Giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh

Cần sự chung tay của cả cộng đồng

08:46 - Thứ Tư, 10/07/2019 Lượt xem: 12057 In bài viết

ĐBP - Cũng như các địa phương khác trong cả nước, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh (GTKS) ở tỉnh ta khá cao đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng dân số, đặc biệt còn kéo theo nhiều hệ lụy như: Nạn buôn bán trẻ em, gia tăng tệ nạn xã hội... Do vậy, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền tỉnh ta đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nhất là thay đổi nhận thức, tư duy của người dân tộc thiểu số.

 

Cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGÐ huyện Tuần Giáo tuyên truyền về mất cân bằng giới tính khi sinh tại xã Pú Nhung.

Là trung tâm văn hóa chính trị của tỉnh, TP. Ðiện Biên Phủ là nơi hội tụ các tầng lớp tri thức, có trình độ cao, đồng đều, đời sống kinh tế người dân khá giả hơn các huyện thị khác. Cũng từ cuộc sống khá giả, kinh tế phát triển, nhiều gia đình dù đã “có nếp, có tẻ” nhưng vẫn muốn sinh thêm con cho vui cửa, vui nhà; đặc biệt, những gia đình có con một bề là gái lại càng mong muốn sinh cho bằng được con trai. Bà Ðặng Thị Mai, Giám đốc Trung tâm Dân số - KHHGÐ TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: Qua thống kê của Trung tâm, những năm qua tỷ lệ chênh lệch giới tính khi sinh ở thành phố luôn ở mức đáng báo động. Như năm 2015, tỷ số giới tính khi sinh trên địa bàn là 117,12 bé trai/100 bé gái, cao hơn nhiều so với mức trung bình của tỉnh (111,67 bé trai/100 bé gái) đã đưa thành phố trở thành địa phương đứng đầu trong tỉnh và là điểm “nóng” về tỷ lệ mất cân bằng GTKS. Ðể ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng này, nhiều giải pháp đã được TP. Ðiện Biên Phủ bàn thảo. Trong đó, thành phố đã tăng cường sự chỉ đạo của Ðảng và chính quyền các cấp; đa dạng hóa hoạt động truyền thông nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, nhận thức, thái độ và chuyển đổi hành vi của người dân, dần xóa bỏ quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường; kiểm tra giám sát các hành vi chẩn đoán, siêu âm, lạm dụng kỹ thuật cao để xác định giới tính thai nhi... Ðến nay, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là ý thức người dân đã từng bước được nâng cao, góp phần đưa tỷ lệ giới tính khi sinh trên địa bàn thành phố xuống mức duy trì 102 bé trai/100 bé gái.

Nguyên nhân dẫn tới mất cân bằng GTKS thì có nhiều, nhưng tựu trung vẫn là do quan niệm, suy nghĩ của một bộ phận người dân còn chưa đúng đắn trong việc thực hiện chính sách dân số của Nhà nước, còn xem nhẹ vai trò, vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; do áp lực giảm sinh; nhất là lạm dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để lựa chọn giới tính trước sinh. Ðặc biệt đối với Ðiện Biên điều này đã kéo theo nhiều hệ lụy khôn lường như sinh con thứ 3 trở lên có xu hướng tăng (năm 2018 là 19,03%); vẫn còn những gia đình nặng nề với việc sinh con trai, dù kinh tế chưa khấm khá dẫn tới tỷ lệ hộ nghèo gia tăng. Hệ quả lâu dài là đến thời điểm những bé trai trưởng thành, sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm bạn đời, là nguyên nhân dẫn đến các tệ nạn xã hội như: Buôn bán phụ nữ, bạo hành giới...

Bà Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGÐ chia sẻ: Chính vì những hậu quả kinh tế, xã hội nặng nề của mất cân bằng GTKS cho nên Nghị quyết số 21 của Hội nghị T.W 6 (khóa XII) về “Công tác dân số trong tình hình mới” đã đề ra mục tiêu đưa tỷ số GTKS về mức cân bằng tự nhiên; trước hết, đến năm 2030 tỷ số GTKS dưới 109 bé trai/100 bé gái sinh ra sống. Do vậy, để kìm hãm tình trạng mất cân bằng GTKS, ngành Dân số đã tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập trung chủ yếu ở những huyện thị có tỷ lệ mất cân bằng GTKS cao nhằm từng bước làm thay đổi tâm lý, phê phán tình trạng trọng nam khinh nữ; nâng cao vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội; thuyết phục các cặp vợ chồng không lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức, xây dựng quy mô gia đình ít con, ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và phát triển bền vững. Bên cạnh đó, các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGÐ được cung cấp kịp thời, đáp ứng nhu cầu của mọi đối tượng như: Gói dịch vụ KHHGÐ, gói dịch vụ chống viêm nhiễm đường sinh sản, gói dịch vụ làm mẹ an toàn.

Ðặc biệt, nhằm nâng cao chất lượng dân số, các chương trình, đề án như: “Sàng lọc trước sinh và sơ sinh”, “Tư vấn và khám tiền hôn nhân”... đã được ngành Dân số phối hợp với 10 huyện, thành phố, thị xã triển khai rộng rãi tới những phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, nhất là phụ nữ miền núi, vùng khó khăn, giúp họ có thêm kiến thức để tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, luôn chủ động trong việc thực hiện KHHGÐ... 6 tháng đầu năm, Chi cục đã phối hợp với 72 trường học tổ chức tư vấn và cung cấp dịch vụ KHHGÐ cho vị thành niên/thanh niên thu hút hơn 16.000 lượt người nghe; sinh hoạt CLB 10 lần; đặc biệt sinh hoạt CLB tại các xã có tốc độ gia tăng giới tính khi sinh được 191 lần, thu hút gần 4.000 lượt người nghe… Cùng với đó, Chi cục cũng lồng ghép tuyên truyền về việc cấm lựa chọn giới tính thai nhi; phối hợp với Sở Y tế rà soát, kiểm tra các nhà sách bày bán các sách có nội dung hướng dẫn lựa chọn giới tính thai nhi trên toàn tỉnh, qua đó đã tiêu hủy hàng ngàn ấn phẩm, sách báo có nội dung không phù hợp. Từ đó, góp phần đưa tỷ số GTKS của tỉnh xuống còn 112,6 bé trai/100 bé gái, nhưng hiện vẫn ở mức báo động.

Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thùy dù đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng mức chênh lệch giới tính trên địa bàn tỉnh ta vẫn còn cao và chưa ổn định. Vì vậy, các cấp ủy đảng, chính quyền, nhất là người dân cần nâng cao nhận thức về hệ lụy xã hội nặng nề và tác động tiêu cực đối với sự phát triển của việc mất cân bằng GTKS. Từ đó theo dõi sát sao và kịp thời đề xuất các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu thực trạng mất cân bằng GTKS.

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top