Hoa nở trên nền bom đạn

08:30 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 11683 In bài viết
ĐBP - Cứ điểm Him Lam là một trong những căn cứ quan trọng, được quân Pháp đầu tư xây dựng kiên cố, án ngữ ngay cửa ngõ của Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Tại đây, quân ta đã mở màn cho Chiến dịch Ðiện Biên Phủ bằng trận đánh oanh liệt ngày 13/3/1954.

65 năm đã trôi qua, giờ đây cứ điểm Him Lam năm nào đã trở thành phường Him Lam, cửa ngõ thông thương của TP. Ðiện Biên Phủ với các tỉnh miền xuôi. Bằng sự kiên cường và khát vọng dựng xây, nhân dân các dân tộc trên địa bàn phường Him Lam đã vượt qua nhiều khó khăn, nỗ lực xây dựng cuộc sống mới ấm no ngay trên nền bom đạn chiến trường xưa.

 

Một góc phường Him Lam hôm nay.

Ðứng trên đồi Him Lam (thuộc tổ dân phố 9, phường Him Lam) phóng tầm mắt xuống lòng TP. Ðiện Biên Phủ là diện mạo đô thị phường Him Lam khang trang, nhộn nhịp, với khu trung tâm hành chính của thành phố, Chợ Trung tâm II sầm uất, Khu tái định cư Kênh tả nhộn nhịp dân cư, Khu du lịch sinh thái Him Lam có nhiều cảnh đẹp và những dãy nhà cao san sát, đường phố rộng rãi, xe cộ tấp nập... bên dòng chảy của kênh Thủy nông Nậm Rốm. Nhìn sự đổi thay, phát triển nhanh chóng trên mảnh đất này, khó mà tưởng tượng được 65 năm về trước, nơi đây là bãi chiến trường ngổn ngang xác quân địch, với nhiều mảnh bom, đạn, hàng rào dây thép gai lẫn vào nền đất và cả máu của các chiến sĩ Ðiện Biên đã đổ xuống.

Nhớ lại những ngày đầu sau giải phóng Ðiện Biên, ông Vũ Xuân Hia, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Him Lam chia sẻ: “Sau khi giải phóng Ðiện Biên, chúng tôi là những thanh niên trẻ, lúc ấy được chính quyền giao nhiệm vụ phải xây dựng lại cuộc sống trên bãi chiến trường hoang tàn, đổ nát. Chúng tôi đã cùng bà con dân tộc Thái đen ở bản Him Lam (thuộc xã Thanh Minh, thị xã Ðiện Biên Phủ cũ) dọn dẹp những vết tích chiến tranh còn sót lại, rồi cùng nhau tu sửa, dựng lại những mái nhà tạm, cải tạo ruộng vườn, kêu gọi bà con đi tản cư về bản cũ yên ổn sinh sống, làm ăn... Thấm thoát vài năm, người dân bắt đầu ổn định cuộc sống. Khó khăn, nghèo đói vẫn còn song bà con và chính quyền luôn nỗ lực trong lao động, sản xuất để tìm hướng thoát nghèo...”.

Trong trí nhớ của ông Vũ Xuân Hia, khi phường Him Lam được thành lập (năm 1993), đời sống người dân có sự bứt phá mạnh mẽ hơn, diện mạo phường bắt đầu thay đổi đáng kể. “Khi bộ máy hành chính phường đi vào hoạt động, đã lãnh đạo nhân dân thay đổi cơ cấu ngành nghề từ 100% nông nghiệp sang công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ như: cơ khí, xây dựng, buôn bán hàng hóa. Bà con cũng thay đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, như: chuyển từ lúa một vụ, cây trồng ngắn hạn sang lúa hai đến ba vụ, cây trồng lâu năm. Nhờ đó, tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm đáng kể. Ðến năm 2003, cả phường đã không còn hộ đói, không còn người mù chữ, 100% trẻ em trong độ tuổi được đến trường...”.

Ðến thăm những gia đình kinh doanh, buôn bán tại Chợ Trung tâm II, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Xếp, chủ hộ kinh doanh cho biết: “Gia đình tôi về phường Him Lam sinh sống, nhưng đời sống còn nhiều khó khăn vì mấy sào ruộng không cung cấp đủ cho nhu cầu 8 khẩu trong gia đình. Tôi đã chuyển hướng sang kinh doanh, buôn bán và mở cửa hàng kinh doanh bên đường 279 (nay là đường Võ Nguyên Giáp). Từ đó đời sống của gia đình tôi đã khấm khá hơn”. Ðến nay, các con cháu của bà Xếp và nhiều hộ khác sinh sống dọc hai bên đường Võ Nguyên Giáp cũng mở hàng quán kinh doanh, dịch vụ, khiến cho khu trung tâm phường Him Lam trở thành dãy phố buôn bán thương mại nhộn nhịp.

Ngày nay, Him Lam là một trong những phường phát triển của TP. Ðiện Biên Phủ, với thu nhập bình quân đầu người đạt 32 triệu đồng/người/năm, cơ cấu thương mại, dịch vụ đạt 65%, tiểu thủ công nghiệp và xây dựng đạt 33,2%, tổng mức lưu chuyển hàng hóa ước đạt 400 tỷ đồng, tổng sản lượng lương thực cây có hạt đạt 311,81 tấn (năm 2018), với 97% hộ gia đình và 24/26 tổ dân phố, bản đạt tiêu chuẩn văn hóa. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ được mở mang, đa dạng hóa về loại hình, với 358 cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, cho doanh thu ước đạt 180 tỷ đồng/năm (năm 2018). Toàn phường hiện giờ chỉ còn 8 hộ nghèo (chiếm 0,29%).

Bản Him Lam 2, thuộc phường Him Lam là một minh chứng rõ ràng về sự phát triển, đổi thay. Vào bản Him Lam 2 hôm nay, chúng tôi thấy một phố bản với những mái nhà xây vững chãi; đường bê tông kiên cố chạy vào tận ngõ; những vườn ngô, ao cá tươi tốt, trù phú. Ông Lò Văn Phanh, người có uy tín của bản Him Lam 2 kể lại: “Trước đây 100% người Thái sinh sống tại bản này đều là hộ đói, cuộc sống khó khăn, cơ sở vật chất chưa đảm bảo; ở bản nhiều người mù chữ, nhiều trẻ em chưa được đến trường... Thế nhưng, từ khi nghị quyết của Ðảng đi vào cuộc sống, tư tưởng người dân ở bản Him Lam 2 đã hoàn toàn đổi khác. Bà con đã thay thế cây ngô, cây lúa 1 vụ sang trồng các giống ngô, lúa hai đến ba vụ/năm; khai hoang đồi để trồng cây ăn quả. Ðến nay, bản Him Lam 2 chúng tôi không còn hộ đói, hộ nghèo và là bản văn hóa du lịch của phường Him Lam - nơi giao lưu văn nghệ, ẩm thực, thể thao... Mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt du khách thập phương đến tham quan, thưởng thức”.

Với sự nỗ lực, quyết tâm và đồng lòng, Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc phường Him Lam đã đạt được nhiều thành tựu phấn khởi; đời sống người dân được nâng cao, dân trí ngày càng phát triển. Cuộc sống mới trên nền bom đạn của trận địa Him Lam khốc liệt năm nào đã thực sự đơm hoa kết trái, góp sức vào sự đổi thay, phát triển của TP. Ðiện Biên Phủ.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top