Làm lại cuộc đời

08:58 - Thứ Tư, 05/06/2019 Lượt xem: 11048 In bài viết
ĐBP - Quỹ hoàn lương được thành lập nhằm vận động sự đóng góp tài chính, vật chất của các tổ chức, cá nhân cho công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh; đồng thời tạo điều kiện cho họ vay vốn để sản xuất, kinh doanh, ổn định cuộc sống, không tái phạm tội và vi phạm pháp luật. Từ khi được thành lập đến nay, Quỹ hoàn lương đã giải quyết cho nhiều trường hợp chấp hành xong án phạt tù được vay vốn, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống.


Nhờ quỹ hoàn lương, chị Quàng Thị X., bản Huổi Tao C, xã Pú Nhi, huyện Ðiện Biên Ðông đã có vốn để phát triển chăn nuôi, ổn định cuộc sống.

Anh Nguyễn Ðức T., khối 10, thị trấn Mường Ảng (huyện Mường Ảng), xúc động nhớ lại: Trước đây do không tu chí làm ăn, suy nghĩ nông cạn, nghe theo kẻ xấu buôn ma túy để giàu có, đổi đời nhanh. Giấc mộng làm giàu bằng con đường phi pháp chưa thành thì anh T. bị công an bắt giữ, và bị tòa án xét xử, tuyên phạt 3 năm tù giam về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trở về địa phương sau thời gian chấp hành án phạt tù với quyết tâm tu chí, làm ăn lương thiện, nhưng anh T. gặp vô vàn khó khăn, muốn làm gì cũng không có vốn, bản thân cũng chưa dám và chưa đủ tự tin để vay mượn tiền của ai. Rất may, đầu năm 2018, anh Nguyễn Ðức T. được Công an huyện Mường Ảng duyệt cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Có vốn anh mạnh dạn đầu tư máy xay xát, chăn nuôi lợn; đồng thời vào các trang trại thu mua nông sản, cà phê. Ðến nay, sau hơn một năm tích cực chăn nuôi, kinh doanh, anh Nguyễn Ðức T. đã có cuộc sống ổn định, mở rộng phát triển sản xuất, mở rộng vốn kinh doanh.

Cũng là một người từng phạm lỗi lầm, muốn làm giàu nhanh bằng con đường buôn ma túy, anh Phạm Tuấn K., thị trấn Tủa Chùa (huyện Tủa Chùa) bị bắt và tòa án tuyên phạt 7 năm tù giam. Sau thời gian cải tạo, anh được tha tù và làm lại cuộc đời với hai bàn tay trắng. Anh K. loay hoay, phần vì còn mặc cảm với bản thân, gia đình, xã hội, phần vì không có vốn để sản xuất. Nhưng may mắn đã mỉm cười với anh khi được Công an huyện Tủa Chùa xét duyệt cho vay 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Từ nguồn vốn đó, anh Phạm Tuấn K. đã đầu tư máy móc, vật liệu phục vụ cho việc kinh doanh, làm khung nhôm, cửa kính, tạo công ăn việc làm cho bản thân, gia đình và một số người thân. Nhờ tích cực làm ăn bằng sức lao động chân chính, mô hình phát triển khung nhôm, cửa kính của anh K. đã đem lại hiệu quả, thu nhập tốt, được chính quyền địa phương ghi nhận. “Ðể được vay Quỹ hoàn lương, bản thân mỗi người chấp hành xong án phạt tù phải thật sự tu chí, cố gắng hơn gấp nhiều lần; đó không chỉ là may mắn mà còn là niềm vinh dự” - anh K. chia sẻ.

Hay như trường hợp của chị Quàng Thị X. (sinh năm 1984), bản Huổi Tao C, xã Pú Nhi (huyện Ðiện Biên Ðông) cũng vướng vào vòng lao lý vì buôn bán ma túy. Năm 2011, chị Quàng Thị X. bị tuyên phạt 7 năm tù giam. Khi đang chấp hành cải tạo tại Trại giam Thanh Xuân (Hà Nội) thì nhận được tin chồng chị đã bán toàn bộ nhà cửa, tài sản trong gia đình để đi theo “nàng tiên nâu” và đã chết vì nghiện ma túy. Năm 2017, chị X. được ra tù, nhưng nhà không còn, việc làm không có. Công an huyện Ðiện Biên Ðông đã duyệt cho chị vay 20 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương. Từ số tiền đó chị cất căn nhà, đón con gái về chăm sóc; số tiền còn lại chị mua con trâu, một cặp dê và chăn nuôi gà đồi. Giờ đây, đàn gia súc, gia cầm phát triển tốt, cuộc sống của chị X. bớt khó khăn, yên tâm lao động sản xuất, nuôi dạy con cái.

Không chỉ anh Nguyễn Ðức T., Phạm Tuấn K., hay chị Quàng Thị X., mà còn rất nhiều người sau khi chấp hành xong án phạt tù có cuộc sống ổn định, khá giả hơn nhờ được vay Quỹ hoàn lương để phát triển kinh tế gia đình, như: Chị Ðặng Thị Ðoàn, đội C17C (huyện Ðiện Biên); Cứ A Chang (huyện Tủa Chùa); Vũ Văn Dực (huyện Mường Ảng)…

Thiếu tướng Sùng A Hồng, Giám đốc Công an tỉnh cho biết: Quỹ hoàn lương được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2014, với tổng số vốn ban đầu là 905 triệu đồng. Trong đó được UBND tỉnh trích từ nguồn ngân sách địa phương hỗ trợ 500 triệu đồng, Công an tỉnh 245 triệu đồng và các doanh nghiệp là 160 triệu đồng. Sau 6 năm đi vào hoạt động, quỹ đã giúp được rất nhiều người hoàn lương phát triển kinh tế, có cuộc sống ổn định. Tuy nhiên, để có nguồn quỹ dồi dào, tiếp tục duy trì hoạt động, rất cần sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ, giúp đỡ, để người chấp hành xong án phạt tù có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội, đúng như với mục đích và ý nghĩa nhân văn của tên gọi “Quỹ hoàn lương”.

Bài, ảnh: Tú Anh
Bình luận
Back To Top