Bảo vệ môi trường là việc của mỗi người và từ mỗi gia đình

08:48 - Thứ Sáu, 07/06/2019 Lượt xem: 12150 In bài viết
ĐBP - Môi trường nông thôn là một trong những tiêu chí khó đạt trong quá trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là ở các xã vùng cao. Nguyên do thói quen sinh hoạt, tập tục canh tác, chăn nuôi gia súc của người dân chưa đảm bảo. Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường không chỉ là việc của các cơ quan chức năng mà cần có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng.

 

Học sinh Trường PTDTNT THPT huyện Mường Ảng vệ sinh môi trường khu vực Quảng trường Hoa Ban, thị trấn Mường Ảng vào sáng chủ nhật hàng tuần.

Chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp các trường hợp tiện tay ném vỏ chai nước, vỏ bánh kẹo… xuống lòng đường; rác thải trong gia đình được hất ngay xuống kênh mương, cống thoát nước. Ðáng buồn hơn hành động ấy có ở tất cả các lứa tuổi và trên mọi địa bàn (thành phố, thị trấn, bản, làng vùng cao...). Mỗi sự kiện, mùa lễ hội đi qua là ngổn ngang rác thải, những vỏ chai, cốc nhựa vứt bừa bãi... Song song với đó, ở nông thôn, một lượng lớn rác thải từ các chợ mà chưa có biện pháp thu gom xử lý theo quy định, mà chủ yếu quét dọn lại một chỗ rồi đốt hoặc để phân huỷ tự nhiên. Ðây là môi trường thuận lợi cho ruồi, muỗi, các ký sinh trùng gây bệnh phát sinh, phát tán vào không khí và nguồn nước… Người dân sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông, lâm nghiệp (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ...) không đảm bảo an toàn. Có tình trạng sau khi phun thuốc phòng trừ sâu bệnh hoặc thuốc diệt cỏ, người dân rửa bình phun và đổ thuốc thừa ở bất cứ nơi nào mà không chú ý đảm bảo an toàn tới nguồn nước; bao bì, chai lọ chứa hóa chất độc hại vứt bừa bãi; cùng với tình trạng nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn; chuồng trại không được thu dọn, vệ sinh thường xuyên, chất thải của động vật không được thu gom xử lý vào mùa mưa tình trạng ngập úng gây ô nhiễm nguồn nước giếng, ao, hồ... Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan, làm ô nhiễm môi trường, gây ra những thiệt hại về kinh tế - xã hội, mà còn tác động nghiêm trọng tới sức khỏe con người.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Mường Ảng có 13 cơ sở cung cấp dịch vụ y tế, trung bình tổng lượng nước thải y tế là 40m3/ngày; tổng lượng chất thải rắn y tế thông thường là 5kg/ngày. Tổng khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý trên địa bàn các xã, thị trấn khoảng 6.971,5 tấn/năm, tương đương với khoảng 19,1 tấn/ngày (trong đó, chỉ tính riêng khu vực thị trấn Mường Ảng, khối lượng chất thải sinh hoạt được thu gom, xử lý là 4,1 tấn/ngày). Chất thải sinh hoạt chủ yếu là túi giấy, túi ni lông, vỏ bánh kẹo, vỏ chai nhựa, gạch đá, chất thải thực phẩm... phát sinh từ các khu dân cư, nơi công cộng, cơ quan, trường học, các cơ sở sản xuất kinh doanh... Ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường còn kém; vào mùa thu hoạch vẫn còn tình trạng rơm rạ chất đống ngoài đường, đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường không khí.

Hiện tại, việc thu gom, vận chuyển chất thải sinh hoạt ở huyện Mường Ảng gặp nhiều khó khăn do chưa thành lập được các hợp tác xã, tổ đội thu gom chất thải rắn sinh hoạt tự quản. Công cụ trang thiết bị phục vụ công tác thu gom, vận chuyển chưa được đầu tư. Các xã xa trung tâm huyện không thuận lợi về giao thông, dân cư không tập trung, vẫn còn tình trạng nuôi nhốt gia súc, gia cầm dưới gầm sàn, người dân vứt chất thải ra sông suối hoặc đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương. Ða phần các xã chưa có điểm tập trung xử lý rác, mặc dù đã được quy hoạch theo chương trình xây dựng nông thôn mới (do chưa có kinh phí để thực hiện). Toàn huyện Mường Ảng hiện có 1 lò đốt rác, công suất 5 tấn/ngày đêm, cơ bản chỉ đáp ứng được việc xử lý rác thải của khu vực thị trấn Mường Ảng và một phần của các xã: Ẳng Nưa, Ẳng Cang, Ẳng Tở. Còn lại tại các xã Mường Ðăng, Ngối Cáy, Xuân Lao, Nặm Lịch, Mường Lạn người dân vẫn xử lý bằng hình thức gom đốt hoặc chôn lấp…

Thực tế, điều kiện để thu gom, xử lý rác thải ở mỗi địa bàn ở những mức độ khác nhau; tuy nhiên phải thẳng thắn thừa nhận là cơ bản đều chưa đảm bảo vệ sinh môi trường. Ðặc biệt là vấn đề ý thức bảo vệ môi trường sống cho mình, cho cộng đồng của người dân chưa cao. Và đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm, bởi nếu ý thức không được cải thiện, thì dù cơ sở vật chất, trang thiết bị... phục vụ xử lý rác thải có tốt đến đâu cũng không mang lại hiệu quả cao. Cần phải tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để làm sao mỗi người dân hiểu được, bảo vệ môi trường là việc của mỗi người, từ mỗi gia đình. Ðồng thời, những biện pháp, chế tài nghiêm khắc, xử lý kiên quyết đối với hành vi thiếu ý thức gây ô nhiễm môi trường cũng cần được thực thi nghiêm minh hơn...

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top