Chú trọng đào tạo nghề nông nghiệp cho người dân

09:00 - Thứ Hai, 10/06/2019 Lượt xem: 11057 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, công tác đào tạo nghề, nhất là nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đã được các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Thông qua các lớp dạy nghề, góp phần từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

 

Các học viên tham dự lễ khai giảng lớp đào tạo kỹ thuật trồng và bảo quản nấm năm 2019 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức tại xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên).

Trung tuần tháng 5 vừa qua, tôi có dịp tham dự một lớp dạy nghề kỹ thuật trồng và bảo quản nấm tại xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm (Hội Nông dân tỉnh) tổ chức. Cảm nhận rõ ràng nhất là không khí học tập sôi nổi của 35 học viên, cũng như sự tận tình giảng dạy của cán bộ giáo viên. Tại đây, học viên được tiếp nhận các kiến thức liên quan đến cách trồng, bảo quản nấm làm sao cho đạt năng suất cao nhất. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, “học đi đôi với hành”… lấy hiệu quả để đánh giá kết quả học tập là cách làm của cán bộ giáo viên Trung tâm Dạy nghề và hỗ trợ việc làm trong việc dạy nghề truyền đạt cho học viên.

Anh Lường Văn Dọn, bản Hua Pe, xã Thanh Luông, học viên lớp kỹ thuật trồng và bảo quản nấm kể: Quanh năm bám ruộng bám đồng cũng không đảm bảo cuộc sống nên khi thấy cán bộ Trung tâm cùng lãnh đạo xã, trưởng bản tổ chức họp dân lấy ý kiến về việc tổ chức dạy nghề, tôi đã đăng ký tham gia lớp đào tạo ngắn hạn kỹ thuật trồng và bảo quản nấm. Quá trình học, mình kết hợp đầu tư trồng thử nấm và thấy rất hiệu quả nên sau khóa học, gia đình mình sẽ đầu tư trồng nấm với quy mô lớn hơn.

Ông Ðặng Minh Duyên, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Luông, huyện Ðiện Biên cho biết: Là xã biên giới, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, chúng tôi mong rằng sẽ có nhiều lớp đào tạo nghề được mở trên địa bàn, nhất là các nghề nông nghiệp bởi với đặc thù của xã thuần nông, chỉ có những lớp đào tạo nghề như thế này mới có thể mang lại hiệu quả và thiết thực nhất đối với người dân. Thời gian qua các cấp, ngành đã phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề trên địa bàn phù hợp với nhu cầu học nghề của nhân dân, qua đó giúp họ biết cách phát huy thế mạnh của địa phương, vươn lên phát triển kinh tế.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua, đã có rất nhiều người dân được hưởng lợi từ các lớp đào tạo nghề nông nghiệp. Riêng năm 2018 kế hoạch tỉnh giao chỉ tiêu đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn là 5.312 người. Trong đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đào tạo nghề cho 520 người; các huyện, thị xã, thành phố là 4.792 người. Ðánh giá sau khi kết thúc các lớp dạy nghề cho thấy tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm đạt từ 70 - 80%; thu nhập của người lao động học nhóm nghề nông nghiệp bình quân từ 1,5 - 3 triệu đồng/người/tháng.

Năm 2019, theo kế hoạch UBND tỉnh, dự kiến toàn tỉnh sẽ có 5.000 người được đào tạo nghề nông nghiệp. Riêng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao đào tạo 345 người. Ðể công tác đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đạt hiệu quả, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng, chính quyền địa phương làm tốt công tác khảo sát kỹ nhu cầu người học, đào tạo nghề để xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp với tình hình thực tiễn gắn với vùng sản xuất, các sản phẩm chủ lực theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo nghề cho các xã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 và các xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, nhằm góp phần đạt chuẩn các tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tỉ lệ lao động qua đào tạo theo Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top