Về nơi khởi nguồn Chiến dịch Ðiện Biên Phủ

09:09 - Thứ Hai, 06/05/2019 Lượt xem: 12574 In bài viết
ĐBP - 65 năm đã trôi qua kể từ ngày quân, dân ta làm nên chiến thắng Ðiện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng ý nghĩa và tầm vóc của sự kiện lịch sử trọng đại ấy không hề phai mờ trong trái tim mỗi con người Việt Nam. Chúng ta cũng không quên sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra hơn 65 năm về trước tại lán Tỉn Keo, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa (tỉnh Thái Nguyên), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị để thông qua chủ trương và kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954; quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Về nơi quyết định chiến dịch lịch sử

Những ngày cuối tháng 3, đoàn công tác của Báo Ðiện Biên Phủ về thăm An toàn khu (ATK) Ðịnh Hóa, tỉnh Thái Nguyên - trái tim của “Thủ đô gió ngàn - Chiến khu Việt Bắc”. Dừng chân ở mỗi địa điểm, chúng tôi đều bắt gặp hình ảnh giản dị của vị cha già dân tộc, hình ảnh những chiến sĩ giải phóng và ý chí quyết tâm của người dân trong những ngày sục sôi cách mạng. Giữa mênh mông rừng cọ, đồi chè, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nhìn xuống cánh đồng Tỉn Keo tạo cho chúng tôi một cảm giác linh thiêng. Tiếng chuông, tiếng khánh ngân vang khắp núi rừng Việt Bắc, khiến mọi người trong đoàn ai cũng trào dâng những xúc cảm khó tả khi đứng trước bàn thờ của Bác.

 

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Ðảng bàn kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954 và mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại lán Tỉn Keo, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa (tỉnh Thái Nguyên).

Rời Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi tiếp tục hành trình tới lán Tỉn Keo, xã Phú Ðình, huyện Ðịnh Hóa (tỉnh Thái Nguyên) - nơi Bác Hồ đã từng sống và đưa ra những quyết sách quan trọng cho cách mạng Việt Nam. Căn lán vách nứa, mái lợp lá cọ đơn sơ ẩn mình trên đỉnh đồi gợi nhớ những năm tháng trường kỳ kháng chiến của Bác Hồ và các cơ quan Trung ương ở “Thủ đô gió ngàn”. Tỉn Keo được đặt theo tiếng của người Tày có nghĩa là chân đèo.

Tại lán Tỉn Keo, tháng 9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trì hội nghị Bộ Chính trị thông qua chủ trương và kế hoạch tác chiến Ðông Xuân 1953 - 1954. Trong cuộc họp ngày hôm đó, sau khi nghe Ðại tướng Võ Nguyên Giáp báo cáo tình hình của địch lúc bấy giờ, Chủ tịch Hồ Chí Minh ngồi họp tại vị trí trung tâm với một thái độ rất bình thản, bàn tay Người đặt ở trên bàn bỗng giơ lên rồi nắm lại. Người nói: “Ðịch tập trung quân cơ động để tạo nên sức mạnh. Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh đó không còn!”. Vừa nói bàn tay Bác vừa mở ra, mỗi ngón trỏ về một hướng; đó cũng chính là chỉ đạo mang tính chất chiến lược, làm bật ra một chiến dịch lịch sử Ðiện Biên Phủ. Sau khi thực dân Pháp nhảy dù xuống Ðiện Biên Phủ hình thành Tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Ðông Dương. Thêm một lần nữa, dưới mái cọ đơn sơ này, ngày 6/12/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, thống nhất phương án tác chiến của toàn Quân ủy và thành lập Ðảng ủy Mặt trận Ðiện Biên Phủ. Sau khi cuộc họp kết thúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Ðại tướng Võ Nguyên Giáp: “Trận đánh này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không chỉ là về mặt quân sự mà còn cả về mặt chính trị, không chỉ có ý nghĩa ở trong nước mà còn cả đối với quốc tế. Chính vì vậy mà toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta phải kiên quyết đánh cho kỳ thắng”. Lời căn dặn ấy của Bác tuy ngắn ngủi nhưng đã thể hiện niềm tin trọn vẹn của Người đối với vị tướng trẻ, người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Không chỉ là nơi quyết định mở Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, ATK Ðịnh Hóa còn là nơi quân ta tập trận trước khi lên đường ra mặt trận Ðiện Biên Phủ. Cuối năm 1953, Ðại đoàn quân tiên phong 308 đã mở một cuộc tập trận tại cánh đồng bản Soi, xã Ðồng Thịnh (huyện Ðịnh Hóa). Nơi này có địa hình gần giống với lòng chảo Ðiện Biên Phủ, trong đó đồi Nghè tượng trưng cho đồi A1; cánh đồng Sìn tượng trưng cho cánh đồng Mường Thanh; sông Chu tượng trưng cho sông Nậm Rốm và cuộc tập trận đó đã đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chiến thắng của quân ta tại Chiến dịch Ðiện Biên Phủ.

