Nan giải bài toán giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 ở Mường Chà

09:01 - Thứ Năm, 09/05/2019 Lượt xem: 13973 In bài viết
ĐBP - Thiếu ăn, thiếu mặc, trẻ em không được chăm lo học hành, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ tăng cao, chất lượng dân số giảm… là những hệ lụy của việc sinh nhiều con. Ðông con khiến cuộc sống của không ít gia đình dân tộc thiểu số ở huyện Mường Chà vốn đã khó khăn thiếu thốn lại phải gánh thêm áp lực về nhiều mặt.

Những đứa trẻ thiệt thòi

Chúng tôi cùng cán bộ phụ trách dân số kế hoạch hóa gia đình xã Na Sang đến thăm nhà ông Sùng A Thung, ở cụm 2, bản Na Pheo - một trong những hộ đông con nhất cụm với 6 đứa con. Không gặp được ông Thung bởi vợ chồng ông đã lên rừng từ sớm, chúng tôi chứng kiến cảnh những đứa trẻ mới 9, 10 tuổi nhếch nhác đang phải trông những đứa em, đứa chưa đầy 2 tuổi, đứa còn đang tập bò. Vừa dỗ dành đứa em đang khóc ngặt nghẽo, Sùng Thị Lác, người con thứ 4 của vợ chồng ông Thung vừa thỏ thẻ: “Thỉnh thoảng em vẫn phải nghỉ học để ở nhà trông em cho bố mẹ đi rừng. Nếu bố mẹ không đi rừng sẽ không có cái ăn”. Mới 10 tuổi, ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới” mà Lác đã phải quán xuyến mọi việc nhà từ rửa bát, nấu cơm, trông em, chăn bò. Khi chúng tôi chuẩn bị ra về cũng là lúc vợ chồng ông Thung đi rừng về, sau lưng là đầy một lu cở củ mài. Những đứa trẻ cũng vui ra mặt bởi chúng biết hôm nay chúng được no bụng.

 

Sùng Thị Lác (bên phải) phải nghỉ học ở nhà trông các em cho bố mẹ lên rừng.

Nhà có 11 người con, nương không có, ruộng cũng không. Ðể nuôi gia đình, vợ chồng anh Vàng A Giàng và Mùa Thị Chớ ở bản Huổi Hạ, xã Na Sang phải mượn nương trồng lúa, rồi lên rừng đào củ mài, củ măng, khúc khắc... vừa để có cái ăn, vừa bán lấy tiền trang trải cuộc sống. Nhà đông con, những bữa ăn thường xuyên chỉ có cơm độn với rau rừng tự kiếm. 3 người con đầu cũng phải bỏ học giữa chừng để phụ giúp bố mẹ nuôi các em. Thứ đáng giá nhất của gia đình là khung nhà bằng gỗ, mái được Nhà nước hỗ trợ thông qua chương trình hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 167/CP. Nói đến chuyện học hành của các con, chị Chớ cho biết: Các con lớn đều bỏ học để giúp bố mẹ. Bây giờ chỉ còn 5 đứa đang đi học, nhưng nếu Nhà nước không hỗ trợ thì nhà tôi cũng không thể lo cho các con tới trường.

Ngoài Na Sang, tình trạng sinh con thứ 3 trở lên còn diễn ra tại nhiều xã khác ở Mường Chà. Cá biệt tại các xã như: Huổi Mí tỷ lệ sinh con thứ 3 chiếm 40,4%; Sá Tổng trên 33,5%; Ma Thì Hồ hơn 30,9%...

Còn nhiều thách thức

Bà Ðiêu Thị Duyên, Phó Giám đốc Trung tâm Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) huyện Mường Chà cho biết: Hàng năm, đơn vị chủ động phối hợp với Trung tâm Y tế huyện duy trì và cung cấp dịch vụ KHHGÐ thường xuyên ở trạm y tế các xã, thị trấn; thực hiện các biện pháp tránh thai miễn phí như: triệt sản, dụng cụ tử cung, thuốc tiêm, cấy tránh thai, thuốc uống tránh thai. Trong năm 2018 đã triển khai đặt vòng tránh thai cho 605 người; triệt sản 4 trường hợp; tiêm thuốc cho hơn 265 trường hợp; cấp miễn phí trên 4.760 vỉ thuốc tránh thai... Ðồng thời, triển khai 2 đợt chiến dịch tăng cường tuyên truyền, vận động lồng ghép dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGÐ tại 7 xã: Na Sang, Ma Thì Hồ, Mường Tùng, Huổi Mí, Sá Tổng, Hừa Ngài, Mường Mươn.

Xác định công tác truyền thông đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, huyện Mường Chà đã chú trọng đổi mới hình thức tuyên truyền và nâng cao hiệu quả hoạt động với nhiều hình thức đa dạng, như: Thông qua các hội nghị, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, sinh hoạt câu lạc bộ, phát thanh trên loa, treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền... Song, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động gặp rất nhiều khó khăn. Cùng anh Quàng Văn Kiên, cán bộ phụ trách dân số xã Na Sang, đi tuyên truyền, vận động về công tác dân số tại cụm 2, bản Na Pheo, nơi có 100% dân tộc Mông, chúng tôi mới hiểu phần nào những khó khăn. Anh Kiên ân cần hỏi han về đời sống bà con, vừa tranh thủ tuyên truyền, giải thích về những hệ lụy của việc sinh đông con để người dân hiểu. Vậy nhưng khi được hỏi có đẻ nhiều con nữa không thì dân bản hỏi ngược lại: Không đẻ nhiều con thì làm gì có người làm nương, đi chăn trâu? Không đẻ được con trai sau này chết đi lấy ai làm lí?...

 Trên đường trở về, anh Kiên giải thích cho chúng tôi: Những câu nói ấy của bà con chúng tôi nghe quen rồi. Khi đến tuyên truyền, người dân có ngồi nghe, nhưng để bà con thực hiện được thì cần cả chặng đường dài bởi những tư tưởng lạc hậu như: trời sinh voi sinh cỏ, đông con hơn nhiều của, trọng nam khinh nữ... vốn đã bám rễ sâu trong tiềm thức của người dân, rất khó để thay đổi ngay. Ở địa bàn cách trung tâm huyện chưa đầy 5 cây số mà tư tưởng còn lạc hậu như thế, ở những địa bàn xa hơn, điều kiện khó khăn hơn thì còn vất vả gấp bội phần.

Ngoài ra, còn do nhiều nguyên nhân khác như: trình độ dân trí, sự hiểu biết của người dân với các chính sách dân số còn hạn chế; tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm còn rất phổ biến (chiếm 29,2% số người kết hôn); các chế tài xử lý đối với các trường hợp vi phạm chính sách dân số vẫn còn nhiều bất cập và gần như không thể xử lý... khiến bài toán giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên ở Mường Chà vẫn còn nan giải. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, vi phạm chính sách dân số trên địa bàn huyện Mường Chà vẫn luôn nằm trong “top” đầu của cả tỉnh. Năm 2018, tỷ lệ này của toàn huyện là trên 25,46% và 3 tháng đầu năm 2019 là hơn 26,1% . Cũng bởi vậy mà việc thực hiện hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số trên địa bàn huyện vẫn còn thấp. Năm 2018 mới đạt 56,8% chỉ tiêu kinh phí giao.

Thu Hằng
Bình luận
Back To Top