“Chợ di động” vùng cao

08:46 - Thứ Năm, 23/05/2019 Lượt xem: 13705 In bài viết
ĐBP - Cũng có kẻ bán, người mua, song không nhộn nhịp như các điểm chợ tập trung mà có nét đặc trưng của vùng cao. “Chợ di động” là cách mà người dân thường gọi đối với những người bán hàng rong, đều đặn rong ruổi mỗi ngày đưa hàng hóa đến các bản làng vùng cao phục vụ nhu cầu thiết yếu của bà con.

Chợ ở thị trấn huyện gần như chẳng thiếu thứ gì, từ hàng quần áo, thực phẩm, đến nông cụ sản xuất, các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu. Song do điều kiện đường xa, đi lại khó khăn, đa số đồng bào không thường xuyên đến chợ, mà thường mua hàng hóa từ những người bán hàng rong. Có cầu ắt có cung và như một nét vẽ không thể thiếu của nhịp sống thường ngày ở vùng cao, người bán hàng rong “len lỏi” đến tận các vùng thung sâu, ngõ hẹp, đưa hàng hóa phục vụ từng nhà.

 

Người bán hàng rong mang hàng đến tận nhà, tận bản phục vụ bà con  thôn Dê Dàng, xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa).

Giữa những ngày đầu mùa mưa, mặc dù thời tiết có phần thuận lợi, song đường lên nhiều bản vùng cao vẫn đầy rẫy khó khăn, cực nhọc. Trên con đường đất trộn lẫn đá hộc bụi mù mịt, chiếc xe gắn máy với lỉnh kỉnh hàng hóa, do một người đàn ông điều khiển vẫn lầm lũi chạy. Phía trong mũ bảo hiểm là chiếc mũ rộng vành, không đủ che đi gương mặt sạm đen vì cháy nắng; đôi bàn tay thô ráp, xù xì ghì chặt tay lái để khỏi chệch bánh, là hình ảnh đọng lại trong mắt tôi trên suốt chặng đường gần 10km từ trung tâm xã đến bản Chống Mông, xã Phì Nhừ (huyện Ðiện Biên Ðông).

Mỗi lần qua đoạn có nhà dân, người đàn ông này đều không quên giảm tốc độ, và bật loa đài. Âm thanh phát ra từ chiếc loa chỉ đơn giản là những bài hát, nhưng được ví như tiếng mõ quen thuộc, đánh thức các gia đình ven đường. Dừng xe tại một quán tạp hóa, từ trong ngôi nhà gỗ, mái lợp prô xi măng, người phụ nữ bước ra lấy túi hàng dường như đã đặt sẵn. Mở túi hàng ngó qua, chị nhanh chóng thanh toán tiền và cười tươi với câu nói bằng tiếng Mông.

Tranh thủ phút dừng chân để tâm sự, chúng tôi được biết người bán hàng rong tên là Nguyễn Văn Thăng, quê ở Phú Thọ. Ông Thăng lên Ðiện Biên làm nghề bán hàng rong ở các bản vùng cao đã gần 10 năm nay. Từng đó năm, là hàng trăm câu chuyện mà ông gọi là “chợ búa” nhưng đầy thú vị, gắn liền với những hành trình rong ruổi của mình. “Tôi cũng có khoảng hơn 1 năm bán hàng rong ngoài thành phố, thu nhập gọi là tạm đủ sống, nhưng rồi tôi lại thích đi như thế này hơn. Cuộc sống ngoài đó thì nhộn nhịp thật, nhưng buôn bán xô bồ, giành giật, chứ không được thong thả, thoải mái như đi bản. Dẫu đi bản có vất vả hơn nhiều, nhưng có những niềm vui mà chỉ ở bản mới có!” - ông Thăng trải lòng.

Kể về những kỷ niệm trong 10 năm rong ruổi ở các bản làng vùng cao bán hàng, ông Thăng vẫn nhớ một cụ bà chừng 90 tuổi, sống đơn thân trên một mỏm đồi nằm ngay quốc lộ 12 (đoạn qua địa bàn xã Mường Mươn, huyện Mường Chà). Vì sức khỏe yếu, cụ bà không xuống được dưới đường mua hàng, nên mỗi lần đi qua, ông Thăng đều leo ngược dốc mang đồ lên tận nhà bán cho cụ. Mặc dù hàng hóa cụ mua mỗi lần không nhiều, chủ yếu là vài ba thứ thực phẩm quen thuộc, như: Trứng vịt, cá khô, lạc… thỉnh thoảng là mớ rau, miếng thịt…, song được phục vụ những người khách thực sự cần mình là lý do khiến ông Thăng vẫn vui vẻ duy trì công việc này qua nhiều năm. Mới đây, khi đi bán hàng qua khu vực đó và biết rằng cụ bà đã được con cháu đón về nhà nuôi dưỡng, chăm sóc, mặc dù mất đi một khách hàng quen thuộc, song ông Thăng lại cảm thấy vui lây với niềm hạnh phúc của người khách hàng “VIP”.

