Thực hiện chính sách hỗ trợ người dân tộc thiểu số

Hỗ trợ cần phù hợp thực tế

09:10 - Thứ Năm, 11/07/2019 Lượt xem: 11155 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, nhiều chính sách hỗ trợ dân tộc thiểu số đã được áp dụng, triển khai trên địa bàn tỉnh, giúp người dân nâng cao trình độ và giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, bên cạnh những chính sách được thực hiện hiệu quả thì vẫn có chính sách chưa phù hợp, không đạt kết quả như mong muốn.

 

Người dân bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo) góp ngày công làm đường bê tông nội bản.

Chính sách hỗ trợ tiền điện (đèn dầu) theo quy định tại Thông tư số 190/2014/TT-BTC ngày 11/12/2014 của Bộ Tài chính đã được thực hiện từ nhiều năm nay. Mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng. Thời gian đầu thực hiện, chính sách cho thấy hiệu quả thiết thực khi hỗ trợ kinh phí thắp sáng cho người dân. Tuy nhiên, càng về sau, chính sách này càng bộc lộ những điểm bất hợp lý, không còn phù hợp với thực tế tại địa phương.

Huyện Mường Nhé có trên 93% dân số thuộc 10 dân tộc thiểu số; tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 là 66,73%. Như vậy, 100% các thôn, bản của huyện Mường Nhé đều được thụ hưởng chính sách hỗ trợ tiền điện của Nhà nước. Ông Cà Văn Lả, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện cho biết: Hàng năm, huyện được cấp trên 4 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền điện cho người dân. Khi nguồn vốn được phân bổ, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và chính quyền các xã thực hiện việc chi trả tiền hỗ trợ đến các hộ dân đảm bảo đúng đối tượng thụ hưởng, đúng trình tự theo quy định. Tuy nhiên, thực tế hiện nay tính hiệu quả của chính sách gần như không còn. Với số tiền 46.000 đồng/hộ/tháng, người dân sau khi nhận không sử dụng đúng mục đích. Nhiều hộ dân ở các bản xa trung tâm còn không muốn ra xã để nhận tiền vì số tiền quá bé, mà chi phí phát sinh từ nhà ra trung tâm xã đã bằng hoặc lớn hơn số tiền nhận hỗ trợ. Mặt khác, việc thực hiện hỗ trợ trực tiếp sẽ dẫn đến tâm lý trông chờ, ỷ lại của người dân. Do đó, huyện Mường Nhé đề nghị chuyển nguồn hỗ trợ này sang hình thức hỗ trợ khác hiệu quả hơn như đầu tư xây dựng trường lớp học hoặc nhà văn hóa thôn, bản.

Chính sách hỗ trợ trâu, bò sinh sản thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững là một trong những chính sách hỗ trợ lớn nhất đối với người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện tại một số địa phương chưa mang lại hiệu quả. Ðiển hình là huyện Nậm Pồ, chính sách hỗ trợ sản xuất được triển khai bằng rất nhiều nguồn vốn như: Chương trình 30a/CP; Chương trình 135/CP; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Ðề án xây dựng nông thôn mới ở các xã biên giới; Ðề án 79… Ngoài ra, còn rất nhiều nguồn hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân thông qua các chương trình từ thiện xã hội. Giai đoạn 2014 - 2018, huyện Nậm Pồ đã triển khai hỗ trợ gần 2.200 con trâu, bò giống cho hộ nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, hiệu quả phát triển kinh tế, giảm nghèo chưa cao.

Tại cuộc giám sát cuối tháng 4/2019 của HÐND tỉnh về việc thực hiện chính sách dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 tại xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), ông Cháng A Dè, Chủ tịch UBND xã Nà Bủng kiến nghị: Việc thực hiện chính sách hỗ trợ trâu, bò giống cho người dân trên địa bàn xã không mang lại hiệu quả. Bởi vì sau khi giao con giống, người dân không biết cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh. Khi trâu bò có biểu hiện ốm, người dân mang đi bán hoặc mổ thịt ăn. Xã Nà Bủng có trên 200 người nghiện ma túy mà những hộ có người nghiện thì 100% là hộ nghèo, hàng năm đều được nhận hỗ trợ của Nhà nước. Nhiều trường hợp nhận trâu, bò giống về được ít ngày là bán để lấy tiền sử dụng ma túy. Theo thống kê của UBND xã Nà Bủng, từ năm 2014 đến nay toàn xã có khoảng 70% số trâu, bò hỗ trợ đã bị người dân bán lấy tiền phục vụ mục đích khác. Chính quyền xã không thể giám sát, kiểm soát được việc người dân bán trâu, bò giống do Nhà nước hỗ trợ. Chính vì vậy, xã Nà Bủng kiến nghị các cấp có thẩm quyền nên chuyển nguồn vốn hỗ trợ trâu, bò giống sang đầu tư cơ sở hạ tầng trên địa bàn xã sẽ phát huy hiệu quả hơn.

Ðối với chính sách đào tạo nghề cho lao động là người dân tộc thiểu số, hầu hết các huyện, thị xã và thành phố đều báo cáo thực hiện đầy đủ, đúng đối tượng, đạt 100% chỉ tiêu kế hoạch giao; tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo trên 75%. Tuy nhiên, khi kiểm tra thực tế, tại nhiều địa phương có rất ít học viên có việc làm hoặc tự tạo được việc làm sau đào tạo. Ðơn cử là năm 2016, sau khóa đào tạo nghề sửa chữa xe máy kéo dài 3 tháng tại xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), chỉ có 2/30 học viên tự mở được hiệu sửa chữa xe máy tại địa bàn, số còn lại không có việc làm hoặc tìm việc làm khác. Hoặc lớp đào tạo nghề cắt may tại xã Ma Thì Hồ (huyện Mường Chà), sau đào tạo 100% học viên không có việc làm.

Bài, ảnh: Phạm Trung
Bình luận
Back To Top