Thay đổi cuộc sống người dân từ chính sách dân tộc

08:42 - Thứ Tư, 26/06/2019 Lượt xem: 12522 In bài viết

ĐBP - Thành phố Ðiện Biên Phủ có 14 dân tộc cùng chung sống, trong đó đồng bào các dân tộc thiểu số chiếm gần 20%. Ðể nâng cao chất lượng cuộc sống, tạo sự phát triển đồng đều trên mọi lĩnh vực giữa các cộng đồng, việc thực hiện chính sách đối với dân tộc thiểu số trên địa bàn đã được quan tâm triển khai và thu được những kết quả tích cực.

 

Từ giống ngan, gà được hỗ trợ, người dân bản Pa Pốm (xã Thanh Minh) duy trì phát triển chăn nuôi nhỏ lẻ, góp phần tăng thu nhập gia đình.

Chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện trên mọi lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, thông tin tuyên truyền, trợ giúp pháp lý… Trong đó phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, thay đổi diện mạo khu dân cư là một trong những nội dung quan trọng, được dành nhiều nguồn lực triển khai. Một trong những chính sách phải kể đến là cho vay tín dụng ưu đãi, giúp các hộ có hoàn cảnh khó khăn thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, là điều kiện, cơ hội để thay đổi cuộc sống. Cụ thể, 5 năm qua (2014 - 2018), có 437 gia đình được vay ưu đãi tín dụng hộ nghèo với tổng 5,3 tỷ đồng, 248 hộ cận nghèo vay 4,9 tỷ đồng, 50 hộ mới thoát nghèo vay 1,2 tỷ đồng, 1.352 hộ vay vốn giải quyết việc làm với dư nợ 41,1 tỷ đồng, 43 hộ dư nợ 338 triệu đồng trong chương trình cho vay làm nhà ở… Ngoài ra, còn có 33 hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc 2 xã xã Thanh Minh và Tà Lèng được vay vốn hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề theo Quyết định 755/QÐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, hiện còn 18 hộ nghèo vay vốn, dư nợ 265 triệu đồng.

Trong giai đoạn 2014 - 2018, thành phố đã tập trung, ưu tiên nguồn lực đầu tư cho 2 xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống là Thanh Minh và Tà Lèng gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Với đặc điểm khu vực và nhu cầu, đề xuất của người dân, nhiều dự án, hoạt động hỗ trợ tư liệu sản xuất, cây, con giống đã được thực hiện tại 2 xã này. Năm 2015, từ nguồn vốn Chương trình 135, mô hình nuôi ngan an toàn sinh hoạt đã được triển khai tại bản Pa Pốm (xã Thanh Minh) với sự tham gia của 9 hộ nghèo, cận nghèo, quy mô nuôi 217 con, tổng kinh phí thực hiện 50 triệu đồng. Ông Lý A Tòng, Trưởng bản Pa Pốm cho biết: Giống ngan hỗ trợ cho các hộ trong bản năm 2015 phát triển rất tốt, giống to, bán được giá đã giúp các hộ có thêm nguồn thu. Ðến nay vẫn còn một vài gia đình tự nhân giống từ đàn ban đầu, duy trì nuôi ngan. Mô hình này giúp bà con bản Pa Pốm tiếp cận với khoa học kỹ thuật và làm tiền đề phát triển chăn nuôi, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Từ nguồn vốn giảm nghèo bền vững, năm 2017 - 2018, UBND TP. Ðiện Biên Phủ phê duyệt dự án nuôi bò sinh sản và giao cho UBND xã Tà Lèng làm chủ đầu tư với tổng kinh phí 230 triệu đồng, 23 hộ nghèo, cận nghèo được thụ hưởng. Mô hình được thực hiện dưới hình thức 2 hộ nuôi luân chuyển chung 1 con bò sinh sản. Bà Ðặng Thị Hồng, cán bộ nông nghiệp xã Tà Lèng cho biết: Chúng tôi thường xuyên giám sát, kiểm tra sự phát triển, sinh trưởng của bò thuộc dự án hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Ðến nay số bò trên đều lớn nhanh, khỏe mạnh, hầu hết bò nuôi năm 2017 đã sinh sản 1 lứa, các hộ đang chuẩn bị luân chuyển cho hộ còn lại nuôi. Nhờ chương trình này, hiện tổng đàn bò của xã tăng lên khoảng 260 con, giúp các hộ khó khăn có thêm “đầu cơ nghiệp”, động lực vươn lên thoát nghèo, góp phần quan trọng giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã còn 19 hộ (6,8%). Anh Dương Văn Khào, Trưởng bản Tà Lèng (bản có 8 hộ được hỗ trợ giống bò sinh sản) cũng đã xác nhận hiệu quả và ý nghĩa của mô hình trên tại bản mình, giúp các hộ thêm động lực phát triển kinh tế gia đình.

Nhờ thực hiện đầy đủ các chính sách cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo của thành phố giảm nhanh qua từng năm: Năm 2014 có 112 hộ nghèo (chiếm 0,83%), năm 2015 còn 0,5%, năm 2016 theo chuẩn nghèo mới số hộ tăng lên 191 hộ (1,37%), đến hết năm 2018 giảm còn 0,33%. Giờ đây, cuộc sống người dân các xã, bản vùng cao thuộc địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ không chỉ ổn định, khoảng cách giàu nghèo giữa các cộng đồng dân tộc, khu vực sinh sống dần được rút ngắn mà còn đổi thay tích cực về mọi mặt, đặc biệt là ý thức vươn lên, chủ động trong lao động sản xuất, dám thử nghiệm những mô hình mới.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top