cũng những cung đường đèo uốn lượn quanh sườn núi nhưng đã êm ái, phẳng lỳ, bởi các dự án tu sửa, cải tạo quốc lộ 4H đã hoàn tất.

 

Cán bộ Ðồn Biên phòng Sen Thượng tuyên truyền pháp luật cho người dân bản Sen Thượng (xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé).

Chúng tôi may mắn được gặp ông Pờ Diệp Sàng, nguyên Bí thư Huyện ủy Mường Nhé cũng là người con sinh ra trên đất Mường Nhé và đồng cam cộng khổ cùng huyện từ những ngày gian khó. Chia sẻ với chúng tôi, ông Sàng khẳng định: “Ðể nói về nỗ lực vươn mình, thì Mường Nhé là huyện đi đầu và bứt phá thành công. Nhờ sự quan tâm của tỉnh cho huyện đặc biệt khó khăn, đầu tư con người, cơ sở vật chất... cùng với sự lãnh đạo của chính quyền non trẻ, huyện dần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa; tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 9,8%/năm, số hộ nghèo trung bình giảm 6,8%/năm. Rồi từ các nguồn lực được hỗ trợ, các chương trình, dự án, như: 30a, 134, 135, mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... huyện đã tập trung hỗ trợ nhân dân phát triển sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân. Cùng với đó, huyện tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các xã; nhiều công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, đường giao thông, điện lưới đã được tu sửa, đưa vào sử dụng, phục vụ thiết yếu cho việc xóa đói, giảm nghèo của người dân”.

Trong trí nhớ của ông Pờ Diệp Sàng, năm 2005, việc đi lại từ trung tâm huyện Mường Nhé đến xã Sín Thầu khó khăn vô cùng. Ðể vào trung tâm xã phải đi bộ mấy chục cây số đường rừng, vượt qua nhiều suối sâu như Păng Pơi, Mo Phí, Nậm Ma... Mùa mưa đường trơn, nước suối lớn, nhiều người vượt đường rừng vài chục cây số, tới suối Nậm Ma rồi vẫn phải quay về. Tính ra ngày ấy, ngoài dân bản địa thì chỉ có số ít thầy cô giáo, bác sĩ và bộ đội biên phòng dám vượt suối để vào Sín Thầu. Ðường chưa có nên việc giao thương buôn bán gần như là con số không. Dân bản muốn mua đồ dùng thiết yếu cũng phải lặn lội đeo gùi, đi bộ ra trung tâm huyện để mua, đến mấy hôm sau mới về đến nơi.

Nhưng sau đó thì khác, khi con đường vào Sín Thầu hoàn thiện (năm 2014), khiến trường, trạm được mở mang, điện lưới quốc gia được kéo về tận bản, góp phần lớn trong việc xóa đói, giảm nghèo và nâng cao đời sống dân trí cho bà con. “Sau khi có con đường đảm bảo, năm 2015, cả xã Sín Thầu đã có lưới điện quốc gia, thay thế cho ngọn đèn dầu và điện nước yếu ớt trước đây. Ánh sáng của những bóng điện, tiếng vô tuyến, đài cát sét... khiến cho cuộc sống của người dân trong xã Sín Thầu văn minh hơn, bà con được tiếp cận với khoa học kỹ thuật qua phương tiện truyền thông, tăng gia sản xuất...” - ông Sàng chia sẻ.

Bên con đường bê tông dẫn vào bản Tá Miếu, xã Sín Thầu là hàng dây diện nối qua cột hạ thế dẫn vào từng nhà dân. Ông Lỳ Lá Na, người có uy tín bản Tá Miếu phấn khởi nói: “Có đường rồi có điện, chúng tôi được xem vô tuyến, được sử dụng máy xát thóc, điện thoại... Vì thế mà đời sống của bà con dần cải thiện hơn, dân bản tôi vui lắm và càng tin tưởng hơn vào các chính sách của Ðảng và Nhà nước”.

Không chỉ có con đường, hệ thống điện lên Sín Thầu mà đường giao thông, điện lưới vào các xã khó khăn, như: Sen Thượng, Huổi Lếch, Pá Mỳ... cũng đã được mở mang thông suốt. Từ đó, đã tạo ra những thuận lợi trong trao đổi buôn bán hàng hóa nông sản và đảm bảo công tác y tế, giáo dục vùng cao.

