Khi lòng dân đã thuận

08:56 - Thứ Năm, 04/07/2019 Lượt xem: 13215 In bài viết
ĐBP - Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm xuyên suốt về bài học lấy dân làm gốc, Người đã khẳng định: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Khắc sâu lời dạy của Bác, từ sự chung sức, đồng lòng của người dân, huyện Tủa Chùa đã huy động sự đóng góp, hiến đất của nhân dân trong làm đường giao thông nông thôn. Những con đường của “ý Ðảng, lòng dân” mở ra, không chỉ giúp cho việc đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa dễ dàng, mà còn tạo điều kiện cho bà con có cơ hội vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, làm giàu cho quê hương.

 

Ðể có mặt bằng kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, nhân dân huyện Tủa Chùa đã tự nguyện hiến đất để làm đường. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Hoàng Ánh thi công tuyến đường liên xã Sính Phình - Trung Thu (huyện Tủa Chùa).

Những ngày cuối tháng 5, có mặt trên trục đường liên xã Sính Phình - Trung Thu (huyện Tủa Chùa) đang thi công, nghe những câu chuyện kể về phong trào làm đường giao thông nông thôn của xã Trung Thu, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng bởi nhiều hộ dân ở đây đã tự nguyện hiến đất cho chính quyền làm đường. Theo thiết kế, tuyến đường rải nhựa với mặt đường rộng 6m và phần lề 1m đã ảnh hưởng đến một số diện tích đất nương, đất ở của người dân. Dù vậy, bà con vẫn sẵn sàng hiến đất, tháo dỡ các công trình của gia đình để phục vụ làm đường dù không có đền bù. Dẫn chúng tôi tham quan công trình, ông Hoàng Dũng Sỹ, Chỉ huy trưởng công trường, Công ty TNHH Hoàng Ánh chia sẻ: Trên tuyến đường liên xã này, công ty thực hiện 2 gói thầu; trong đó có tuyến từ trung tâm xã Trung Thu đến bản Nhè Chua Háng (xã Trung Thu) và tuyến từ bản Nhè Chua Háng đến thôn 2 (xã Sính Phình). Theo tiến độ, đến nay tuyến đường từ trung tâm xã Trung Thu đến bản Nhè Chua Háng có chiều dài 2,5km, đơn vị đã rải nhựa xong và tuyến từ bản Nhè Chua Háng đến thôn 2 có chiều dài gần 2km đã mở 90% phần mặt đường. Dù cả 2 tuyến đường này đều không có đền bù giải phóng mặt bằng nhưng trong quá trình thi công, người dân nơi đây đều tự nguyện hiến đất để làm đường nên đơn vị thi công có nhiều thuận lợi, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành công trình theo đúng tiến độ.

Cũng giống như tuyến đường liên xã Sính Phình - Trung Thu, tuyến đường từ đầu đường dân sinh Ðèo Gió - Vàng Chua đến Km 2 đường Trung Thu - Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) dài gần 17km, qua 3 xã: Trung Thu, Mường Báng và Sính Phình. Theo thống kê của Ban Quản lý Dự án các công trình huyện Tủa Chùa (đơn vị đại diện chủ đầu tư tuyến đường), để làm tuyến này, huyện Tủa Chùa thu hồi trên 14ha đất nương của hơn 150 hộ dân; trong đó xã Trung Thu 97 hộ, xã Mường Báng có 9 hộ và Sính Phình 50 hộ. Ðiều đáng ghi nhận là người dân đều đồng thuận hiến đất mà không hề toan tính thiệt hơn. Thậm chí, rất nhiều hộ là những hộ nghèo, thu nhập thấp... nhưng họ vẫn sẵn sàng hiến đất vì những lợi ích cộng đồng.

Là hộ dân bị thu hồi gần 3.500m2 đất sản xuất để làm đường, ông Chang A Chông, thôn Ðông Phi 1, xã Mường Báng cho biết: “Trước đây, tuyến đường này đi lại khó khăn nên bà con mong muốn mở rộng, cứng hóa để đi lại thuận lợi hơn. Khi Nhà nước có chủ trương mở rộng tuyến giao thông này, bà con rất phấn khởi. Tuy nhiên, lúc đầu một số hộ dân còn chưa đồng tình ủng hộ vì họ mất nhiều đất quá mà lại không được đền bù nên thôn đã nhiều lần tổ chức họp; được cán bộ phân tích rõ những lợi ích khi làm đường mới, các hộ trong thôn đã đồng thuận hiến đất, có những gia đình đã hiến cả nghìn mét vuông mà không đòi hỏi gì”.

Tuyến đường từ đầu đường dân sinh Ðèo Gió - Vàng Chua đến Km 2 đường Trung Thu - Lao Xả Phình (huyện Tủa Chùa) đi qua xã Trung Thu khoảng 10km và ảnh hưởng đến gần 9ha đất sản xuất của trên 90 hộ dân trên địa bàn xã, nhưng bà con nơi đây đã không ngần ngại hiến đất làm đường nhựa, để việc đi lại thuận lợi. Ông Giàng A Phổng, Chủ tịch UBND xã Trung Thu cho biết: “Do được sự đồng thuận cao của người dân nên công tác giải phóng mặt bằng phục vụ thi công rất thuận lợi. Giải phóng mặt bằng đến đâu là các hộ dân ven đường đều tự nguyện hiến đất đến đó mà không đòi hỏi bồi thường. Chúng tôi cũng xác định, làm đường giao thông nông thôn là chủ trương phù hợp với ý muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân; nhưng để bà con tự nguyện hiến đất thì chính quyền địa phương đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân với nhiều cách thức khác nhau. Có như vậy, phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn mới nhận được sự hưởng ứng của tất cả người dân”.

Qua nhiều năm mong chờ, giờ được Nhà nước đầu tư con đường mới, không ai là không vui mừng vì con đường nhỏ hẹp, khó khăn, vất vả trước đây được thay bằng đường nhựa rộng, tạo thuận lợi cho việc đi lại, thông thương hàng hóa, phát triển đời sống kinh tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh quỹ đất ngày càng bị thu hẹp, người dân cần đất sản xuất mà họ vẫn tình nguyện hiến đất phục vụ lợi ích công cộng; điều đó đã khẳng định sức dân và sự đồng thuận, đoàn kết khi được đón nhận những chủ trương hợp lý, hợp tình.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Ðạo, Giám đốc Ban Quản lý Dự án các công trình huyện Tủa Chùa cho biết: Trong quá trình triển khai thực hiện các dự án làm đường giao thông nông thôn, để có được những con đường bảo đảm đúng tiêu chuẩn, kích thước theo quy định, có rất nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất, phá bỏ các công trình xây dựng và cây cối, hoa màu. Nhiều tuyến đường thuộc các chương trình: 135, xây dựng nông thôn mới... không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng, song bà con vẫn tình nguyện hiến đất. Ðường mở đến đâu bà con tình nguyện hiến đất đến đó, vướng vào nhà thì đơn vị giúp chuyển nhà, làm nền, nhưng không ai yêu cầu bất cứ khoản đền bù nào. Việc hiến đất không chỉ giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành công trình, mà còn thể hiện ý thức tham gia của nhân dân, góp phần tạo chuyển biến tích cực về việc chấp hành pháp luật về đất đai, giải phóng mặt bằng trong nhân dân.

Phạm Quang
Bình luận
Back To Top