Ðổi thay phố cũ - Mường Thanh

08:08 - Thứ Năm, 16/05/2019 Lượt xem: 12745 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi về phố cũ - Mường Thanh (thành phố Ðiện Biên Phủ) trong tiết trời hầm hập của cái nóng đầu hè. Theo các tài liệu lịch sử, tên gọi Mường Thanh xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1778, do Hoàng Bình Chính biên soạn trong cuốn “Hưng Hóa phong thổ lục”. Sau khi chiếm Ðiện Biên Phủ lần thứ nhất (16/1/1915), người Pháp đặt Ðiện Biên nằm trong Ðạo quan binh thứ tư...

 

Một góc phố cũ hôm nay.

Ðể tìm hiểu về đất Mường Thanh xưa, người đầu tiên chúng tôi gặp là bà Nguyễn Thị Mùi (87 tuổi) ở tổ dân phố 6, phường Nam Thanh. Bà Mùi cho biết, bà sinh sống tại phố cũ từ năm 1951, tức là trước khi quân Pháp nhảy dù chiếm Ðiện Biên Phủ cuối năm 1953. Dù tuổi đã cao nhưng bà Mùi còn nhớ rất rõ chuyện kể của các cụ. Lòng chảo Mường Thanh hồi ấy chia làm 3 khu gọi là đầu mường, giữa mường và cuối mường, tổng cộng hơn 400 hộ với trên 2.000 nhân khẩu. Ngày đó không gọi là phố cũ, mà có 3 phố (ứng với 3 khu), đó là: Phố người Việt, phố người Hoa và phố Cao Bằng. Phố người Việt ở địa điểm khu Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ ngày nay; phố người Hoa ở địa điểm khu Trường Trung học cơ sở Mường Thanh và phố Cao Bằng (sở dĩ gọi thế vì phần lớn dân cư đến từ tỉnh Cao Bằng) thì ở khu Nghĩa trang Liệt sĩ A1 bây giờ. Nhà ở của các gia đình xung quanh được đắp bằng tường đất, mái lợp cỏ gianh. Nước ăn hầu hết là nước giếng khơi, những gia đình gần sông Nậm Rốm thì dùng nước sông.

Phố người Hoa chủ yếu là những hộ buôn bán vặt. Các thương nhân người Miến Ðiện, Thái Lan và Lào thường đi thuyền theo dòng Nậm U, qua Nậm Mức vào Mường Thanh đổi lấy các sản vật, trong đó có thổ cẩm. Hồi ấy, Mường Thanh là một trong 16 châu Thái (xíp hốc chậu Thái), đứng đầu là viên tri châu do Pháp khống chế tên là Ðèo Văn Ún, con trai út của Ðèo Văn Long, cháu nội Ðèo Văn Trì.

Giải thích về tên gọi phố cũ, bà Nguyễn Thị Mùi nhớ lại: Tháng 11/1953, Pháp nhảy dù chiếm Mường Thanh, nhiều người dân ở đây phải di tản ra khu vực xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên). Sau khi tỉnh Lai Châu (tức 2 tỉnh Lai Châu và Ðiện Biên ngày nay) được giải phóng (5/1954) các gia đình lần lượt quay về nơi ở cũ, từ đó cái tên phố cũ ra đời để chỉ chung nơi ở trước khi tản cư. Thời điểm ấy cả phố cũ có chưa đầy 100 nóc nhà, đều là nhà tranh vách đất. Dưới sự điều hành của chính quyền mới, các hợp tác xã được thành lập: Hợp tác xã Tiền Phong làm nông nghiệp; HTX Sơn Tràng thì lên rừng lấy củi; HTX Thống Nhất làm may mặc dân dụng... Từ năm 1985 đến năm 1990, phố cũ bắt đầu có điện bằng máy phát điện (nhiệt điện), nhưng chỉ có điện từ 7 giờ tối - 10 giờ đêm. Phố cũ thực sự thay đổi từ năm 1996 khi các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển từ thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay) về.

Trong ngôi nhà giản dị nơi phố cũ, ông Bùi Xuân Khánh (71 tuổi), nguyên Chủ tịch UBND thị trấn Mường Thanh và Chủ tịch UBND phường Nam Thanh từ năm 1997 - 2011 cho biết: Năm 1997 lúc ông nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch UBND thị trấn Mường Thanh thì địa bàn có 10 phố, 5 bản, 16 dân tộc anh em. Năm 2003 thị trấn Mường Thanh sáp nhập về TP. Ðiện Biên Phủ và được đổi tên thành phường Nam Thanh. Ðịa bàn phường Nam Thanh có 16 tổ dân phố, 5 bản với 11.000 dân. Trước năm 2005, trên địa bàn phường Nam Thanh sản xuất nông nghiệp chiếm 30%, tiểu thủ công nghiệp 70%. Quốc lộ 279 rộng 13,5m chạy qua phường. Hiện tại quốc lộ 279 rộng 30m, 2 làn đường; tất cả các con đường vào địa bàn dân cư đều được bê tông hóa. Trên 90% hộ gia đình có nhà xây kiên cố. Ban đầu cả phường chỉ có 1 trường học (gồm hệ tiểu học và hệ trung học cơ sở học chung nhau), đến nay trường mầm non, tiểu học và THCS riêng biệt và khá khang trang. Các tổ dân phố, các bản đều có đội văn nghệ; 12/21 tổ dân phố, bản có nhà văn hóa cộng đồng. Hệ thống chính trị được kiện toàn, an ninh giữ vững.

Ngày nay, nếu ai còn nặng tình về hình ảnh phố cũ - Mường Thanh, xin hãy lắng lòng mình một chút, xin hãy ra Nghĩa trang Liệt sĩ A1 mà ngắm 2 cụm tre đằng ngà, lúc những tiếng chuông nguyện vang lên nơi các anh hùng - liệt sĩ hi sinh trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ an nghỉ. Xin hãy lên đồi A1 lững thững thả bộ dưới bóng những cây tếch, để “nghe” vọng về tiếng nổ của khối bộc phá ngót ngàn cân cách đây 65 năm. Trong khói hương bảng lảng, bằng sự yêu thương và trân trọng quá khứ, lòng ta bâng khuâng khi nghĩ về phố cũ - Mường Thanh...

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top