Gặp gỡ ông Trần Ngọc Kiên, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo huyện Mường Nhé, chúng tôi rõ hơn về những năm đầu gian khó của giáo dục vùng cao Mường Nhé khi huyện mới thành lập. Ðó là hệ thống trường lớp còn sơ sài, cơ sở vật chất thiếu thốn trăm bề. Ðể vận động học sinh ra lớp, các giáo viên cũng phải băng rừng, vượt suối, ăn ở lán tạm nhiều ngày; rồi đến khi có học sinh, thì trường, lớp cũng chưa đảm bảo; có những lớp học tạm, nhà công vụ của giáo viên chỉ sau một đêm mưa, bão đã bị thổi bay toàn bộ; thiếu trường, thiếu lớp, rồi thiếu giáo viên nên có nhiều thầy cô phải dậy lớp ghép, cấp ghép... Nhưng đó đã là chuyện của dĩ vãng. Nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền huyện và ngành Giáo dục Ðiện Biên trong việc ưu tiên các chương trình, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục, chính sách cho học sinh dân tộc thiểu số... đã dần khắc phục gian khó trong dạy và học ở vùng cao; các trường, điểm trường được mở mang, thu hút học sinh đi học, ở bán trú; rồi các lớp học, nhà ở bán trú, nhà công vụ giáo viên dần được kiên cố hóa, đảm bảo cho học sinh và giáo viên. “Ðể có sự thay đổi bứt phá đó, ngoài sự ưu tiên đầu tư của chính quyền, phải nói đến cố gắng của đội ngũ thầy, cô giáo, cán bộ làm công tác giáo dục các thời kỳ trong việc kiên trì bám trụ vùng cao, hăng say với nghề, tâm huyết với học sinh, khắc phục mọi thiếu thốn để hoàn thành sự nghiệp giáo dục” - ông Trần Ngọc Kiên nhận định.

 

Một góc khu trung tâm hành chính huyện Mường Nhé.

Ðến các trường bán trú trên địa bàn huyện Mường Nhé giờ đây là những lớp học đông đúc học sinh, những dãy nhà bán trú khang trang và bữa cơm bán trú cho học sinh có đủ đầy thực phẩm. Anh Chang A Pó, phụ huynh có con đang học bán trú tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Chung Chải, chia sẻ: “Từ khi trường, lớp và các chính sách hỗ trợ cho con em dân tộc thiểu số được đầu tư, triển khai, đảm bảo, tôi rất yên tâm khi cho con mình đi học và ở bán trú tại trường”.

Hứa hẹn sự phát triển

Ðứng từ Bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ đặt giữa trung tâm huyện Mường Nhé,  khu trung tâm huyện như một phố thị thu nhỏ, huyên náo và tráng lệ. Ðến những bản tái định cư theo Ðề án 79 (Ðề án sắp xếp ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh huyện Mường Nhé) ở các xã: Mường Toong, Mường Nhé, Nậm Kè... đã thấy bà con ổn cư với những ngôi nhà chắc chắn, trong nhà đầy thóc, ngô, chuồng trại, ao cá trù phú. Vào các xã: Chung Chải, Leng Su Sìn, Sen Thượng... dễ dàng nhận thấy những cánh rừng tái sinh, rừng phòng hộ xanh bạt ngàn được bà con chung tay trồng và bảo vệ nhiều năm... Trao đổi với chúng tôi, ông Lù Văn Thanh, Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cho biết: “Ngoài các chương trình, đề án, dự án do Chính phủ và tỉnh hỗ trợ, hiện nay huyện Mường Nhé đang nỗ lực triển khai xây dựng nông thôn mới, giải quyết việc làm, tăng cường trồng, bảo vệ rừng để bà con được hưởng lợi ích từ rừng... Bên cạnh đó, các chương trình, dự án của tỉnh và Trung ương, như: Tôn tạo, bảo vệ Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé; phát triển Lối mở A Pa Chải thành cửa khẩu; mở rộng sân mốc và xây dựng điểm ngắm cảnh tại Mốc giao điểm ba đường biên giới Việt Nam - Lào - Trung Quốc; trồng và phát triển cây mắc ca... trong thời gian tới đây được nghiên cứu triển khai sẽ tiếp tục đổi mới diện mạo xã, bản, nâng cao dân trí và đảm bảo đời sống cho bà con các dân tộc trong huyện Mường Nhé”.

Có thể nói, những gian khó năm xưa ở Mường Nhé đã dần qua đi, thay vào đó là sự khởi sắc bằng những nỗ lực, cố gắng chung tay của Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện. Tin rằng, Mường Nhé sẽ tiếp tục đổi thay, phát triển, giúp chính quyền và nhân dân thực hiện thắng lợi các mục tiêu của tỉnh và góp phần đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện biên giới trọng yếu cực Tây Tổ quốc.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top