An toàn vì con người và phát triển bền vững

08:52 - Thứ Sáu, 10/05/2019 Lượt xem: 13259 In bài viết
ĐBP - Tính đến hết năm 2018, tỉnh ta có trên 300.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 58% tổng dân số, tăng gần 2% so với năm 2017). Với mục tiêu “an toàn vì con người và sự phát triển bền vững”, cùng với việc đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh, các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ).

 

Nhiều lao động khi tham gia thi công các công trình xây dựng vẫn mặc quần áo sơ sài, chưa được trang bị quần áo bảo hộ lao động. Trong ảnh: Người lao động tham gia thi công công trình kênh thủy lợi tại TX. Mường Lay.

Là ngành đặc thù, công nhân, người lao động làm việc trong môi trường nguy hiểm, chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến tai nạn và để lại hậu quả nghiêm trọng, vì vậy công tác bảo hộ lao động luôn được Công ty Ðiện lực Ðiện Biên đặt lên hàng đầu. Với trên 500 cán bộ, công nhân viên chức và người lao động, hàng năm Công ty dành kinh phí từ 2 - 3 tỷ đồng để mua sắm mới và cấp phát đầy đủ trang, thiết bị bảo hộ lao động cho người lao động. Cùng với việc tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành các quy định về đảm bảo ATVSLÐ, Công ty còn thường xuyên tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao kiến thức ATVSLÐ cho cán bộ, công nhân viên chức và người lao động trong ngành. Gần đây nhất là cuối tháng 3 vừa qua, hơn 100 công nhân, người lao động trong Công ty được tham gia diễn tập phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, an toàn, xử lý sự cố điện do Tổng Công ty Ðiện lực miền Bắc tổ chức. Người lao động được tham gia xử lý tình huống giả định về cứu hộ cứu nạn một nhân viên trong quá trình vận chuyển thiết bị vào vị trí chân cột trượt chân ngã, nạn nhân bị bong gân và cần sơ cứu y tế... Thông qua diễn tập tại hiện trường đã giúp cán bộ, công nhân, viên chức trong Công ty rèn luyện khả năng quan sát, phân tích tình huống và kịp thời đưa ra các phương án xử lý chính xác, an toàn.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết: Hiện nay, công tác đảm bảo ATVSLÐ được các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật. Các hoạt động đảm bảo ATVSLÐ như: cải thiện, đảm bảo an toàn môi trường làm việc, huấn luyện an toàn lao động, chăm sóc sức khỏe công nhân… được thực hiện định kỳ, đồng bộ. Năm 2018, các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp đã in ấn, cấp phát trên 10.000 tờ rơi, tranh ảnh tuyên truyền, căng treo trên 1.000 băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền về ATVSLÐ. Sở cũng phối hợp tổ chức huấn luyện ATVSLÐ cho gần 760 người sử dụng lao động và người lao động; thực hiện giám sát công tác huấn luyện tại 19 đơn vị, doanh nghiệp. Khi quyền lợi của người lao động được đảm bảo, vấn đề ATVSLÐ được quan tâm, người lao động sẽ tập trung thực hiện công việc và mang lại hiệu quả cao trong sản xuất. Trên địa bàn tỉnh ta, các đơn vị như: Công ty Cổ phần Xi măng Ðiện Biên, Công ty Xăng dầu Ðiện Biên, Viễn thông Ðiện Biên, Công ty Cổ phần In Ðiện Biên, Công ty Ðiện lực Ðiện Biên, Bưu điện tỉnh… luôn nằm trong tốp đầu về công tác đảm bảo ATVSLÐ.

Mặc dù công tác đảm bảo ATVSLÐ đã được chú trọng nhưng nguy cơ mất an toàn vẫn luôn là nỗi lo khi vẫn còn những đơn vị, doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức, nhất là ở các doanh nghiệp nhỏ hầu hết chưa xây dựng phương án, biện pháp bảo đảm ATVSLÐ tại nơi làm việc. Theo thống kế của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018 toàn tỉnh xảy ra 49 vụ tai nạn lao động. Trong đó, khu vực có quan hệ lao động là 4 vụ, 1 người chết; khu vực không có quan hệ lao động là 45 vụ khiến 14 người chết. Ðiển hình là ngày 3/6/2018, tại Công trình Thủy Ðiện Sông Mã 3 (xã Phì Nhừ, huyện Ðiện Biên Ðông) đã xảy ra 1 vụ tai nạn làm 1 người tử vong. Nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn là trong lúc thi công nạn nhân bất cẩn, thiếu quan sát, đã tự ý trèo lên tấm cốt pha khi chưa được hàn vào bê tông làm tấm cốt pha đổ đè lên người. Một phần nguyên nhân thuộc về ca làm việc trước đó khi dựng tấm cốt pha lên theo phương thẳng đứng đã không có vật cảnh báo nguy hiểm cho ca làm việc tiếp theo, cán bộ chuyên trách công tác ATVSLÐ chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát tại công trường.

Phần lớn nguyên nhân tai nạn lao động là do ý thức chấp hành các quy định pháp luật về ATVSLÐ của người sử dụng lao động, người lao động chưa nghiêm. Bên cạnh đó, việc xử lý vi phạm về ATVSLÐ chưa kiên quyết nên tình trạng vi phạm, tái phạm vẫn diễn ra ở nhiều đơn vị, doanh nghiệp. Vì vậy, mỗi tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp cần chú trọng xây dựng nội quy, quy chế lao động an toàn; đầu tư kinh phí mua sắm trang thiết bị, cải thiện môi trường làm việc; đào tạo, tập huấn cho người lao động… Về phía người lao động cần có ý thức trong việc chấp hành nội quy, quy trình làm việc; nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp đảm bảo ATVSLÐ.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top