Người đảng viên đi đầu nơi cực Tây Tổ quốc

08:27 - Thứ Năm, 16/05/2019 Lượt xem: 13102 In bài viết

ĐBP - Ông Pờ Dần Sinh, nguyên Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu (huyện Mường Nhé) nay đã ngoài 60 tuổi là người được nhắc đến khá nhiều trong các bài báo viết về nơi cực Tây Tổ quốc. Nhưng đối với tôi, ông Pờ Dần Sinh còn là người đặc biệt hơn nữa, bởi ông là đảng viên đi đầu trên đất Sín Thầu từ nhiều thập niên trước. Gặp gỡ và được nghe những chia sẻ của ông, chúng tôi mới hiểu về sự nỗ lực, cố gắng của người đảng viên trẻ thời bấy giờ đối với việc vận động người dân hướng theo đường lối của Ðảng và phát triển kinh tế gia đình, xây dựng quê hương.

 

Ông Pờ Dần Sinh nghiên cứu sách báo tài liệu nhằm nâng cao kiến thức, phát triển kinh tế.

Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, với người cha Pờ Pố Chừ là chiến sĩ, đảng viên chi bộ Ðảng đầu tiên trên đất Sín Thầu; các anh trai: Pờ Xì Tài, Pờ Gia Tự, Pờ Á Sinh, Pờ Diệp Sàng cũng là cán bộ, đảng viên và chiến sĩ cách mạng, ông Sinh được thừa hưởng ý thức từ một gia đình đảng viên gương mẫu, kiên trung và tài giỏi. Ông Sinh kể: “Tôi vào Ðảng năm 1987, khi ấy đang giữ chức vụ bí thư Ðoàn thanh niên xã. Tôi được Huyện ủy đặc cách xét kết nạp Ðảng sớm vì có thành tích xuất sắc dũng cảm cứu người dân vùng lũ”.

Ðược kết nạp Ðảng và trở thành một trong những đảng viên đầu tiên trên đất Sín Thầu, ông Sinh công tác ở xã Sín Thầu nhiều năm với chức vụ chủ tịch UBND xã, rồi bí thư đảng ủy xã. Ông luôn được bà con trong xã tin tưởng, yêu quý bởi ông gương mẫu, đi đầu trong nhiều việc khó: Vận động bà con trong xã tổ chức cai nghiện tập trung cho người nghiện; hướng dẫn người dân trồng lúa, nuôi cá, nuôi bò, xây nhà, động viên bà con cho con cái học hành... Ông Sinh còn tiên phong nhường nhà, hiến đất khi mở đường và là người đầu tiên trong xã có con tốt nghiệp đại học.

Theo lời kể của ông Sinh, gần 40 năm trước, tức là vào khoảng năm 1980, xã Sín Thầu, ngày ấy thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu (cũ), tình hình an ninh chính trị - TTATXH khá phức tạp. Khi đó Nhà nước chưa cấm trồng cây anh túc (thuốc phiện) nên gần như nhà nào cũng có người nghiện thuốc phiện. Cán bộ trẻ Pờ Dần Sinh khi đó đã sớm nhận ra tác hại của thuốc phiện nên ra sức tuyên truyền, vận động ngay trong chính gia đình mình, không để ai nghiện. Ðồng thời, ông phối hợp với Ðồn trưởng Công an vũ trang Leng Su Sìn (nay là Ðồn Biên phòng Leng Su Sìn) tổ chức cai nghiện cộng đồng cho người trong xã. Bằng các biện pháp, cách làm cụ thể như: Chia số người nghiện ra thành nhóm, với người nghiện dưới 35 tuổi thì đưa đi lao động tập trung tại xã, tách họ ra khỏi môi trường có thuốc phiện; đối với người già yếu thì vẫn cho ở bản nhưng cử người theo dõi, uống thuốc để cai… dần dần người nghiện trong xã đã giảm bớt. Chỉ vài năm sau, từ trên 100 người nghiện ban đầu đã có 80% cai nghiện thành công, hòa nhập cộng đồng, chịu khó lao động, phát triển kinh tế hộ gia đình để xóa đói, giảm nghèo. 

Chuyện ông Pờ Dần Sinh giúp dân trong xã cai nghiện thành công đã trở thành một giai thoại mà đến nay hàng trăm gia đình vẫn biết ơn ông. Ông Lỳ Ná Na, người có uy tín bản Tá Miếu kể: “Ngày trước, người dân bản tôi đa số chìm ngập trong thuốc phiện, có những hộ cả bố, mẹ và con trai đều nghiện. Nhờ nỗ lực của ông Sinh đến từng nhà kiên trì vận động, giải thích, mà người dân bản tôi đã bắt đầu từ bỏ thuốc phiện, chấp thuận đi cai nghiện. Không những thế, khi họ tái hòa nhập với cộng đồng, ông Sinh lại vận động họ lao động, phát triển kinh tế gia đình để đảm bảo đời sống. Người dân bản tôi giờ đây rất biết ơn ông Sinh, thường mỗi dịp Tết Hà Nhì, bà con lại kéo về nhà ông Sinh chung vui, cảm tạ”.

Ðể vận động được người dân các bản trong xã chịu khó lao động, sản xuất, bản thân ông Sinh đã nỗ lực trở thành người đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình. Ông nuôi trâu, bò, trồng cây ăn quả, làm ruộng lúa nước. Trong xã có các giống cây trồng, vật nuôi gì mới, ông Sinh lại bắt tay vào làm đầu tiên để bà con học hỏi. Lúc cao điểm, nhà ông có hơn 200 con trâu, bò và vài ao cá; còn về lúa, lúc nào trong kho cũng có 4-5 tấn, ăn không hết.

Trong công việc ở xã, ông Sinh luôn nhẹ nhàng, gần gũi với người dân như với anh em, con cháu trong nhà. Ông “chinh phục” mọi người bằng chính sự nhẹ nhàng, gương mẫu. Bí thư Ðảng ủy xã Pờ Mỳ Lế chia sẻ: “Ngày chú Sinh làm lãnh đạo xã, tôi là một cán bộ trẻ, còn thiếu kinh nghiệm nên khá bỡ ngỡ trong công việc. Thế nhưng chú Sinh đã ân cần chỉ bảo, động viên, giúp tôi dần trưởng thành. Chính chú Sinh đã hướng dẫn cho tôi và những cán bộ trẻ khác giác ngộ theo đường lối của Ðảng và trở thành những cán bộ xã cốt cán như bây giờ”.

Ðến nay, ông Pờ Dần Sinh đã nghỉ hưu về sống ở bản Tả Kho Khừ, nằm ngay trung tâm xã. Không làm cán bộ nữa nhưng ông Sinh vẫn là người có uy tín đối với bà con. Trong một lần công tác tại xã Sín Thầu, chúng tôi thấy người dân trong xã tìm đến nhà ông Sinh khá nhiều. Có người cho con đi học xa, hay có người nhà đi xuất khẩu lao động họ đều tìm đến để hỏi ý kiến ông Sinh, nhờ ông tư vấn, giúp đỡ; có người gia đình xích mích, hàng xóm bất hòa cũng tìm đến ông để hỏi cách giải quyết, tháo gỡ...

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top