Ô nhiễm môi trường từ lò đốt rác thủ công

“Bài toán” khó ở Chà Nưa

09:01 - Thứ Năm, 13/06/2019 Lượt xem: 13741 In bài viết

ĐBP - Nhằm giải quyết vấn đề rác thải khu vực nông thôn, nhất là tình trạng xả rác bừa bãi ra môi trường, chính quyền xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ) đã vận động người dân xây dựng các lò đốt rác thủ công quy mô nhỏ theo nhóm hộ gia đình. Mô hình được sự hưởng ứng của đông đảo người dân, nhưng do chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật nên khi đi vào hoạt động các lò đốt rác đã và đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhân dân...

 

Khói bay mù mịt tại lò đốt rác thủ công của nhóm hộ gia đình chị Tao Thị Viện, bản Cấu, xã Chà Nưa (huyện Nậm Pồ).

Ðầu năm 2017, được sự vận động của chính quyền xã Chà Nưa, nhân dân trên địa bàn xã đã bắt tay vào xây dựng các lò đốt rác thủ công quy mô theo nhóm hộ gia đình. Trung bình có từ 3 - 10 gia đình chung nhau sử dụng và bảo quản một lò. Mỗi lò đốt rác được xây dựng trên diện tích khoảng 1m2 với chi phí khoảng 1,5 triệu đồng do nhân dân tự đóng góp tiền, nguyên vật liệu và ngày công lao động. Khởi điểm từ năm 2017, đến nay, toàn xã đã có 110 lò. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng và sử dụng, do chưa đảm bảo yếu tố kỹ thuật cũng như các tiêu chuẩn để xử lý chất thải, lượng khói bốc ra từ lò đốt rác đã tác động trực tiếp đến môi trường xung quanh, gây ô nhiễm môi trường.

Bản Cấu là một trong những bản có số lượng lò đốt rác thủ công nhiều nhất xã. Cả bản hiện có hơn 20 lò đốt rác thủ công, chia đều cho 90 hộ trong toàn bản. Trung bình 4 - 5 hộ chung một lò đốt rác. Chị Tao Thị Viện, người dân trong bản chia sẻ: Mỗi khi đốt rác, tôi thấy  nhiều khói bay lên và mùi cũng rất khó chịu. Biết là sẽ ô nhiễm nhưng cũng không còn cách nào khác bởi nếu không đốt thì lại theo thói quen cũ xả thải bừa bãi ra môi trường làm mất mỹ quan nông thôn. Cũng theo chị Viện, đối với các lò đốt rác này, chỉ trừ chai, lọ hoặc vật cứng không cháy được; còn lại tất cả rác của gia đình đều được đưa vào đốt, kể cả vỏ thuốc bảo vệ thực vật, bao bì, túi ni lông...

Ông Tao Văn Vin, Bí thư Chi bộ bản Cấu cho biết: Mỗi lần đốt rác, lượng khói bốc lên khá nhiều, mặc dù biết về lâu dài khí thải này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và sức khỏe nhưng chúng tôi cũng không còn cách nào khác bởi nếu không đốt thì không biết mang rác thải đi đâu để xử lý.

