Góc nhìn nhà báo

Thẩm Khương hay Thẳm Khương…

08:51 - Thứ Năm, 04/07/2019 Lượt xem: 11704 In bài viết
ĐBP - Nằm cạnh quốc lộ 279, hang Thẳm Khương thuộc địa phận xã Chiềng Ðông, huyện Tuần Giáo là di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Hòa Bình được phát hiện đầu tiên ở Tây Bắc và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định công nhận di tích khảo cổ học cấp quốc gia vào tháng 3/2014. Tuy nhiên, trong rất nhiều văn bản, giấy tờ, thậm chí là biển chỉ dẫn di tích ngay trên quốc lộ 279 đều bị viết thành Thẩm Khương. Ðiều này không chỉ gây nhầm lẫn về cách gọi mà còn thay đổi cơ bản ý nghĩa của tên Thẳm Khương.

Theo tài liệu nghiên cứu của Bảo tàng tỉnh, hang Thẳm Khương là tên gọi bằng tiếng bản ngữ dân tộc Thái: Thẳm có nghĩa là hang, còn Khương là tên của bản trước kia (ngày nay bản Khương còn có tên gọi là bản Bó) là một mái đá nằm dưới chân núi Hồng Cáy (thuộc xã Chiềng Ðông). Vậy có thể hiểu nôm na Thẳm Khương có nghĩa là hang ở bản Khương. Tên gọi Thẳm Khương còn được thể hiện rõ ràng trong Bằng xếp hạng di tích quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận năm 2014 và Bia di tích ngay tại cửa hang. Còn với tên gọi “Thẩm khương” thì, theo nhiều người dân xã Chiềng Ðông, từ Thẩm trong tiếng Thái không có nghĩa và rất có thể do người dân tộc khác đọc chệch từ tiếng Thẳm mà thành. Vậy nên mới có chuyện dở khóc dở cười là biển chỉ dẫn một đằng nhưng khi du khách vào thăm di tích lại tên một nẻo… Ðiều này cũng tương tự với di tích hang Thẳm Púa gần đó. Nơi vừa là hang động, vừa là điểm di tích lịch sử nơi dừng chân đầu tiên của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954 nhưng cũng xuất hiện dày đặc trên nhiều tài liệu, biển chỉ dẫn với cái tên Thẩm Púa.

Như vậy, việc gọi hay dùng tên Thẩm Khương thay cho Thẳm Khương trong các văn bản, biển chỉ dẫn là chưa hoàn toàn chính xác. Dù chỉ là một chi tiết nhỏ, nhiều người không để ý tới nhưng lại có ảnh hưởng khá lớn. Bởi khi bị nhầm lẫn quá lâu, tên Thẩm Khương trở thành phổ biến, nhiều người sẽ mặc nhiên công nhận đó mới là tên của di tích. Còn Thẳm Khương chỉ còn cái tên tồn tại trong quá khứ và tâm tưởng của nhiều bậc lão niên xã Chiềng Ðông. Vậy nên khi tìm hiểu, nghiên cứu hoặc làm các nội dung về di tích, nhất là các di tích khảo cổ, di tích lịch sử cần phải tuyệt đối cẩn trọng, chính xác ngay từ tên gọi, nếu không có thể sẽ thay đổi bản chất của vấn đề. Mong rằng, các cơ quan chuyên môn sớm có sự điều chỉnh trên các văn bản, biển chỉ dẫn để di tích Thẳm Khương trở về với đúng tên gọi, ý nghĩa vốn có của mình.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top