Nặm Chan 1 nghèo đến bao giờ?

09:14 - Thứ Năm, 30/05/2019 Lượt xem: 9973 In bài viết

ĐBP - Biết chúng tôi có ý định đến bản Nặm Chan 1, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng), đồng chí cán bộ văn hóa xã nói như một lời cảnh báo: “Vất vả lắm đấy nhà báo à! Ðường vào Nặm Chan 1 khó đi lắm! Có đoạn ngẩng đầu lên chạm vách vúi, cúi xuống, sẩy chân là rơi xuống vực như chơi…”.  Nhưng với sự quyết tâm cao, sẵn sàng cho hành trình từ mấy hôm trước nên chúng tôi vẫn không từ bỏ “mục tiêu”.

Ðường vào Nặm Chan 1 ngoằn ngoèo với những con dốc nhấp nhô chẳng khác nào lưng lạc đà, thi thoảng lại có những vũng trâu đằm tạo thành hõm sâu giữa đường, chiếc xe máy của chúng tôi nhảy liên tục như một con ngựa không biết nghe lời chủ nhân. Sau hơn 2 giờ đồng hồ vật lộn với đoạn đường, cuối cùng chúng tôi cũng đến được bản Nặm Chan 1. Những căn nhà gỗ thấp, mái lợp tranh dựng lên giữa nền đất khô cằn, thiếu vắng màu xanh của cây cỏ, ruộng vườn; những đứa trẻ nheo nhóc, quần áo lấm lem, đầu trần, chân đất vô tư lăn lộn, chạy nhảy trong cái nắng như muốn đốt cháy da thịt. Ðã nghe chuyện Nặm Chan 1 là bản nghèo nhất của xã Mường Ðăng, nhưng quả thật có chứng kiến tận mắt mới hiểu hết cái nghèo, cái khó nơi đây.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà tranh cũng chẳng có nhiều khác biệt so với hàng chục ngôi nhà khác trong bản, anh Lý A Dìa, Trưởng bản Nặm Chan 1 cho biết: Bản có 57 hộ, 328 nhân khẩu đều là dân tộc Mông, nhưng có tới 54 hộ nghèo và 20 trường hợp nghiện ma túy. Cá biệt có gia đình cả vợ chồng đều nghiện ma túy. Cũng vì thế mà có gia đình không nuôi nổi con nên phải cho con đi làm con nuôi ở bản khác.

Người dân bản Nặm Chan 1 sống chủ yếu dựa vào nương rẫy, thu hoạch bấp bênh do phụ thuộc vào thời tiết, mùa khô thiếu nước nghiêm trọng nên đói nghèo luôn đeo bám. “Bản mình thiếu đói nhất là từ tháng 6 đến tháng 9, vì bà con chỉ trồng được 1 vụ lúa. Nhà nước quan tâm nhiều chứ, nhưng mà vẫn đói thôi, cũng không biết tại sao nữa mà...” - Trưởng bản Lý A Dìa chia sẻ.

Thời gian qua, với các chương trình, dự án: 30a, 135, chương trình xây dựng nông thôn mới, bản Nặm Chan 1 được quan tâm, hỗ trợ khá nhiều cây trồng, vật nuôi, phương tiện sản xuất, như: thảo quả, xoài, bò giống, máy tuốt lúa, máy xay xát... Tuy nhiên, cuộc sống người dân không mấy đổi thay. “Sau 8 năm được hỗ trợ, đến nay cả bản Nặm Chan 1 chỉ còn lác đác vài cây xoài, có hộ chả còn cây nào. Còn đối với thảo quả, không biết do khí hậu không hợp hay tại vì trồng chưa đúng cách mà không có hộ nào được thu hoạch, bây giờ thì cũng mất luôn cả giống” - ông Lý A Dìa cho biết thêm.

Ở bản Nặm Chan 1 có những người dù tuổi còn trẻ nhưng gầy gò, da bọc xương, nhà cửa tuềnh toàng. Theo như lời một đồng chí cán bộ xã Mường Ðăng thì nguyên nhân chính là do lười lao động, còn trông chờ ỉ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Ðiều này cũng thể hiện rõ qua 4 cái bể nước mà bản được đầu tư từ Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc (Dự án WB), giai đoạn 2010 - 2015. Ðến nay, chỉ còn 2 bể có nước, còn lại trong tình trạng cạn khô do đường dẫn nước về bể đã hỏng, ống nước han gỉ.

Cùng trưởng bản đến một gia đình đã định cư nhiều năm. Phải cúi người chúng tôi mới bước được vào bên trong ngôi nhà gỗ nhỏ thấp và tạm bợ. Tài sản lớn nhất mà chúng tôi ghi nhận được tại gia đình này có lẽ là mấy bao thóc được xếp chồng lên nhau. Chủ căn nhà anh Lý A Minh cho biết: “Ðây là số thóc thu hoạch được của vụ trước và cũng là nguồn lương thực cho 9 miệng ăn đến mùa vụ tới. Năm được mùa thì cũng tạm đủ ăn, nhưng năm vừa rồi mất mùa nên sẽ thiếu đói, đứt bữa”. Bữa cơm của gia đình anh Minh chỉ có gạo đỏ, bát nước canh và muối ớt. Nói về hướng thoát nghèo trong tương lai, anh Lý A Minh lắc đầu: “Thoát nghèo thế nào được, có ăn là may lắm rồi, giờ cứ làm thế này thôi, phát triển sao được nữa”. Cũng như gia đình anh Minh, một số hộ trong bản cho rằng, đất nương khai hoang không tốt khiến cây trồng kém phát triển, năng suất thấp. Thậm chí có hộ bỏ hoang vườn  nương không chăm sóc nữa.

Bao nhiêu chủ trương, kế hoạch của chính quyền các cấp nhằm giúp người dân Nặm Chan 1 thoát nghèo, vậy mà hiệu quả không như mong muốn. Bên cạnh tư tưởng trông chờ, ỉ lại của người dân, thì còn một nguyên nhân khiến Nặm Chan 1 khó thoát nghèo là do diện tích canh tác lúa nước ít. Bản chưa có điện, lại sống tách biệt, xa trung tâm, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến việc trao đổi, mua bán nông sản và tiếp cận văn hóa, nâng cao trình độ dân trí của người dân.

Nói về tìm hướng thoát nghèo cho người dân Nặm Chan 1, ông Quàng Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Ðăng trăn trở: “Bà con nghèo, đói thì xã quan tâm hỗ trợ, nhưng hỗ trợ nhiều thì họ ỉ lại; động viên, hướng dẫn lao động sản xuất mãi vẫn không chuyển biến. Chúng tôi cũng cảm thấy bất lực và chưa thấy có bản nào khó thoát nghèo đến vậy. Thời gian tới xã sẽ phối hợp với các đoàn thể vào cuộc quyết liệt hơn, nhất là tác động sâu vào ý thức, tư tưởng của bà con; cử cán bộ “cắm” bản, xây dựng một số mô hình sản xuất thật sự hiệu quả”.

Tú Anh
Bình luận
Back To Top