Nhiều doanh nghiệp khó tuyển lao động địa phương

08:36 - Thứ Sáu, 17/05/2019 Lượt xem: 12813 In bài viết

ĐBP - Mặc dù nguồn lực lao động của tỉnh ta được đánh giá khá dồi dào, với gần 400 nghìn người (chiếm khoảng 65% dân số toàn tỉnh), nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng “khát” nhân lực; nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng.

 

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động địa phương, nhất là trong lĩnh vực giao thông, xây dựng. Trong ảnh: Công nhân Công ty Cổ phần Xây dựng công trình 56 Ðiện Biên thi công tuyến đường Nà Sản - bản Bánh, xã Mường Luân (huyện Ðiện Biên Ðông).

Theo thống kê, toàn tỉnh có hơn 1.200 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ (chiếm trên 97%) trong lĩnh vực xây dựng, nông nghiệp. Trung bình hằng năm, các doanh nghiệp thu hút và tạo việc làm ổn định cho khoảng 42 nghìn lao động địa phương. Song thời gian qua, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng lao động địa phương.

Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng số 6 Ðiện Biên là một trong những doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh trong lĩnh vực đầu tư, xây dựng, giao thông và có mức lương chi trả cho người lao động tương đối cao. Song những năm gần đây, doanh nghiệp vẫn luôn trong tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là lao động địa phương, lao động thời vụ. Ðặc thù của doanh nghiệp là chủ yếu thi công các tuyến đường giao thông, để đáp ứng yêu cầu công việc và tạo việc làm cho lao động địa phương thì doanh nghiệp ưu tiên tuyển dụng lao động ở những địa bàn thi công công trình, dự án. Thế nhưng, nhiều công trình vẫn khó tuyển lao động địa phương; nếu có tuyển được thì lao động làm việc theo kiểu “thích thì làm không thích thì nghỉ”. Ví dụ khi thi công công trình thuộc gói thầu Dự án đường Na Sang - trung tâm xã Huổi Mí - Nậm Mức - thị trấn Tủa Chùa - Huổi Lóng (phân đoạn thị trấn Tủa Chùa - Nậm Mức - Huổi Mí), Công ty đã thông báo tuyển dụng lao động phổ thông; mức lương tùy theo tính chất công việc, trung bình khoảng 4 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, số lượng lao động trên địa bàn đăng ký rất ít; một số lao động tham gia được 1 - 2 ngày công rồi “lặn mất tăm”.

Cũng tình trạng trên, thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 trên địa bàn huyện Ðiện Biên Ðông, Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Ðông Á thuộc Tập đoàn Hưng Hải thường xuyên đăng tin tuyển dụng, nhưng cũng luôn trong tình trạng thiếu lao động địa phương, nhất là lao động có tay nghề. Ông Nguyễn Văn Quy, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Ðầu tư và Xây dựng Ðông Á, cho biết: Dự án Nhà máy Thủy điện Sông Mã 3 nằm trên địa bàn 4 xã: Phì Nhừ, Mường Luân, Phình Giàng và Háng Lìa. Từ khi thực hiện dự án (năm 2016) đến nay, đơn vị mới tuyển dụng được hơn 100 lao động địa phương. Thế nhưng nhiều lao động do chuyển từ nghề nông nghiệp sang nên chưa thích ứng với môi trường lao động công nghiệp, không nhanh nhạy, tự ý nghỉ việc khi đến mùa vụ, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, một số lao động ý thức kỷ luật chưa cao... không đáp ứng yêu cầu công việc. Thậm chí, Công ty tạo điều kiện, có cơ chế thu hút, giữ lao động làm việc lâu dài cho Nhà máy sau khi hoàn thành nhưng vẫn khó tuyển dụng.

Trong khi các doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động thì hiện nay tình trạng lao động thiếu việc làm tại các địa phương vẫn chiếm tỷ lệ cao. Theo thống kê của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông, hiện nay toàn huyện có gần 37 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm hơn 50% dân số), nhưng đa số làm việc trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp; thời gian lao động chỉ đạt khoảng 50%, với mức thu nhập bình quân dưới 10 triệu đồng/người/năm. Huyện Mường Chà, tính đến hết năm 2018 có gần 26 nghìn người trong độ tuổi lao động (chiếm 55,1% dân số); trong đó 90% lao động trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Vì vậy, sau mỗi vụ gieo trồng, thu hoạch nhiều lao động không có việc làm.

Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hết năm 2018, toàn tỉnh duy trì việc làm thường xuyên cho hơn 326 nghìn lao động; tỷ lệ lao động thất nghiệp chiếm 2,75%. Do chủ yếu là lao động trong lĩnh vực nông nghiệp; thời gian tham gia sản xuất nông nghiệp mỗi năm chỉ khoảng 4 tháng nên thời gian nhàn rỗi của người lao động chiếm hơn 60%. Nguyên nhân doanh nghiệp khó tuyển dụng lao động chủ yếu do lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc; thậm chí ngay cả lao động có trình độ cao đẳng, đại học. Một số lao động tốt nghiệp các trường nghề, khi bắt tay vào công việc còn yếu về phần thực hành, không ít doanh nghiệp phải tổ chức đào tạo lại. Một nguyên nhân khác là đa phần người lao động cho rằng mức lương, thù lao thấp hơn một số địa phương khác trong cả nước. Ðây là nguyên nhân chính khiến nhiều lao động không mặn mà với các doanh nghiệp trên địa bàn. Nhiều người lao động so sánh: Lao động phổ thông cho một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, mặc dù gần nhà nhưng mức lương chỉ từ 3 - 5 triệu đồng/tháng; còn nếu đi làm tại các công ty, nhà máy ngoại tỉnh, như: Sam Sung, may mặc, điện lạnh, than ở Quảng Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Ninh… thì mức lương cơ bản từ 6 - 8 triệu đồng (chưa tính tăng ca).

Bài, ảnh: Quốc Huy
Bình luận
Back To Top