Mạch nguồn Nậm Rốm

09:00 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 12651 In bài viết

ĐBP - Sông Nậm Rốm là phụ lưu của sông Mê Kông, bắt nguồn từ phía Bắc của huyện Ðiện Biên, chảy qua TP. Ðiện Biên Phủ, qua cánh đồng Mường Thanh, xuôi về Pắc Nậm, chảy qua xã Pa Thơm rồi từ Pa Thơm con sông chảy sang nước Lào. Sông Nậm Rốm ngày xưa tại Mường Thanh trên bến dưới thuyền, các thương gia người Lào, người Việt buôn bán, giao thương rất tấp nập. Gạo của Mường Thanh, hàng thổ cẩm của người Thái được chở bằng thuyền theo con nước về bán tại kinh đô Luông Pra Băng (nước CHDCND Lào). Các sản vật của Lào như muối mỏ, hàng thủ công, cam Nậm Bạc cũng được chở bằng thuyền về bán tại chợ Mường Thanh. Con sông Nậm Rốm xưa là đường giao thương hàng hóa giữa Tây Bắc Việt Nam với một số tỉnh Bắc Lào.

 

Sông Nậm Rốm nhìn từ trên cao. Ảnh Petrotimes

Tại Ðiện Biên có nhiều con suối và dòng sông nhỏ đổ vào Nậm Rốm. Từ TP. Ðiện Biên Phủ ngược lên phía Bắc của dòng sông tới xã Nà Tấu, một thung lũng hẹp chung quanh là đồi, núi cao. Muốn đến thăm vùng đất đầu nguồn sông Nậm Rốm, chúng tôi đến xã Nà Tấu (huyện Ðiện Biên).

Chủ tịch UBND xã Giàng A Chợ tiếp đón chúng tôi và kể, đầu nguồn con sông bắt nguồn từ khu vực bản cháu ở, bản Hua Dốm. Những con suối nhỏ bắt nguồn từ dãy núi đằng sau bản, dãy núi này có độ cao đến gần 2.000m so với mực nước biển. Khu vực bản cháu ở ngày xưa có nhiều cây gỗ Mạy Dốm (cây gỗ lát). Vì thế nên bản cháu được các cụ đặt tên là bản Hua Dốm (bản đầu rừng cây gỗ lát). Nước từ các triền núi cao chảy xuống, ba bốn con suối nhỏ hợp thành con suối lớn ở đầu bản Hua Dốm nên con nước chảy từ bản Hua Dốm xuống cánh đồng Nà Tấu người ta gọi nó là Nậm Dốm lâu ngày nhiều người gọi Nậm Dốm chệch đi thành Nậm Rốm.

Con sông Nậm Rốm là nguồn cung cấp nước cho cánh đồng Nà Tấu, mỗi năm hai vụ. Tẻ thơm và nếp nương là hai giống lúa đặc sản của nơi đây, đủ nuôi sống người dân trong xã và còn dư để bán ra thị trường. Cuộc sống của bà con dân bản sống bên bờ sông ngày một no ấm. Bà con tích cực phát triển kinh tế gia đình, trên nương trồng ngô, sắn, giong riềng, trồng dứa, nuôi dê, nuôi bò. Nhiều hộ đào ao thả cá, nuôi vịt. Giống vịt Nà Tấu nổi tiếng thơm ngon. Ngày nay phố thị Nà Tấu ngày một đông vui, người mua kẻ bán nhộn nhịp. Nhiều hộ gia đình nắm bắt nhu cầu thị trường mở mang nghề phụ.

Khi đưa chúng tôi đi thăm khu rừng trồng trên địa bàn xã, Chủ tịch xã Giàng A Chợ nói, các chú thấy đấy, nhiều cánh rừng đã được chăm sóc, tái sinh, nhưng cánh rừng gỗ lát quí ngày xưa không còn nữa, nhiều quả đồi trọc bà con trồng lúa nương, trồng ngô đất cũng đã bạc màu, việc tăng cường độ mùn cho đất là rất khó khăn. Nếu như có dự án trồng lại rừng đầu nguồn, trồng lại rừng cây gỗ lát thì dòng Nậm Rốm chắc chắn không cạn như bây giờ.

 

Sông Nậm Rốm, đoạn chảy qua TP. Ðiện Biên Phủ.

