Người tốt - việc tốt

Chuyện những người giữ rừng ở Sín Thầu

09:31 - Thứ Tư, 12/06/2019 Lượt xem: 11439 In bài viết

ĐBP - Ðến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé hỏi về người thương binh giữ rừng thì ai cũng biết. Ðó là anh Lỳ Pó Lòng, năm nay 45 tuổi, ở bản Tả Kố Khừ. Nhưng không phải lúc nào cũng dễ tìm gặp được anh Lòng, bởi anh thường xuyên cùng dân quân đi tuần tra các cánh rừng trên địa bàn xã.

 

Mất hai bàn tay khi đi chữa cháy rừng, nhưng anh Lỳ Pó Lòng vẫn tham gia công tác tuần tra bảo vệ rừng và chịu khó lao động hàng ngày. Ảnh: Phương Liên

Cuối chiều một ngày tháng 6, tôi đã gặp người thương binh đặc biệt ấy. Ấn tượng ban đầu về anh là những vết sẹo xù xì do bỏng, nhất là hai bàn tay đã biến dạng do bỏng nặng. Thế nhưng anh Lòng vẫn vui vẻ, vô tư khi chia sẻ với chúng tôi về công việc giữ rừng. Anh Lòng kể lại: “Mùa khô năm 2009, khi đó tôi là dân quân xã, trong một lần đi rừng lấy củi, vô tình phát hiện ra cháy lớn ở rừng đầu nguồn bản Tả Kố Khừ, giáp ranh khu vực biên giới Việt - Lào. Tôi đã hô hào bà con đang làm nương gần đó chia nhau đi báo cho chính quyền xã và cùng dập lửa, chữa cháy rừng. Do địa hình núi rừng hiểm trở, vực sâu, các thiết bị chữa cháy lại không có, nên chúng tôi khá khó khăn để dập tắt lửa. Trong lúc làm đường băng cản lửa ngăn không cho lửa lan rộng, tôi đã bị thân cây đang cháy đổ vào người gây bỏng nặng toàn thân, nặng nhất là 2 bàn tay với các ngón tay bị cháy cụt”.

Sau tai nạn đó, anh Lòng sinh hoạt rất khó khăn vì những vết thương co lại do bỏng nặng. Anh chỉ có thể làm những công việc đơn giản. Thế nhưng, anh Lòng vẫn tham gia tuần tra, bảo vệ rừng. “Rất may thời điểm đó, chúng tôi đã chữa cháy rừng thành công, ngăn lửa lan rộng sang những cánh rừng già, rừng nguyên sinh của Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé. Tôi nghĩ rằng mình mất hai bàn tay nhưng vẫn giữ được rừng và giữ được tính mạng. Tôi vẫn còn đôi chân nguyên vẹn, vì thế tôi sẽ tiếp tục bảo vệ rừng!” - anh Lòng cho biết.

Không may mắn như anh Lòng, cũng trong lần tham gia chữa cháy rừng ấy, chàng thanh niên Su Xè Hừ đã hi sinh ở tuổi 18. Ông Su Tư Xè, bố đẻ của Hừ kể lại: “Hôm đó cả nhà tôi đi làm nương, thấy cháy rừng, con trai tôi nhanh chóng cùng mọi người sang dập lửa. Lửa cháy to trên địa hình dốc, khi Hừ xông lên dập lửa đã bị cây cối đang cháy đổ vào người và rơi xuống lòng thung đang cháy rừng rực. Tôi và những người khác chứng kiến nhưng không thể nào cứu được. Ðến khi dập được lửa, gia đình tôi mới có thể mang thi thể con trai về mai táng”.

Bây giờ, trong cánh rừng cháy năm nào, có ngôi mộ của Su Xè Hừ. Người dân đi rừng, đi nương qua đều nhắc nhở nhau học tập Hừ, cố gắng bảo vệ rừng đầu nguồn cho tốt. Sự xả thân dũng cảm của anh trai đã trở thành động lực cho cậu em Su Xè Chừ đi học ngành Lâm sinh tại Ðại học Lâm nghiệp Hà Nội với mong muốn trở về quê hương giúp dân bản bảo vệ, phát triển rừng tốt hơn.

Ông Pờ Chinh Phạ, quyền Chủ tịch UBND xã Sín Thầu cho biết: Cánh rừng bản Tả Kố Khừ đặc biệt quan trọng đối với người dân xã Sín Thầu và các xã lân cận trong việc giữ nguồn nước, phòng chống thiên tai, sạt lở, lũ ống, che chở cho cuộc sống của người dân và phân định ranh giới quốc gia. Nhờ sự xả thân của những người như anh Lòng, em Hừ và dân bản nên cánh rừng ấy luôn xanh tốt. Ðó là tấm gương tiêu biểu để nhân dân xã Sín Thầu chung tay bảo vệ, phát triển rừng; cũng là lý do nhiều năm nay Sín Thầu luôn đi đầu trong công tác quản lý, bảo vệ rừng của huyện Mường Nhé.


Phương Liên
Bình luận
Back To Top