Những người “lưu giữ khoảnh khắc” cuộc sống

08:46 - Thứ Năm, 06/06/2019 Lượt xem: 12516 In bài viết
ĐBP - Ðã từng có thời vàng son nhưng hiện nay nghề chụp ảnh dạo ở các điểm di tích dường như chìm vào quên lãng. Những chiếc điện thoại thông minh, những chiếc máy ảnh kỹ thuật số… ngày càng phổ biến làm cho khách du lịch không còn cần đến những thợ chụp ảnh dạo như nhiều năm trước. Và thế là những người làm nghề “lưu giữ khoảnh khắc” ngày càng vắng khách, phải loay hoay đủ đường mới có thể tiếp tục tồn tại với nghề…

 

Thợ chụp ảnh dạo xem lại hình chụp cho khách tại Nghĩa trang liệt sĩ A1.

Trong hành trình tác nghiệp vào những ngày cao điểm của mùa du lịch, chúng tôi bắt gặp nhiều thợ ảnh chụp ảnh dạo vội vã hòa vào dòng người về thăm các điểm di tích. Ðặc điểm của họ khó có thể lẫn vào đâu được: Một chiếc xe máy, túi máy ảnh cũ kỹ, bạc màu theo thời gian và nhất là gương mặt hối hả với cuộc mưu sinh. Họ có cả nam và nữ, nhiều độ tuổi khác nhau và thường tập trung ở các điểm di tích trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ, như: Hầm Ðờ cát, Ðồi A1, Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ… Thậm chí, chúng tôi còn gặp nhiều “phó nháy” sẵn sàng đi theo đoàn du lịch vào trong Sở Chỉ huy Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tại Mường Phăng. Việc của họ là chờ những đoàn khách từ phương xa tới và may mắn sẽ nhờ họ lưu lại những khoảnh khắc tại mảnh đất chiến trường năm xưa. Chụp ảnh dạo tại các điểm di tích cũng chục năm có lẻ, anh Nguyễn Văn Lãm, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) trải qua từ thời kỳ vàng son của nghề đến những năm tháng “gồng mình” lên tìm khách bởi cuộc đổ bộ của công nghệ số. Khởi nghiệp với một chiếc máy phim cũ được tặng cùng một vài thao tác chụp ảnh đơn giản do bạn bày cho, anh đã có thể đeo túi ra các điểm di tích hành nghề. Theo anh Lãm hồi tưởng thì ngày ấy công việc dễ thở hơn bây giờ rất nhiều. “Khoảng cuối những năm 2000, khi máy ảnh còn là món đồ đắt tiền nên rất ít người có thể sở hữu. Người dân vào những dịp lễ, tết, rồi khách đi du lịch muốn có hình lưu niệm, tất cả đều phải cậy nhờ đến thợ ảnh. Có những hôm đông khách, rửa trả cho khách khoảng 20 - 30 tấm ảnh là “ấm” rồi. Tất nhiên sẽ có những hôm ít khách nhưng ngày ấy làm nghề này có thể nuôi được cả gia đình với mức sống tương đối. Ðấy là lúc mình mới vào làm, chứ ngược lại chục năm trước thì nghề này còn khá hơn nữa” - anh Lãm nhớ lại.  

