Ðộc Lập ngày ấy, bây giờ

08:32 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 12305 In bài viết
ĐBP - Ðồi Ðộc Lập (thuộc xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên), đó là tên gọi của bộ đội ta, vì nó đứng riêng biệt giữa vùng bằng phẳng ở phía bắc cánh đồng Mường Thanh, nơi cao nhất của đồi gần 500m. Trước đây, đồng bào địa phương còn gọi đồi này là Pú Vằng (đồi Vực) vì dưới chân đồi có cánh đồng trũng là Tông Khao (đồng trắng). 65 năm trước, nơi đây là chiến trường ác liệt giữa bộ đội ta và quân Pháp. Ngày 20/11/1953, quân đội Pháp nhảy dù xuống Mường Thanh và xây dựng Tập đoàn Cứ điểm Ðiện Biên Phủ, hòng chiếm giữ lâu dài. Thực dân Pháp xây dựng trận địa phòng ngự ở đồi này là một cứ điểm mạnh, nằm trong phân khu Bắc của Tập đoàn, đặt tên cứ điểm Ðộc Lập là Gabrielle (tên một cô gái đẹp của nước Pháp), nhằm động viên tinh thần quân lính.

Trấn giữ cứ điểm Ðộc Lập là Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 7 hầu hết quân lính là người Angiêri (lính đánh thuê), cứ điểm này có nhiệm vụ ngăn chặn sự tấn công của bộ đội ta từ hướng Bắc là Lai Châu về Ðiện Biên. Ngày 15/3/1954, Trung đoàn 165 (thuộc Sư đoàn 312) và Trung đoàn 88 (thuộc Sư đoàn 308) được lệnh tấn công cứ điểm Ðộc Lập theo 2 hướng Ðông Nam và Ðông Bắc. Với sự ngoan cường dũng cảm đầy mưu lược, sau một ngày chiến đấu bộ đội ta tiêu diệt gọn tiểu đoàn địch, bắt sống 300 tên giặc, thu nhiều vũ khí, giải phóng cứ điểm Ðộc Lập.

 

Ðường về bản văn hóa Che Phai, ven đồi Ðộc Lập.

Ông Lò Văn Chựa, 89 tuổi người dân bản Nà Nốm, xã Thanh Nưa, cách đồi Ðộc Lập chừng 1km kể rằng: Khi giặc Pháp đến đây chiếm đóng, chúng đào hào, làm công sự, các loại hàng rào bằng dây thép gai, gài mìn dày đặc xung quanh đồi. Chặt phá cây trên đồi Ðộc Lập không đủ, chúng vào các bản gần đó lấy cột nhà dân làm công sự, dồn nhân dân các bản trong khu vực (bản Mển, Nà Nốm, Tông Khao, bản Tâu, Nà Hý...) về sống tập trung ở bản Mớ để dễ quản, không cho dân tiếp xúc với bộ đội ta. Sau chiến tranh, đồi Ðộc Lập là bãi mảnh vỡ bom, đạn, mìn, hầm hào công sự và dây thép gai chằng chịt. Bộ đội ta và người dân địa phương thu dọn chiến trường, khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định sản xuất.

Cũng theo ông Chựa, trước giải phóng năm 1954 bản Nà Nốm quê ông có 21 hộ, không có trường lớp, không ai được học tập nên cả bản không biết chữ; sản xuất lạc hậu, 1 vụ lúa, ngô/năm, năng suất sản lượng rất thấp, cả bản thiếu ăn nhiều tháng trong năm. Khu vực lòng chảo Mường Thanh không có đường giao thông, người dân trong vùng đi thăm thân phải đi qua các cánh đồng, đi trên bờ ruộng. Ði xa thì cưỡi ngựa, nhưng số người có ngựa quá ít vì chỉ nhà giàu mới có. Hầu hết đời sống người dân khó khăn...

Ông Hoàng Văn Xuân, quê huyện Quảng Uyên, tỉnh Cao Bằng, nay 89 tuổi, nguyên là chiến sĩ Trung đoàn 88, tham gia Chiến dịch Ðiện Biên Phủ 1954 cho biết: Sau giải phóng, nhiều chiến sĩ trong đơn vị ông được phân công ở lại Ðiện Biên Phủ nhận nhiệm vụ mới đó là bảo vệ thành quả cách mạng và giúp đồng bào địa phương xây dựng quê hương, phát triển kinh tế. Năm 1959, ông lấy vợ là bà Lò Thị Piếng, dân tộc Thái, bản Nà Nốm, xã Thanh Nưa và định cư ở đây từ đó đến nay. Cách cứ điểm Ðộc Lập không xa, ngày nay xã Thanh Nưa có trường học các cấp (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); trạm y tế, trụ sở UBND xã được xây dựng khang trang. Các thôn bản hầu hết có đường giao thông bê tông hóa. Cả xã không còn người mù chữ, nhiều con em có trình độ đại học và trên đại học, bản làng ban đêm bừng ánh điện. Các hộ đều có ti vi, xe máy, đồng ruộng lúa ngô tươi tốt bốn mùa...

Dưới chân đồi Ðộc Lập hôm nay là kênh bê tông dẫn nước tưới mát cho cánh đồng Mường Thanh 2 vụ lúa/năm, là bản làng đồng bào các dân tộc Thái, Kinh, Khơ Mú... có cuộc sống no ấm. Cứ điểm Ðộc Lập trở thành điểm di tích lịch sử văn hóa, niềm tự hào truyền thống cách mạng của nhân dân Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Tiến Dũng
Bình luận
Back To Top