Ðào tạo và sử dụng cán bộ người DTTS

Còn nhiều khó khăn

09:15 - Thứ Hai, 10/06/2019 Lượt xem: 12071 In bài viết

ĐBP - Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) người dân tộc thiểu số (DTTS) của tỉnh được các cấp, các ngành quan tâm, tập trung triển khai thực hiện. Số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS tại các cơ quan đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh từng bước được nâng lên, đã góp phần quan trọng vào hiệu quả lãnh đạo, điều hành, thực thi nhiệm vụ, công vụ, nhất là tại các địa bàn có đông đồng bào người DTTS. Tuy nhiên, vẫn còn những khó khăn hạn chế do nhiều nguyên nhân...

Ðể thực hiện các chủ trương, chính sách của Ðảng, Nhà nước về đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho CBCCVC là người DTTS, Tỉnh ủy, HÐND, UBND tỉnh đã quan tâm cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch triển khai tới các cấp, các ngành trong tỉnh. Như, Quyết định số 942/QÐ-UBND tỉnh ngày 26/7/2016 về việc Phê duyệt Kế hoạch “Phát triển đội ngũ CBCCVC người DTTS trong thời kỳ mới của tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”; Văn bản số 1511/UBND-NC ngày 8/6/2018, về “Xây dựng đội ngũ CBCCVC người DTTS”. Qua đó, chất lượng đội ngũ CBCCVC là người DTTS của tỉnh từng bước đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, được xem xét, bố trí vào các chức danh, vị trí việc làm phù hợp và tạo nguồn cán bộ người DTTS cho các ngành, địa phương, đơn vị... Tính đến ngày 31/12/2018, toàn tỉnh có 26.194 CBCCVC, trong đó người DTTS 10.999 người (chiếm 41,99%). Việc thực hiện tỷ lệ phải đạt tối thiểu là 20%, riêng Ban Dân tộc là 40% CBCCVC người DTTS trên tổng số biên chế được giao tại các cơ quan, đơn vị, địa phương theo Quyết định số 402/QÐ-TTg ngày 14/3/2016, của Thủ tướng Chính phủ được các cấp các ngành quan tâm triển khai, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Hiện cấp tỉnh có 9/31 cơ quan đạt; cấp huyện có 8/10 huyện đạt; cấp xã, phường, thị trấn có 128/130 xã, phường, thị trấn đạt. Công tác đào tạo bồi dưỡng, tuyển dụng CBCCVC người DTTS được quan tâm triển khai, trong giai đoạn (2014 - 2018), toàn tỉnh đã cử 38.786 lượt CBCCVC người DTTS tham gia bồi dưỡng (đào tạo trình độ lý luận chính trị 3.069 lượt người; chuyên môn 4.925 lượt người; kiến thức quản lý Nhà nước 2.437 lượt người...); tuyển dụng 2.791 người, trong đó DTTS 1.521 người (chiếm 54,5%)...

Bên cạnh những kết quả đạt được việc xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS trên địa bàn tỉnh còn những hạn chế. Số lượng người DTTS tham gia vào các cơ quan, tổ chức của hệ thống chính trị, tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý tại nhiều cơ quan, đơn vị chưa đạt tỷ lệ quy định. Còn tình trạng số cán bộ người DTTS qua đào tạo đã ít lại chưa được sử dụng hết. Trong 5 năm (2014 - 2018) có 224 người được cử tham gia học cử tuyển. Số sinh viên cử tuyển tốt nghiệp 215 người. Sinh viên cử tuyển ra trường đã bố trí được việc làm 86 người (chiếm 40%); còn lại đa phần chưa có việc làm, một số ít tự tìm việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp ngoài tỉnh... Như trường hợp anh Lò Văn Hoàng, sinh năm 1983 bản Ðắng, xã Mường Ðăng (huyện Mường Ảng), tốt nghiệp khoa Sư phạm tiếng Trung, Trường Ðại học Ngoại ngữ Ðại học Quốc gia Hà Nội, năm 2007 theo hệ cử tuyển; đến nay, vẫn chưa sắp xếp được việc làm. Anh Hoàng chia sẻ: Sau khi ra trường, 2 năm liên tục tôi làm hồ sơ xin việc gửi các cơ quan, phòng ban trên địa bàn tỉnh nhưng đến đâu cũng nhận được câu trả lời trên địa bàn tỉnh chưa sử dụng tiếng Trung... Từ đó đến nay, để đảm bảo cuộc sống gia đình tôi về Hà Nội làm phụ hồ ở các công trình xây dựng hoặc thủy điện; thỉnh thoảng có khách thuê phiên dịch tiếng Trung thì đi; cuộc sống bấp bênh, thu nhập không ổn định. Ðến nay, tôi cũng chẳng hi vọng xin được việc ở cơ quan Nhà nước nữa vì đã quá tuổi tuyển dụng...

Bà Chu Thùy Liên, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Nguyên nhân của những tồn tại hạn chế nêu trên một phần do Ðiện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, ngân sách chủ yếu do Trung ương bố trí; tình trạng tinh giản biên chế hiện nay; một số cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị chưa thực sự quan tâm xây dựng đội ngũ CBCCVC người DTTS tại cơ quan, đơn vị mình; phương pháp, cách làm để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ CBCCVC người DTTS chưa được thực hiện một cách bài bản, thống nhất, khoa học; còn tình trạng một bộ phận CBCCVC người DTTS chưa nỗ lực để tự trang bị kiến thức, kỹ năng nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn...

Xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS từ cơ sở nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh trong thời kỳ mới là nhiệm vụ quan trọng; là chủ trương đúng đắn của Ðảng, Nhà nước. Vấn đề đặt ra là, cần cụ thể hóa và thực hiện thế nào cho khoa học, bài bản, phù hợp với thực tiễn từng địa phương thì cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự nỗ lực cố gắng rèn luyện nâng cao trình độ của mỗi cá nhân...

Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top