Suối Mường Phăng là một phụ lưu đổ nước vào sông Nậm Rốm tại khu vực Nà Nhạn, bổ sung một lượng nước đáng kể cho sông Nậm Rốm. Suối Mường Phăng bắt nguồn từ những dãy núi cao sau khu Sở chỉ huy chiến dịch Ðiện Biên tại xã Mường Phăng, được các dòng suối nhỏ hòa dòng, chảy về sông Nậm Rốm đến khu vực rừng trúc cách trung tâm xã Mường Phăng khoảng 9km thì dòng nước được chặn lại bởi con đập. Hồ Pá Khoang công trình chứa nước đầu nguồn được xây dựng năm 1973, cách trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ khoảng gần 20km. Pá Khoang (theo tiếng địa phương là Rừng Trúc) là nơi tích nước, điều hòa nguồn nước cung cấp cho cánh đồng Mường Thanh.

Ông Trần Công Chính, nguyên là Phó giám đốc Công ty Thủy nông tỉnh. Trước đây ông trực tiếp phụ trách đội quản lý và khai thác cá hồ Pá Khoang. Ông kể, cá hồ Pá Khoang lớn nhanh, thịt thơm, rất ngon. Ông Chính đã cho một số công nhân về hồ Thác Bà học cách nuôi thả đánh bắt và khai thác nguồn lợi thủy sản của hồ.Mỗi năm có hàng trăm tấn cá được khai thác cung cấp cho thị trường. Khách du lịch lên Pá Khoang đều có thói quen mua cá mới bắt lên từ hồ, bơi thuyền ra đảo rồi nổi lửa, nướng cá cho bữa ăn ngoài trời bên các cánh võng, thảm cỏ.

Ðưa chúng tôi đi thăm hồ Pá Khoang, ông Chính vui vẻ nói: Ði theo con nước về sông Nậm Rốm còn có nhiều điều kỳ thú hơn đó là sự thay đổi từ dòng sông và sự nỗ lực của con người Ðiện Biên hôm nay. Hồ còn cung cấp nước cho một số nhà máy thủy điện. Từ con đập chắn nước của hồ Pá Khoang 5km thôi đã có hai thủy điện đó là thủy điện Pá Khoang, thủy điện Thác Trắng. 

Năm 1963, công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm được khởi công, một con đập bằng bê tông được xây lên, chắn ngang dòng Nậm Rốm, thu nước của dòng sông để đổ vào kênh chính rồi từ kênh chính nước được chia đều cho hai kênh tả, hữu đưa nước về cho đồng ruộng Mường Thanh. Nước về hàng trăm héc ta đất hoang hóa đã được cải tạo. Khi chưa có nước của kênh thủy nông cung cấp, cánh đồng Mường Thanh hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời nên chỉ cấy được một vụ, sản lượng rất thấp chỉ được 1 đếm 2 tấn/ha/vụ. Có nước về, có giống lúa mới, phương thức canh tác của bà con nông dân được đổi mới, nhiều thửa ruộng được áp dụng kỹ thuật gieo thẳng ở các xã khu vực lòng chảo Mường Thanh: Thanh Xương, Thanh An, Thanh Yên, Thanh Hưng có nhiều cánh đồng đạt 5 tấn rồi 7 tấn/ha/vụ. Con sông Nậm Rốm đã mang lại sự đổi đời cho người dân đôi bờ góp phần tạo ra hạt gạo Ðiện Biên thơm ngon, trở thành thương hiệu  được biết đến rộng rãi trong cả nước.

Những cây cầu mới được xây, bắc ngang dòng Nậm Rốm tạo thuận lợi cho việc đi lại giao thương giữa đôi bờ đồng thời nó cũng làm tăng thêm vẻ đẹp huyền ảo của dòng sông mỗi khi chiều buông. Hai bên bờ sông Nậm Rốm là bát ngát những đồng ngô, mía xanh tốt. Từ khu vực cầu Pá Nậm, đứng ở ngã ba sông Nậm Núa đổ vào Nậm Rốm nhìn cánh đồng Mường Thanh thấy một màu xanh biếc của ngô sắp đến vụ trổ cờ.

Nghe nói sẽ có cuộc gặp mặt của những người thanh niên xung phong, những người công nhân tình nguyện ngày trước lên Ðiện Biên làm hồ Pá Khoang, làm công trình Ðại thủy nông Nậm Rốm, những người lên Ðiện Biên trồng rừng. Tôi nghĩ nếu có sự kiện này thì thật là ý nghĩa, đây là việc làm tri ân và giáo dục con cháu chúng ta yêu mảnh đất này hơn.

Bên dòng Nậm Rốm hiền hòa ấy, bao bản làng đã “thay da đổi thịt”, vươn lên với diện mạo mới. Dù trải qua bao thăng trầm của thời gian nhưng Nậm Rốm vẫn luôn là mạch nguồn, hơi thở nuôi sống vùng đất này. Mời bạn hãy một lần lên thăm Ðiện Biên, xuôi dòng Nậm Rốm...


Tiến Bình
Bình luận
Back To Top