Nhiều địa phương thiếu lao động trẻ

09:03 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 10266 In bài viết

ĐBP - Do sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp, thiếu việc làm... nên thời gian qua nhiều lao động trẻ ở các vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh đã “ly hương” đến các khu công nghiệp, thành phố lớn tìm việc làm. Chọn giải pháp đi làm ăn xa cũng đã giúp nhiều gia đình nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Tuy nhiên, phía sau câu chuyện lao động ồ ạt xa xứ đã có những vấn đề tác động đến nguồn nhân lực, nền kinh tế địa phương.

 

Hiện nay, trên địa bàn xã Xa Dung (huyện Ðiện Biên Ðông) nhiều lao động trẻ đi làm việc ngoài tỉnh, ở nhà chỉ còn lại người già, phụ nữ và trẻ em.

Mường Lói (huyện Ðiện Biên) là xã vùng cao điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, đất sản xuất thiếu. Vì vậy, những năm gần đây nhiều lao động, đặc biệt là thanh niên đã tìm đến các thành phố lớn, khu công nghiệp với khát vọng đổi đời. Anh Vì Văn Thời, cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động - việc làm xã Mường Lói cho biết: Tình trạng lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp, thành phố lớn, như: Thái Nguyên, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng… thời gian qua có chiều hướng gia tăng; thậm chí, nhiều học sinh, sinh viên đang học cũng bỏ học để đi làm. Hiện nay, toàn xã có gần 2.300 nhân khẩu, trong đó hơn 1.900 người trong độ tuổi lao động, chiếm 80% tổng dân số. Thế nhưng, tỷ lệ lao động trẻ ở địa phương rất ít (khoảng 30%). Các bản như: Co Ðứa, Huổi Không… có đến 90% là người già, trẻ em. Vì vậy, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế của địa phương.

Còn tại xã Tìa Dình (huyện Ðiện Biên Ðông), thời điểm này đang bước vào mùa làm nương, song cũng phần lớn dân cư sinh sống tại địa bàn là người già và trẻ em. Như nhiều địa bàn khác, thanh niên trong xã gặp không ít khó khăn trong việc lập nghiệp tại quê nhà, nên hầu hết đi tìm việc làm xa. Ông Tráng A Dia, Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: Theo thống kê, toàn xã có 538 hộ với 3.442 nhân khẩu. Những năm qua, nhiều thanh niên trong xã đã rời quê hương đến các thành phố lớn tìm việc. Có bản gần như 100% thanh niên “ly hương”. Phần lớn lao động đi làm việc tại các khu công nghiệp đều thuộc những gia đình ít đất sản xuất, thiếu việc làm, thu nhập bấp bênh. Theo thống kê, hơn 50% lao động trẻ của xã đã đi làm việc có tổ chức và không có tổ chức tại các khu công nghiệp, thành phố lớn. Vì vậy, thiếu hụt lực lượng lao động chính; hiệu quả, năng suất sản xuất nông nghiệp không cao.

Ông Bùi Xuân Thức, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Toàn huyện có gần 38.000 người trong độ tuổi lao động, chiếm 58% tổng dân số. Năm 2018 huyện có hơn 1.300 lao động đi làm việc trong nước và nước ngoài, chưa kể số lao động đi làm không có tổ chức, lao động tự do. Vì vậy, lực lượng lao động địa phương ngày càng thiếu, đặc biệt là lao động trẻ. Theo thống kê sơ bộ, hiện nay lao động trẻ sinh sống và làm việc trên địa bàn huyện chiếm tỷ lệ thấp, khoảng gần 40% tổng số lao động trên địa bàn. Nguyên nhân do sản xuất nông nghiệp mang tính mùa vụ, rủi ro cao. Nếu làm phép so sánh, 1 lao động nông nghiệp ở nông thôn thu nhập khoảng 4 - 5 triệu/tháng, nhưng chủ yếu là lao động thời vụ, không thường xuyên; bình quân chỉ làm được 4 - 5 tháng/năm. Ngược lại, tại các khu công nghiệp thì họ có việc làm quanh năm và thu nhập ổn định hơn ở quê làm nông nghiệp. Ðây là nguyên nhân cốt lõi khiến người lao động nông nghiệp hiện nay không đầu tư sản xuất nông nghiệp mà luôn theo đuổi việc làm ở các ngành nghề khác.

Lao động rời quê đi làm ăn xa đang là tình trạng chung tại nhiều xã, huyện khác trên địa bàn tỉnh, nhất là những xã ít ruộng đất và nghề phụ không phát triển. Bên cạnh những mặt tích cực thì việc lao động trẻ ồ ạt rời quê đi làm ở các thành phố lớn vẫn còn đó nhiều điều trăn trở, đặc biệt là với những người ở quê nhà. Ðó là những người già vừa phải thay bố mẹ chăm sóc các cháu, vừa phải lao động để cáng đáng việc nhà, việc nương; những đứa trẻ thiếu vắng bàn tay chăm sóc của cha mẹ... Gia đình ông Lò Văn Ơn, bản Huổi Múa B, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) có 2 người con đi lao động tại khu công nghiệp ở tỉnh Thái Nguyên gần 4 năm nay. Hiện chỉ còn 2 vợ chồng ông ở nhà chăm cháu ngoại, cháu nội. Mỗi năm các con của ông chỉ về thăm cháu được 1 lần.

Làng quê vắng bóng thanh niên, lực lượng lao động nông nghiệp hiện nay phần lớn là người lớn tuổi và trẻ em. Ðiều này làm hiệu suất sử dụng đất ngày càng suy giảm, ruộng nương dần hoang hóa. Hiện nay, tại một số xã vùng cao của các huyện Ðiện Biên Ðông, Nậm Pồ, Mường Nhé, Tủa Chùa… nhiều diện tích ruộng chỉ sản xuất một vụ bởi thiếu lao động.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top