Mường Chà tăng cường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm

08:39 - Thứ Tư, 15/05/2019 Lượt xem: 11044 In bài viết

ĐBP - Theo báo cáo của Ban chỉ đạo liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) huyện Mường Chà, toàn huyện hiện có 328 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Trong đó, 239 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, 79 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và 10 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố. Thời gian qua, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, song vẫn còn những hạn chế trong việc mua bán, sử dụng, bảo quản thực phẩm. Một số hộ kinh doanh vì lợi ích kinh tế, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân về ATTP đã kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, quá hạn sử dụng... Ðể nâng cao nhận thức của người dân, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, huyện Mường Chà đã chủ động triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo VSATTP trên địa bàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

 

Cán bộ Ðội quản lý thị trường số 4 (phụ trách huyện Mường Chà và thị xã Mường Lay) kiểm tra nguồn gốc xuất xứ, chất lượng mặt hàng bánh kẹo tại hộ kinh doanh khu vực chợ thị trấn Mường Chà. Ảnh: Ðức Linh

Bà Nguyễn Thị Hiên, Trưởng phòng Y tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện Mường Chà cho biết: Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu trong việc đảm bảo VSATTP trên địa bàn là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống; phổ biến kịp thời Luật ATTP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan; tổ chức cho các cơ sở ký cam kết đảm bảo ATTP. Ðối với người dân, huyện tích cực vận động bà con thay đổi thói quen, tập quán ăn uống không hợp vệ sinh làm ảnh hưởng tới sức khỏe; phổ biến quyền lợi của người tiêu dùng; hướng dẫn cách chọn mua, chế biến thực phẩm an toàn, khuyến khích người dân lựa chọn các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và tẩy chay các mặt hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực như: Tổ chức hội nghị tháng hành động vì ATTP, các buổi nói chuyện trực tiếp, tuyên truyền qua băng rôn, khẩu hiệu, qua các phương tiện thông tin đại chúng. Năm 2018, huyện đã tổ chức được 36 buổi nói chuyện trực tiếp với sự tham gia của 780 người; treo 28 băng zôn, khẩu hiệu, in 60 áp phích, 6.000 tờ rơi về VSATTP; phát 155 lượt tin bài có nội dung về ATTP. Nhằm nâng cao nhận thức cho các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, hàng năm huyện mở các lớp tập huấn phổ biến kiến thức cho cán bộ quản lý, chuyên trách về vệ sinh ATTP; mở các lớp xác nhận kiến thức ATTP cho các cơ sở, sản xuất kinh doanh. Trong năm 2018, huyện đã mở 8 lớp tập huấn và cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP cho 192 người; mở 1 lớp tập huấn quản lý Nhà nước về ATTP cho 40 người.

Ðặc biệt, để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, Ban chỉ đạo liên ngành VSATTP huyện, xã còn chủ động xây dựng kế hoạch, tăng cường kiểm tra công tác đảm bảo VSATTP tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, nhất là trong dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân, Tháng hành động vì ATTP, tết Trung thu. Nội dung kiểm tra tập trung vào việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP; giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP; giấy cam kết sản xuất thực phẩm an toàn; giấy chứng nhận sức khỏe, xác nhận kiến thức ATTP của chủ cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất, kinh doanh; các điều kiện bảo đảm ATTP... Chỉ tính riêng trong quý I/2019, Ban chỉ đạo VSATTP huyện, xã đã tổ chức 13 đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP kiểm tra là 123 cơ sở. Kết quả kiểm tra cho thấy, 122/123 cơ sở đạt yêu cầu, 1 cơ sở vi phạm quy định về đảm bảo VSATTP đã bị xử phạt hành chính với số tiền 1 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác kiểm nghiệm, xét nghiệm thực phẩm cũng được huyện triển khai thực hiện nghiêm túc. Trong số 128 test nhanh thực phẩm năm 2018, có đến 125 test đạt yêu cầu (đạt 97,6%), chỉ có 3 test không đạt yêu cầu do sử dụng dầu mỡ chiên rán lại nhiều lần, độ sạch bát đĩa chưa đảm bảo.

Tăng cường triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn huyện Mường Chà đã có sự chuyển biến tích cực. Phần lớn các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống đã chấp hành nghiêm túc các quy định về VSATTP; người dân đã có ý thức trong việc lựa chọn, sử dụng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Nhờ vậy, 2 năm qua trên địa bàn huyện không để xảy ra ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm cũng được kiểm soát kịp thời. Từ đó, góp phần bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế nguy cơ ngộ độc do thực phẩm không an toàn, thực phẩm giả, kém chất lượng...

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top