Giảm thiểu sử dụng túi nilon

Thay đổi thói quen vì cuộc sống xanh

08:15 - Thứ Tư, 05/06/2019 Lượt xem: 11050 In bài viết
ĐBP - Rau củ, hoa quả, đồ ăn sẵn, quần áo, giày dép… bất cứ thứ gì cũng có thể được đựng trong túi nilon. Từ nhà ra phố, siêu thị, công sở, xung quanh chúng ta, đâu đâu cũng thấy sử dụng và xả rác nilon. Từ khi nào, việc sử dụng túi nilon đã trở nên quen thuộc, gắn liền với mọi hoạt động hàng ngày. Mặc dù vậy, đã là thói quen, dù khó đến mấy đều có thể thay đổi hoặc xóa bỏ nếu chúng ta thực sự cố gắng vì một môi trường sống xanh, cùng gìn giữ trái đất cho thế hệ mai sau.

 

Cửa hàng bánh mì Ssport sử dụng túi giấy để đựng hàng cho khách thay thế túi nilon.

Sử dụng tràn lan túi nilon

Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi nilon được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên túi nilon có rất nhiều tác hại. Ngoài việc túi có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng nếu lạm dụng đựng đồ ăn, đặc biệt là thức ăn nóng, thì nilon còn rất nguy hại đối với môi trường bởi tính chất khó phân hủy trong điều kiện tự nhiên, thời gian phân hủy có thể kéo dài từ 500 đến 1.000 năm nếu không bị tác động của ánh sáng mặt trời. Túi nilon lẫn vào đất có thể làm thay đổi tính chất vật lý của đất, gây xói mòn, ảnh hưởng đến sinh trưởng của cây trồng; rác thải từ túi nilon tạo thành nhiều ổ dịch bệnh; nếu đốt túi nilon sẽ sinh ra những khí cực độc gây nhiều bệnh nghiêm trọng cho con người... Tác hại nhiều là thế nhưng nhu cầu sử dụng túi nilon ở nước ta hiện vẫn đang rất lớn. Theo thống kê chưa đầy đủ, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5 - 7 túi nilon/ngày. Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Tại tỉnh ta, trung bình mỗi ngày Công ty Cổ phần Môi trường đô thị và xây dựng tỉnh (phụ trách vệ sinh gần 70km đường trong TP. Ðiện Biên Phủ) thu gom khoảng 48 tấn rác thải, trong đó có nhiều túi nilon đã qua sử dụng.

Khảo sát tại tỉnh ta, việc sử dụng túi nilon cũng đã trở thành một thói quen của nhiều người. Từ những mặt hàng bình dân nhất như quả cà, con cá, mớ rau... đến những vật dụng quần áo, giày dép... đều được bọc gói bằng túi nilon. Và thông thường những chiếc túi ấy được vứt đi ngay sau một lần sử dụng. Tại 1 cửa hàng rau xanh nhỏ trong chợ xép đầu đường Sùng Phái Sinh, phường Tân Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ), khi được hỏi về việc mỗi tháng sử dụng hết bao nhiêu túi nilon đựng hàng cho khách, chị Hồng - chủ cửa hàng cho biết: “Nhà chị không tính được đâu em ơi, nhiều khách chỉ mua 1 quả chanh hoặc vài quả ớt cũng lấy 1 chiếc túi nilon. Nếu mình không đưa thì nhiều người không hài lòng, bán hàng mà, phải chiều ý khách thôi”. Rồi chị chỉ đống túi nilon đủ loại kích cỡ để sẵn bên cạnh: “Chị vừa nhập 7 - 8kg túi, chắc dùng được 1 tháng là cùng”. Tại Bách hóa Thanh Luông (xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên) với doanh thu 8 - 10 triệu đồng/ngày, chủ cửa hàng cho biết: Mỗi tháng dùng hết gần 10kg túi nilon để đựng hàng hóa bán lẻ cho khách, ngoài ra còn nhiều người dân và cửa hàng khác mua túi theo cân, số lượng này có thể gấp 2 - 3 lần nữa.

