Góc nhìn nhà báo

Lời chào thân ái là nhãn tiền

08:49 - Thứ Năm, 09/05/2019 Lượt xem: 11157 In bài viết
ĐBP - Hàng ngày từ 15 - 21 giờ 30 phút, từ Bến xe khách Ðiện Biên đi các tỉnh phía Bắc trong nước có 62 chuyến xe chở khách ghế nằm. Với chừng ấy chuyến xe, thấy rằng lượng khách là khá nhiều và phản ánh thực tế, kinh tế - xã hội của Ðiện Biên đã có nhiều chuyển biến, lưu lượng hàng hóa, lưu lượng dịch chuyển đi lại giao thương tăng lên... Và cũng phải thừa nhận, việc tăng nhanh về lượng xe, loại xe, lốt xe và lượng khách đã góp phần mang lại lợi ích kinh tế cho những đối tượng kinh doanh, dịch vụ cụ thể.

Thế nhưng, một điều làm không ít người băn khoăn, thậm chí đặt ra những nghi vấn về lợi ích nhóm, về sự “bắt tay chưa đẹp” trong việc dừng đỗ xe trong lịch trình đi về từ Ðiện Biên đến các tỉnh, thành trong cả nước. Vì sao, giờ xuất bến xê dịch nhau đến mấy tiếng đồng hồ mà “đều như vắt chanh” địa điểm dừng ăn đêm của tất cả các tuyến dài ngắn khác nhau, nhà xe khác nhau, đi đến khác nhau... nhưng vẫn “tề tựu” ở cùng một địa chỉ?

Một hành khách vì đặc thù nghề nghiệp thường xuyên phải đi xe đêm ghế nằm trên nhiều tuyến: Ðiện Biên - Hà Nội; Ðiện Biên - Hải Phòng; Ðiện Biên - Vĩnh Phúc; Ðiện Biên - Thái Nguyên; Ðiện Biên - Thanh Hóa; Ðiện Biên - Thái Bình chia sẻ: Các xe xuất phát từ Ðiện Biên đi dù sớm hay muộn đều về đến Nhà hàng Thúy Tú ở huyện Thuận Châu mới dừng nghỉ cho khách ăn uống. Trong tháng 3 vừa qua, đi xe khách Ðiện Biên - Thái Nguyên xuất phát lúc 18 giờ 30, về đến Nhà hàng Thúy Tú gần 22 giờ đêm mới dừng cho khách ăn uống. Số lượng xe dừng nghỉ quá đông, lượng khách ăn uống nhiều nên xe của chúng tôi phải đỗ ở ngoài chờ cho xe đến trước ăn xong đi ra mới vào được. Nhiều người tự hỏi, phải chăng lái xe và nhà hàng có thỏa thuận ăn chia lợi nhuận trên bữa ăn của khách? Nhất là khi nhà hàng đó chất lượng phục vụ, giá cả không rẻ hơn, tốt hơn các nhà hàng khác. Có phải ở huyện Tuần Giáo (tỉnh Ðiện Biên) không còn nhà hàng nào chất lượng tốt hơn, giá cả phù hợp hơn...?

Có vị khách trong lúc mệt mỏi vì đi xe đường dài, vì giờ ăn uống ngủ nghỉ thay đổi không cần thiết, thêm vào đó phải chờ đợi để ăn một bữa cơm chẳng xứng với tiền, đã nói “mát” rằng: “Dân Ðiện Biên đặc biệt là Tuần Giáo giàu rồi, nông sản cũng xuất bán trọn gói tại vườn hết rồi, đồng bào các dân tộc ở đây chắc cũng chẳng ai thiếu việc làm... nên nhà xe phải cho khách sang tận đây để chờ cơm...

Hành khách, nhà xe... đều có lý do, quan điểm của mình. Song có một điều chắc chắn, trong câu chuyện này quyền lợi của khách hàng chưa thực sự được quan tâm. Trong xu thế cạnh tranh, đây là cách làm không phù hợp. Bởi với khách hàng, tất cả những ấm ức này sẽ được ghi nhớ; chỉ cần có cơ hội thay đổi lời chào thân ái (!) là nhãn tiền. Chưa kể đến, đánh giá của mọi người dân về thiện chí tạo việc làm, tạo cơ hội bán hàng nông sản cho nhân dân vùng khó khăn là rất nhỏ...

Bảo Khánh
Bình luận
Back To Top