Một đồng nghiệp khác của anh Lãm, anh Phan Văn Quân, đội 5, xã Thanh Hưng (huyện Ðiện Biên) cũng có thâm niên hơn 20 năm cầm máy. Từ chiếc máy phim “cổ lỗ” cho đến chiếc máy ảnh kỹ thuật số Nikon D80 là cả một quá trình dài anh lăn lộn, gắn bó với nghề. Từng ấy thời gian đủ để anh thấu hiểu những gian truân, vất vả của nghề chụp ảnh dạo. Anh Quân tâm sự: “Thời “thanh xuân” của nghề dần qua khi máy ảnh, điện thoại thông minh ngày càng phổ biến. Mỗi người trên tay cầm một chiếc điện thoại, chỉ vài thao tác nhỏ là đã có hình lưu niệm lung linh trên mạng xã hội. Nhiều đoàn khách du lịch còn sở hữu máy ảnh “xịn” hơn cả thợ. Họ bỏ vài chục triệu đồng để mang đi du lịch thì việc gì phải nhờ đến chúng tôi. Từ chỗ thu nhập khá ổn nay mấy anh chị em phải lăn lộn, chật vật đi tìm khách. Nhưng nghề này cũng phập phù lắm, ngày nghỉ, lễ, tết thì làm không hết việc, còn có những hôm thì lại thong dong ngồi chuyện phiếm ngắm người qua đường. Ðể có khách, thấy đoàn xe du lịch chạy qua là chúng tôi nhanh chóng đồng hành với hi vọng chụp được vài tấm cho bõ công chờ đợi. Có nhiều người còn phải ngược ra tận Tuần Giáo, Mường Ảng để đón đoàn khách du lịch… Thế nhưng bây giờ lớp thanh niên trẻ họ ít nhờ đến chúng tôi lắm, may chăng thì chỉ có các bác lớn tuổi, cựu chiến binh hay đồng bào dân tộc vùng cao xuống thì mới chụp thôi. Mà lắm khi chụp xong khách họ không lấy hoặc họ rời đi luôn mình phải mất công đi tìm để trả ảnh. Ðã có trường hợp anh bạn đồng nghiệp chấp nhận ra tận Tuần Giáo để trả ảnh cho khách nếu không là lỗ vốn… Vất vả vậy nên nhiều người thoái chí, chẳng còn thiết tha với nghề mà chuyển sang làm công việc khác. Ngay cả tôi vào những thời điểm vắng khách cũng làm song song cả nghề trồng cây cảnh để đảm bảo thu nhập ổn định cho gia đình.”

Theo anh Lãm, anh Quân nhẩm tính, hiện nay còn chừng 20 người vẫn đang theo đuổi nghề chụp ảnh dạo tại các điểm di tích và gạo cội như anh Quân có đến vài người. Trong số đó có nhiều người cùng gia đình như vợ - chồng, mẹ - con… trở thành đồng nghiệp với nhau. Họ vẫn tiếp tục đồng hành với nghề này một phần vì gắn bó lâu năm, phần khác vì nghề vẫn có thể nuôi sống được họ. Anh Quân cho biết thêm: Nghề này không dễ nhưng cũng không quá khó. Ngày xưa dùng máy phim còn phải học này nọ chứ dùng máy kỹ thuật số nhiều thợ chỉ việc giơ lên ngắm nghía chút là bấm máy, phần còn lại để bên in ảnh họ lo. Hơn nữa, chụp ảnh dạo cũng không cần đầu tư quá lớn như làm ảnh nghệ thuật, chỉ cần một bộ máy ảnh DSLR (máy ảnh phản xạ ống kính đơn kỹ thuật số) tầm trung, thậm chí tầm thấp là đã có thể chụp ảnh kiếm tiền. Nhất là mấy năm trở lại đây, Lễ hội Hoa Ban được tổ chức thu hút thêm nhiều du khách lên thăm Ðiện Biên. Thời gian cao điểm ấy cũng là “mùa làm ăn” của cánh thợ chụp ảnh dạo. Tay máy nào mà chịu khó thức khuya dậy sớm, giỏi mời chào các đoàn thì ngày kiếm tiền triệu không khó. Tiếc là khoảng thời gian cao điểm chỉ được hơn một tháng. Còn những thời gian khác trong năm, nhất là mùa mưa thì cánh thợ ảnh dạo lại… đi dạo theo đúng nghĩa đen. Ðiều đáng mừng là nhiều người vẫn giữ được quan điểm làm nghề nghiêm túc, không tư duy theo kiểu chộp giật qua ngày. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận một số đồng nghiệp đang làm nghề thiếu mất chữ “tâm”, nghĩ ra những chiêu trò không hay để ép khách phải mua ảnh, tạo nên ấn tượng xấu về những người chụp ảnh dạo tại Ðiện Biên.

Với xu thế phát triển của xã hội hiện đại, rất có thể trong thời gian không xa nữa, những người chụp ảnh dạo càng khó khăn hơn trong cuộc mưu sinh. Một tín hiệu vui và cũng là động lực cho họ là lượng khách du lịch đến với Ðiện Biên đang tăng dần theo từng năm, nhất là vào thời gian cao điểm từ tháng 3 - 5. Tuy nhiên số lượng khách không phải là yếu tố quyết định. Ðiều quan trọng nhất là chính những người chụp ảnh dạo phải có tư duy mới, cách làm khác để du khách chịu “móc hầu bao”, như: Chụp ảnh lấy ngay; in ảnh lên áo, đồ lưu niệm… như một số địa phương khác đã làm. Có như vậy, những người làm nghề lưu giữ khoảnh khắc đẹp cho đời này mới có thể tiếp tục tồn tại và phát triển.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top