Ðể giảm thiểu rác thải nguy hại cho môi trường, có nhiều loại túi nilon sinh học tự phân hủy đã được phát minh và bán rộng rãi trên thị trường. Ngày Môi trường thế giời hàng năm được phát động tại tỉnh ta cũng thường có hoạt động phát túi nilon tự phân hủy cho các hộ kinh doanh, buôn bán tại một số điểm chợ trung tâm, đặc biệt là năm 2018 với chủ đề “Giải quyết ô nhiễm nhựa và nilon”. Nhưng sau đó, việc sử dụng loại túi này còn rất hạn chế. Người mua không nhiều nên người bán cũng ít. Tìm mua túi nilon tự phân hủy tại các đại lý chuyên các loại túi nilon trong chợ Trung tâm I, TP. Ðiện Biên Phủ - khu thương mại lớn nhất tỉnh cũng không dễ dàng. Tại đại lý Sinh Ngà chỉ có duy nhất 1 loại túi tự phân hủy, là dạng túi to để đựng rác thải, chủ cửa hàng chia sẻ: “Tôi nhập loại túi này cũng đã lâu rồi về bán thử nhưng không có người mua nên chủ yếu gia đình dùng, giờ cũng không nhập thêm nữa. Giá loại túi này chênh lệch 5.000 - 10.000 đồng/kg so với loại thông thường”. Trong các siêu thị trên địa bàn cũng đã lên kệ loại túi tự phân hủy nhưng không đa dạng và số lượng không nhiều.

Thói quen dù khó vẫn có thể thay đổi

Ðể thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của người dân là điều rất khó, mất nhiều thời gian nhưng không phải không thể. Ðiều đó cần bắt đầu từ thay đổi nhận thức về tác hại và ý thức sử dụng túi nilon của mọi người dân. Từ sự thay đổi của mỗi cá nhân dần sẽ thay đổi cả cộng đồng. Chị Vũ Thị Thanh, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) chia sẻ: Nhà tôi mỗi lần đi chợ cũng phải dùng đến 5 - 7 chiếc túi nilon, sau đó nếu vứt đi thì cũng rất tiếc và ảnh hưởng môi trường. Vì vậy, tôi thường cố gắng đựng chung đồ trong 1 túi nếu có thể để giảm số túi, bảo quản thực phẩm tại gia đình bằng hộp và tùy từng loại sẽ sử dụng túi thủy phân để đựng.

Trên địa bàn tỉnh ta thời gian gần đây đã có nhiều cửa hàng bán đồ ăn nhanh đựng thực phẩm cho khách mang đi bằng túi giấy. Ðây cũng là xu hướng được hưởng ứng nhiệt tình ở nhiều địa phương. Cửa hàng bánh mì Ssport, tổ 15, phường Mường Thanh (TP. Ðiện Biên Phủ) khai trương cửa từ đầu năm 2019, sử dụng túi giấy để đựng bánh cho khách. Anh Nguyễn Hồng Sơn, nhân viên cửa hàng cho biết: “Giá thành túi giấy 300 đồng/chiếc và phải đặt in túi từ nơi khác chuyển lên, trong khi túi nilon chỉ 40.000 - 45.000 đồng/kg (khoảng 300 chiếc túi). Mặc dù dùng túi giấy tốn chi phí hơn nhưng vì mục tiêu dần thay đổi thói quen sử dụng túi nilon của một bộ phận người dân nên khi hoạt động, cửa hàng chúng tôi hoàn toàn sử dụng túi giấy đựng bánh, kiên quyết không bọc thêm túi nilon cho khách trừ những trường hợp đặc biệt như trời mưa mà khách không có chỗ cất giữ bánh đảm bảo. Còn khi đi giao hàng thì đều cho túi bánh vào các hộp lớn để đưa đến tay từng khách hàng”. Sau khi trao đổi chúng tôi ra về, một bạn gái nhân viên quán còn nhắn nhủ thêm “Hẹn chị năm sau, em đang có ý tưởng tương tự về sử dụng sản phẩm tái chế để góp phần hạn chế rác thải, giảm ô nhiễm môi trường”. Nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm với nhận thức cao về môi trường của các bạn trẻ làm chúng tôi thấy vui lây và hào hứng chờ đợi.

Nhìn rộng ra toàn quốc, những tấm lá chuối gói rau, củ quả thay thế túi nilon đã xuất hiện trong nhiều hệ thống siêu thị từ Bắc vào Nam; tại TP. Hồ Chí Minh hiện có khoảng trên 80% các siêu thị lớn, trung tâm thương mại, hệ thống nhà sách đang sử dụng loại túi thân thiện môi trường; tại Hội An, nhiều hàng quán chỉ bán khi khách mang theo túi vải hoặc đồ đựng sẵn và thường xuyên diễn ra các phiên chợ sinh thái; các sạp hàng tại một ngõ nhỏ quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) đang trưng biển “Tui bán rau/thịt, không bán túi nilong”… và nhiều địa phương, tổ chức, cá nhân khác đang cùng nhau hướng đến cuộc sống xanh, hạn chế rác thải nilon. Còn bạn thì sao?

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top