Ðổi thay ở “Thủ đô gió ngàn”

Mặc dù lần đầu đến với ATK Ðịnh Hóa nhưng chúng tôi cảm nhận rõ sự đổi thay trên vùng đất cách mạng qua những nếp nhà mái ngói đỏ tươi, những con đường bê tông kiên cố đến từng ngõ xóm giữa rừng cọ, đồi chè xanh ngút ngàn, như một bức tranh về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Thật may mắn trong hành trình của chúng tôi có người bạn đồng hành là Nguyên Ngọc - một phóng viên của Báo Thái Nguyên. Nhờ Nguyên Ngọc hướng dẫn và giới thiệu tận tình nên chúng tôi đã phần nào hiểu hơn về con người và mảnh đất nơi đây. Những năm gần đây, huyện Ðịnh Hóa đã đổi thay rất nhiều, bên cạnh sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, người dân nơi đây đã có nhiều đổi mới trong tư duy về phát triển kinh tế, phát huy thế mạnh địa phương để làm giàu chính đáng. Từ lâu, huyện Ðịnh Hóa được coi là vựa lúa của cả tỉnh Thái Nguyên, với giống lúa Bao thai nổi tiếng. Hiện diện tích dành cho phát triển thương hiệu gạo Bao thai Ðịnh Hoá là trên 2.000ha, năng suất đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Ðể khai thác thế mạnh này, huyện Ðịnh Hóa đang tích cực tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho bà con nông dân để hình thành vùng sản xuất hàng hóa.

 

Du khách tham quan tại Nhà Trưng bày ATK Ðịnh Hóa.

Bên cạnh sự phát triển vùng chuyên canh trồng lúa, huyện Ðịnh Hóa còn tiếp tục thay đổi cơ cấu giống cây trồng, đầu tư thêm nhiều diện tích trồng chè, quế. Nhiều giống chè mới cho năng suất, chất lượng cao được đưa vào trồng đại trà và nhiều dự án trồng chè sạch, chè an toàn cũng được triển khai. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, đường nhựa và bê tông đã vào tận ngõ xóm, điện lưới quốc gia vươn tới từng hộ gia đình; trường học, trạm y tế đều được xây dựng khang trang. Theo đánh giá, hiện nay cả 24 xã, thị trấn của huyện đều có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình trên 8%/năm; thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng hơn 18 triệu đồng/người/năm (năm 2013) lên 30,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018). Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện giảm mạnh từ 21,31% (năm 2017) xuống còn 14,37% (năm 2018).

Hành trình về “thủ đô gió ngàn”, chứng kiến sự đổi thay no ấm của người dân nơi đây khiến chuyến đi của chúng tôi thêm ý nghĩa. Từ quyết định lịch sử ở ATK Ðịnh Hóa đã mở ra chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu” ở Ðiện Biên Phủ. 65 năm qua, người dân ở ATK Ðịnh Hóa và Ðiện Biên Phủ cùng nỗ lực vượt lên khó khăn, thách thức để dựng xây cuộc sống ấm no hôm nay.

Giữa rừng cọ, đồi chè trùng điệp, câu hát: “Lán nhỏ Tỉn Keo còn đó/Gió đèo De hát mãi tên Người” vẫn còn vang vọng mãi. Hình ảnh Bác Hồ và vùng đất ATK Ðịnh Hóa sẽ mãi mãi khắc ghi trong tâm trí của người dân Ðiện Biên nói riêng và đồng bào cả nước nói chung.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top