Di cư tự do và những hệ lụy

08:53 - Thứ Năm, 13/06/2019 Lượt xem: 13736 In bài viết

ĐBP - Trung tuần tháng 5 vừa qua, chúng tôi về bản Pá Lùng 4, xã Chung Chải, tìm gặp ông Mùa Khua Dơ (di cư đến Mường Nhé 2018). Nằm nép dưới chân đồi, ngôi nhà ông Dơ không khác gì túp lều, mái lợp tạm bằng bạt; thưng xung quanh là những tấm ván cong queo, mảnh bao tải dán chằng chịt chắn gió lùa. Ðây là nơi ở của vợ chồng ông Dơ và 8 người con (cả dâu, rể). Khuôn mặt khắc khổ, đen sạm vì lo toan cuộc sống mưu sinh, ông Mùa Khua Dơ nói: “Ðất không còn khả năng cho cây ngô, cây lúa mọc xanh tốt; không có cái ăn, cái mặc thì chúng tôi đành rời đi tìm mảnh đất màu mỡ hơn để canh tác thôi. Gia đình tôi di cư đến Pá Lùng tháng 5/2018, tưởng cuộc sống sẽ tốt lên, nhưng rồi sự thật không như mình nghĩ; nơi ở mới không có đất để sản xuất, chăn nuôi nên cuộc sống càng thêm bấp bênh so với quê cũ”. 

 

Cán bộ huyện Mường Nhé tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân bản Nậm Là, xã Mường Nhé.

Từ năm 2014 - 2019, huyện Mường Nhé có tới 355 người di cư đến địa bàn, chủ yếu từ các tỉnh: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu… ảnh hưởng nặng nề đến nhịp sống thường ngày của người dân sở tại. Ðặc biệt, việc này vô hình trung đã phá vỡ quy hoạch, kế hoạch thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nhất là làm gia tăng dân số và hộ nghèo dẫn tới nhu cầu về ngân sách bố trí cho việc thực hiện các chính sách bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện hàng năm rất lớn (tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện hiện là 69,34%). Ở các xã vùng sâu, vùng xa, nơi tập trung nhiều hộ di cư đến (Chung Chải, Leng Su Sìn, Nậm Vì…) do để có đất canh tác mưu sinh, làm nhà ở nhiều hộ dân di cư đã bất chấp luật pháp đốt, phá rừng làm nương rẫy gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái tự nhiên. Năm 2019, có 21 vụ phá rừng trái pháp luật với tổng diện tích rừng bị phá là 46.713m2 (3.539m2 rừng phòng hộ, 43.174m2 rừng sản xuất…). Thậm chí, có những địa bàn xảy ra điểm nóng về tranh chấp đất đai, gây xung đột giữa người dân di cư tự do và dân sở tại, dẫn đến nhiều yếu tố phức tạp, gây mất an ninh, trật tự.

Ðặc biệt, là huyện vùng cao, biên giới khi tỷ lệ người di cư tự do cao đồng nghĩa với việc Mường Nhé phải đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn về truyền đạo trái phép, vượt biên, tham gia các hoạt động gây rối trật tự vùng biên giới, tệ nạn xã hội... Thậm chí đã có trường hợp người di cư tự do lôi kéo, xúi giục dân sở tại tham gia hoạt động trái pháp luật. Cụ thể, hiện nay trên địa bàn huyện có tới 57 hộ, 372 nhân khẩu bị ảnh hưởng bởi 2 tà đạo: Giê Sùa 14 hộ, 113 nhân khẩu; “Ðức Chúa trời yêu thương chúng ta” hay còn gọi là “Bà cô dợ” 43 hộ, 259 nhân khẩu. Những trường hợp trên kiên quyết không chịu từ bỏ, mặc dù chính quyền địa phương và lực lượng chức năng đã đẩy mạnh vận động, tuyên truyền. Ðiều đáng chú ý là có một số đối tượng đã từng tham gia hoạt động lập “Vương quốc Mông” trước đây. 

Ðể giải quyết “bài toán” di cư tự do, nhiều giải pháp đã được huyện Mường Nhé đưa ra phân tích, mổ xẻ, nhưng ông Thào A Dế, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Nhé cũng thẳng thắn thừa nhận, đây không phải là việc làm được trong một sớm một chiều mà cần có chiến lược bền lâu. Ðặc biệt, huyện đã chỉ đạo các phòng chuyên môn, lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; kiên quyết đưa các hộ di cư trở về quê cũ. Cùng với đó, huyện tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 39/2004/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; thường xuyên chỉ đạo các cấp, các ngành tăng cường biện pháp ngăn chặn và giải quyết dứt điểm tình trạng dân di cư tự do; chủ động bám nắm địa bàn, kịp thời phát hiện để có biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời những âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các phần tử xấu kích động, lôi kéo, dụ dỗ, cưỡng ép đồng bào di cư tự do.

Ðồng thời, thực hiện lồng ghép vốn của các chương trình, dự án triển khai trên địa bàn để hỗ trợ hộ nghèo (đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ ổn định đời sống và phát triển sản xuất), nhất là những hộ được bố trí sắp xếp vào vùng quy hoạch theo Ðề án 79 để ổn định đời sống, phát triển sản xuất. Làm tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân; huy động sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị các xã nơi dân đi và đến để người dân hiểu, nắm bắt các chủ trương, đường lối của Ðảng, chế độ, chính sách của Nhà nước. Rà soát, điều chỉnh bổ sung trình phê duyệt các chương trình, đề án, dự án cấp bách; thực hiện quy hoạch, kế hoạch bố trí dân cư đã được phê duyệt theo thứ tự ưu tiên, lập kế hoạch đầu tư các dự án bố trí ổn định dân di cư tự do, cấp bách trình các bộ ngành Trung ương xem xét, bố trí vốn để thực hiện.

Giải pháp đã có nhưng để giải quyết triệt để vấn đề di cư tự do, thiết nghĩ, bên cạnh nỗ lực của cấp ủy, chính quyền các cấp thì người dân cũng cần ý thức với chính cuộc sống của mình. Có như vậy, mới mong giảm thiểu được tình trạng di cư tự do, ổn định an ninh trật tự nơi vùng cao, biên giới Mường Nhé.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top