Còn với chị Ðinh Thị Hoàn, quê ở Hà Nam lên đây làm ăn thì lại có cách bán hàng khác. Vì hàng hóa chị bán là quần áo, người mua cần có thời gian để lựa chọn nên chị thường đi vào giữa trưa hoặc chiều tối, bởi khi đó mới có người ở nhà. Chị Hoàn có cách tiếp cận khách hàng riêng. Mỗi lần dừng xe tại một khu dân cư, chị thường chọn một nhà dân ở khu vực trung tâm, có khoảng sân rộng để nhờ địa điểm, rồi đến từng nhà mời chào khách ra xem quần áo.

Quần áo chị bán phục vụ đa dạng người mặc, song khách hàng của chị thường là phụ nữ, người già và trẻ em. Ðể thu hút khách hàng, chị Hoàn cũng có “chiến lược” riêng cho mình: “Vì là hàng bán cho bà con ở các khu vực khó khăn nên tôi thường nhập của các công ty ở Việt Nam, vừa bền, vừa đẹp, mà giá thành lại thấp, phù hợp túi tiền họ. Cũng có lúc tôi đi chặng đường khá xa và vất vả, mà đến nơi họ cứ lật giở xem xong lại không mua. Lý do họ đưa ra thường là không có tiền. Lúc ấy mệt thật, nhưng tôi không bực, chỉ bảo họ hôm khác mình lại vào, có tiền thì nhớ mua nhé!”.

Ða phần người dân vùng cao hiện nay vẫn sống nhờ mảnh nương, thửa ruộng hoặc con lợn, con gà. Bởi vậy, nhiều khi người bán hàng rong cũng gặp phải những hoàn cảnh trớ trêu, khi người dân mua hàng nhưng không trả bằng tiền, mà mang nông sản, vật nuôi ra đổi. Và thường thì những người bán hàng rong không tỏ ra khó chịu, mà tranh thủ luôn cơ hội để một công đôi việc, tức là mang hàng từ ngoài vào bản đổi lấy nông sản ra ngoài bán. Vô tình, đó trở thành một cách lưu thông hàng hóa đầy thú vị, như một kênh tiêu thụ nông sản cho người dân.

Dẫu với hình thức nào, thì điều quan trọng nhất của mỗi người bán hàng rong ở đây không phải là sự toan tính hay những mánh khóe, mà là xây dựng niềm tin. Mà niềm tin chỉ được hình thành trên nền tảng của sự chân thật. “Dân bản thì đa phần là mộc mạc, thật thà, nên sự cởi mở, chân thành, gần gũi và đặc biệt là chữ tín rất quan trọng. Nếu gian dối hoặc tham lam, bán giá cao thì chỉ được 1 lần, sau đó họ sẽ tẩy chay. Vì người mua nhiều, nhưng người bán như chúng tôi cũng không ít, họ có quyền so sánh và lựa chọn” - chị Hoàn tâm sự.

Nếu đã từng rong ruổi trên những cung đường vùng cao, ai trong mỗi chúng ta ít nhiều cũng vài lần bắt gặp hình ảnh những xe hàng rong như của ông Thăng, chị Hoàn. Vì mưu sinh mà người bán hàng rong phải quên đi những giọt mồ hôi ướt đầm vai áo, quên đi những ngày mưa tầm tã, quên cả cái nắng cháy da. Thế nhưng, từ trong chính những điều tưởng chừng nhọc nhằn ấy, họ vẫn tìm được cho mình những niềm vui riêng, và ngược lại cũng đã đem đến không ít điều ý nghĩa và giá trị cho mỗi phận người, cuộc đời.

Nếu như ở các thành phố lớn, bán hàng rong đã và đang là bài toán khó đối với ngành chức năng, khi mà nó mang đến nhiều rắc rối, phức tạp liên quan đến các vấn đề trật tự đô thị, hành lang an toàn giao thông… Trong khi đó ở nhiều bản làng vùng cao, họ lại được xem như “chợ di động” hữu ích, không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng cho bà con, mà đã gắn liền và trở thành một nét đặc trưng… Ðể rồi, mỗi sớm mai thức dậy, những người dân vùng cao lại không quên chờ đón hình ảnh chiếc xe hàng, với nào thịt, nào cá, trứng… và tiếng cười giòn vang đến từng nhà.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top