Theo quan sát của chúng tôi, do lò xây thấp nên mỗi khi đốt, khói bay mù mịt, thậm chí khét lẹt do túi ni lông cháy nham nhở. Ðiều đáng nói, những lò đốt rác này lại xây ở gần khu vực nhà ở nên khi đốt rác, khói thường bay vào nhà ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nói về mô hình lò đốt rác thủ công theo nhóm hộ gia đình, ông Tao Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa bộc bạch: Trước đây, tình trạng người dân vứt rác bừa bãi ra môi trường rất phổ biến, do đó, để giải quyết vấn đề này cũng như thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi đã đi tham quan một số mô hình thu gom, tập kết rác rồi xử lý, song tất cả không phù hợp ở vùng cao bởi nơi đây dân cư sinh sống không tập trung. Trước thực trạng đó, cấp ủy, chính quyền đã nghĩ ra mô hình xây dựng lò đốt rác thủ công theo nhóm hộ gia đình đồng thời vận động nhân dân triển khai. Mặc dù bước đầu mô hình này đã dần thay đổi ý thức vứt rác bừa bãi của người dân, tuy nhiên do không có chuyên môn về lĩnh vực môi trường nên chúng tôi cũng không đánh giá được tác động của khí thải phát ra môi trường. Hơn nữa, từ khi xây dựng đại trà mô hình này từ năm 2017 đến nay, xã cũng chưa nhận được bất cứ ý kiến nào của các cơ quan chức năng về mức độ tác động của lò đốt rác thủ công đối với môi trường sống.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Công Nghiệp, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ cho biết: “Chúng tôi không khuyến khích các địa phương xây dựng lò đốt rác thủ công. Ðối với xã Chà Nưa, đến khi người dân xây xong rồi chúng tôi mới nắm được. Vẫn biết việc xử lý rác thải kiểu này cũng sẽ tác động đến môi trường nhưng nếu giờ lại vận động người dân đập đi, như vậy là rất khó vì nếu không có lò đốt rác thì lại tái diễn tình trạng xả thải rác bừa bãi. Giải quyết vấn đề rác thải nông thôn vẫn đang là bài toán khó đối với huyện Nậm Pồ”.

Ngày 13/4/2016, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản về việc tăng cường quản lý, hạn chế sử dụng lò đốt rác cỡ nhỏ tại Việt Nam. Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường yêu cầu các tỉnh, thành trong cả nước không xây mới lò đốt chất thải rắn sinh hoạt công suất nhỏ hơn 300kg/giờ theo quy định tại QCVN 61-MT:2016/BTNMT sau ngày 1/5/2016. Bởi theo quy định, các lò đốt rác thải sinh hoạt phải có hệ thống xử lý khí thải, với nhiệt độ lò đốt khoảng 1.000oC mới xử lý được các khí thải độc hại. Song với các lò đốt thủ công tại xã Chà Nưa chỉ có công suất 100kg/giờ và nhiệt độ đạt khoảng 100oC. Như vậy, rõ ràng việc xây dựng và sử dụng lò đốt rác thủ công tại xã Chà Nưa thời gian qua đã đi ngược lại với văn bản chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, vô hình trung gây ô nhiễm cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe nhân dân.

Công bằng mà nói, sở dĩ mô hình lò rác thải cỡ nhỏ được xã Chà Nưa tích cực vận động nhân dân làm và đã có được sự đồng thuận cao của bà con là vì đã giải quyết được vấn đề nóng về rác thải trước mắt. Hơn nữa, Chà Nưa là xã vùng cao còn nhiều khó khăn, việc nhân dân tự góp tiền, bỏ công ra để làm lò đốt rác là một sự cố gắng đáng ghi nhận. Và như lãnh đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nậm Pồ, Chủ tịch UBND xã Chà Nưa và người dân Chà Nưa đã khẳng định, lò đốt rác đã giải quyết được vấn đề rác thải ở địa bàn, làm thay đổi thói quen xấu của người dân (xả rác bừa bãi ra môi trường) và giải quyết vấn đề rác thải chung của toàn huyện Nậm Pồ (trong đó có Chà Nưa).

Vấn đề quan trọng nhất lúc này là: Làm gì, làm thế nào, ai có trách nhiệm tham mưu chính xác để giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm môi trường ở Chà Nưa? Ðây là “bài toán” khó trong điều kiện thực tế hiện nay ở địa phương. Bởi sau nỗ lực tự “mò mẫm”, tự học hỏi, đầu tư xây dựng lò đốt rác thì lúc này chính quyền, nhân dân Chà Nưa biết rõ, chỉ có sự nỗ lực, đồng lòng của mình là chưa đủ. Và rằng, xây dựng lò đốt rác ra sao, đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật như thế nào, vị trí lò phải cách khu dân cư bao xa?... không phải chuyên môn mà người dân “chân lấm tay bùn” hiểu rõ.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top