Phía sau mỏ vàng “chết”

Kỳ 2: Âm ỉ đến bao giờ?

08:42 - Thứ Tư, 29/05/2019 Lượt xem: 11708 In bài viết

ĐBP - Mỏ vàng Háng Trợ ở vị trí án ngữ ngay đầu nguồn dòng Khó Sâu - con suối chảy qua địa phận của hàng loạt bản thuộc xã Phì Nhừ, như: Cồ Dề A, Cồ Dề B, Nà Ngựu… Do vậy, thủy ngân sau khi sử dụng để tách vàng cứ thế xuôi theo dòng về tận phía hạ nguồn, rồi ngấm vào trong đất, và trở thành mối đe dọa cho mọi sinh hoạt, sản xuất của hàng trăm hộ dân, hàng nghìn nhân khẩu. Bao giờ đất, nước ở Phì Nhừ được trả lại như hiện trạng ban đầu hiện vẫn là câu hỏi lớn dành cho các cấp, ngành liên quan.

 

Công an huyện Ðiện Biên Ðông tuyên truyền, vận động người dân không khai thác vàng trái phép tại bản Phì Nhừ A, xã Phì Nhừ.

Công ty Cổ phần công nghiệp MOLYBDEN là đơn vị duy nhất được UBND tỉnh ký quyết định cho phép khai thác vàng tại điểm mỏ Háng Trợ. Cho đến thời điểm “chạy làng” (năm 2016), công ty đã trải qua 2 lần được UBND tỉnh cấp phép. Lần 1, tại Quyết định số 98/QÐ-UBND, có thời hạn 5 năm (từ tháng 1/2008 - 1/2013), khai thác trên diện tích 20ha, công suất 14.000 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 350kg vàng/năm); lần 2, UBND tỉnh tiếp tục ký Quyết định số 563/QÐ-UBND, gia hạn thêm 15 năm cho công ty khai thác vàng trên diện tích 20ha, với công suất 1.264 tấn quặng nguyên khai/năm (tương đương 10,83kg vàng/năm). Kèm theo đó là những cam kết chặt chẽ về việc đảm bảo các vấn đề liên quan đến môi trường.

Tuy nhiên, cam kết và thực tế là 2 câu chuyện hoàn toàn khác nhau. Chưa hết thời gian cấp phép lần 2 (2013 - 2028), MOLYBDEN đã tháo chạy khỏi địa bàn hoạt động không lý do, bỏ lại sau đó là hàng loạt hệ lụy cho môi trường của người dân khu vực lân cận. Câu chuyện về việc giải quyết những hậu quả mà công ty này để lại đã được đưa ra luận bàn sôi nổi, nhất là tại kỳ họp HÐND tỉnh diễn ra cuối năm 2016. Trả lời chất vấn tại kỳ họp này, ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: “Công ty MOLYBDEN trước khi rời đi đã nộp cho chính quyền địa phương hơn 400 triệu đồng để khắc phục môi trường”. Song hơn 400 triệu đồng và bài toán “khắc phục môi trường” cho một bãi hoang rộng tới gần 40ha, dường như là một bài toán khó không có lời giải.

Sau nhiều cuộc họp bàn khác nhau, đến năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành 2 Quyết định số 578/QÐ-UBND và 579/QÐ-UBND về việc thu hồi đất, chấm dứt hiệu lực giấy phép khai thác khoáng sản vàng của Công ty MOLYBDEN tại điểm mỏ Háng Trợ. Ðây là một thông tin đáng mừng, với rất nhiều kỳ vọng cho chính quyền và người dân địa phương. Theo đó, tỉnh tiến hành thu hồi toàn bộ gần 40ha đất cho thuê tại vị trí trên, đồng thời yêu cầu trong vòng 6 tháng, công ty phải di chuyển tài sản còn lại ra khỏi khu vực khai thác và thực hiện các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Trao đổi về vấn đề này, ông Bùi Ngọc La, Chủ tịch UBND huyện Ðiện Biên Ðông chia sẻ: “Với quyết định đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ, UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện dự án này, còn UBND huyện Ðiện Biên Ðông là cơ quan phối hợp. Trong thời gian chờ cơ quan tài nguyên thực hiện các thủ tục đóng cửa mỏ, huyện có trách nhiệm đảm bảo an ninh trật tự và quản lý chặt chẽ các hoạt động khai thác, đào, đãi vàng trái phép. Từ đó đến nay huyện đã thực hiện rất nhiều biện pháp, như: Giao Công an huyện, cấp ủy, chính quyền xã Phì Nhừ tăng cường tuần tra, kiểm soát, quản lý nhân khẩu, tuyên truyền nhân dân, đặc biệt là phát hiện các đối tượng ở nơi khác đến xâm nhập, khai thác vàng trái phép. Một tổ công tác đặc biệt của Công an huyện được bố trí tại xã, túc trực thường xuyên để nắm bắt và giải quyết tức thời các vấn đề nảy sinh”.

Mọi nỗ lực đã có hiệu quả nhất định, khi mà cho đến thời điểm hiện tại chưa ghi nhận vụ việc nào nổi cộm phát sinh liên quan đến an ninh trật tự tại khu vực mỏ. Song thẳng thắn nhìn nhận, ông Bùi Ngọc La cũng phải thừa nhận: “Trên thực tế vẫn tiềm ẩn rất nhiều vấn đề phức tạp. Không thể tránh khỏi những trường hợp bất chấp, cố tình khai thác “chui”, khi mà mỏ vẫn cứ để “treo” như vậy”.

Mặc dù theo đánh giá của lực lượng chức năng, sau nhiều năm khai thác, trữ lượng vàng tại đây đã không còn, song mỏ vàng Háng Trợ vẫn có “sức hút ảo” với nhiều người ở xa, người nghèo muốn tìm kiếm vận may… Thực tế, từ thời điểm UBND tỉnh có quyết định đóng cửa mỏ đến nay, Công an huyện ghi nhận 2 người thiệt mạng do sạt lở đất trong quá trình khai thác vàng “chui”. “Chúng tôi vẫn tiếp tục nỗ lực, với trách nhiệm của mình. Song nếu để kéo dài thì thật sự khó khăn. Ðiều mong mỏi nhất hiện nay là tỉnh sớm triển khai thúc đẩy tiến độ dự án đóng cửa mỏ, bàn giao lại mặt bằng cho huyện hoặc tổ chức nào đó tiến hành trồng cây xanh, khoanh vùng để bảo vệ rừng. Nếu như không làm được việc đó thì vấn đề đảm bảo an ninh trật tự tại đây rất khó khăn và quần chúng nhân dân cũng không yên tâm lao động sản xuất, nhất là mỗi khi mùa mưa tới” - Thượng tá Hoàng Văn Hải, Phó trưởng Công an huyện Ðiện Biên Ðông nhận định.

Trong khi dự án đóng cửa mỏ vàng Háng Trợ vẫn “giậm chân tại chỗ”, thì những nguy cơ mất an ninh trật tự và hiểm họa về an toàn tính mạng cũng như môi trường sống, sản xuất của người dân ở Phì Nhừ tiếp tục bị đe dọa mỗi ngày. Chủ trương và phương án để giải quyết những vấn đề nêu trên đều đã có, việc cần nhất hiện nay đó là sự quyết liệt và trách nhiệm từ cơ quan chức năng để sớm thực thi, tránh những hệ lụy đáng tiếc. Bởi thời gian không chờ đợi bất cứ ai!

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top